Các đơn vị tư vấn chưa đủ kinh nghiệm, năng lực về tu bổ, tôn tạo di tích
Đó là phát biểu của đại biểu Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII diễn ra vào sáng 11/7.
Theo đó, trên cơ sở gợi mở thảo luận của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng, các đại biểu đã tập trung phân tích để khẳng định sự lãnh đạo, chỉ đạo, cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và tầng lớp Nhân dân về những kết quả đạt được 6 tháng đầu năm 2023.
Thảo luận tại kỳ họp đại biểu Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa nêu ra hai vấn đề cử tri và dự luận quan tâm, đó là: Quản lý, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa; các vấn đề liên quan đến phát triển du lịch.
Đại biểu nhấn mạnh, Thanh Hóa là một vùng đất giàu truyền thống, lịch sử cách mạng, nơi phát tích nhiều triều đại phong kiến, vùng đất “tam vua nhị chúa”. Là vùng đất có kho tàng di sản rất lớn với hơn 1.500 di tích, danh lam thắng cảnh.
Thời gian vừa qua, vấn đề bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích thu hút sự quan tâm, chú ý của dư luận, bởi một số địa phương, đơn vị đã để xảy ra sai phạm. Trước thực trạng này, ngành văn hóa, thể thao và du lịch đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện các quy trình, chấn chỉnh tình trạng sai phạm trong bảo quản, tu bổ di tích.
Đại biểu Phạm Nguyên Hồng cho hay, công tác quản lý, bảo quản, tu bổ di tích là lĩnh vực khá đặc thù, nhạy cảm. Các quy định pháp luật đang chồng chéo với Luật Di sản dẫn đến những khó khăn, lúng túng trong triển khai thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo di tích.
Đáng nói, các đơn vị tư vấn trên địa bàn yếu và thiếu, chưa đủ kinh nghiệm, năng lực về tu bổ, tôn tạo di tích; chưa xác định rõ, hiểu rõ yếu tố gốc tại các di tích.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa chỉ có 2 - 3 đơn vị tư vấn đủ năng lực thực hiện dự án có kinh phí vài chục tỷ. Còn đối với những đơn vị tư vấn thực hiện gói vài tỷ là những đơn vị ít có kinh nghiệm, không có kiến thức về tu bổ, tôn tạo di tích.
Cùng đó, một bộ phận người làm công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa các địa phương còn thiếu và yếu, chưa được đào tạo đúng chuyên ngành nên dẫn đến những sai phạm trong công tác quản lý, bảo quản và tu bổ di tích.
Đối với vấn đề phát triển du lịch, thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn do tình hình kinh tế thế giới và khu vực gặp biến động. Song với mục tiêu kích cầu du lịch, trong năm 2023, ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức hơn 70 hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch nhằm thu hút du khách.
“Để tổng thu du lịch đạt kế hoạch đề ra, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục quan tâm phát triển hạ tầng kết nối các khu, điểm du lịch; đẩy nhanh tiến độ các dự án du lịch lớn, trọng điểm; quan tâm đào tạo đội ngũ nhân lực du lịch” - đại biểu Phạm Nguyên Hồng đề nghị.
Kết luận bài phát biểu, đại biểu Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa cảm ơn các đại biểu quan tâm tới lĩnh vực văn hóa và khẳng định: "Chúng tôi nghĩ rằng nếu mà mình không làm được thì chúng tôi sẽ xin từ chức chứ không cần phải như ý kiến của một số đồng chí đề xuất xử lý những đơn vị được giao nhiệm vụ".