Các đồng nội tệ ở Mỹ Latinh lội ngược dòng tăng giá
Giới chuyên gia nhận định giá nguyên liệu thô gia tăng và tình hình quốc tế đã giúp các đồng nội tệ của Mỹ Latinh tăng giá trong năm nay, qua đó góp phần đảo ngược xu hướng ghi nhận trong năm 2021.
Năm ngoái đồng peso của Argentina là đồng tiền mất giá thứ hai trên thế giới, với mức giảm 20,5% so với đồng USD, tiếp đến là đồng peso của Chile với 18,7%, đồng peso Colombia với 17% và sol của Peruvới 11,9%.
Tuy nhiên, trong quý I/2022 các đồng tiền của Mỹ Latinh đã lội ngược dòng nhờ giá nguyên liệu thô cao, gia tăng lãi suất và các dòng tiền luân chuyển. Điều này đã thu hút các nhà đầu tư mới đang tìm kiếm đích đến an toàn hơn cho dòng tiền, trong bối cảnh chiến sự tại Ukraine phủ bóng đen lên châu Âu nhưng lại giúp Mỹ Latinh “tỏa sáng”.
Mặc dù vậy, các chuyên gia nhận định còn tồn tại rất nhiều biến số và không loại trừ khả năng các đồng tiền khu vực mất giá trở lại.
Trong số các đồng tiền ở Mỹ Latinh, trong tháng Ba đồng real của Brazil là đồng tiền tăng giá mạnh thứ hai trên thế giới (sau đồng ruble Nga). Theo số liệu của nền tảng thông tin tài chính của công ty tư vấn Economatica, đồng real đã tăng 7,69% so với đồng USD.
Từ đầu năm đến nay, đồng bạc xanh đã giảm tới 16% và được bán dưới 5 real theo tỷ giá hối đoái thương mại. Theo các chuyên gia, nguyên nhân là do lãi suất cơ bản được duy trì ở mức cao (hiện là 11,75%/năm), giá sắt và dầu thô tăng, việc các nhà đầu tư rút tài sản khỏi Nga và dòng vốn nước ngoài đổ vào Brazil.
Dù vẫn giữ thái độ thận trọng trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Mười tới, các nhà kinh tế lạc quan rằng thị trường ngoại hối Brazil sẽ tiếp tục xu hướng tích cực. Theo ông Flavio Serrano, nhà kinh tế trưởng của cơ quan đầu tư Greenbay, Brazil bắt đầu kiểm soát tiền tệ sớm hơn nhiều so với các nước khác, nhờ đó lãi suất tăng nhanh hơn các quốc gia khác.
Trong khi đó, Ngân hàng Dự trữ Trung ương Peru (BCRP) cho biết đồng sol đã tăng 2,74% trong 12 tháng qua và 8,68% từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo bất ổn chính trị tại Peru có thể làm đảo ngược xu hướng này.
Tại Chile -nước sản xuất đồng hàng đầu thế giới-, đồng peso cũng mạnh lên nhờ giá đồng cao và động thái gần đây của Ngân hàng Trung ương nâng lãi suất cơ bản từ 5,5% lên 7%. Ngày 20/12 năm ngoái, một ngày sau chiến thắng của Tổng thống Gabriel Boric, đồng bạc xanh đã đạt mức cao nhất trong lịch sử Chile với tỷ giá 876 peso/USD, nhưng giá USD đang giảm dần và ngày càng trượt xa mốc 800 peso/USD.
Nhà kinh tế Francisco Castanẽda, từ Đại học Santiago de Chile, nhận định lãi suất cao giúp Chile thu hút dòng vốn của các nhà đầu tư tìm kiếm lợi nhuận cao hơn so với Mỹ và châu Âu.
Từ đầu năm đến nay, đồng peso Colombia đã tăng 6,89% nhờ giá nguyên liệu thô gia tăng. Theo nhóm nghiên cứu kinh tế Scotiabank Colpatria, với lợi thế xuất khẩu dầu mỏ và than đá, Colombia sẽ “có thêm USD trong nền kinh tế”. Tuy nhiên, xu hướng này có thể chỉ là ngắn hạn, phụ thuộc vào kết quả cuộc bầu cử tổng thống vào tháng Năm tới.
Trong khi đó, đồng peso Mexico là đồng tiền tăng giá mạnh thứ năm, sau các đồng nội tệ của Brazil, Peru, Chile và Colombia, với mức tăng 3,21% trong quý I/2022.
Giám đốc phân tích kinh tế của ngân hàng Banco Base Gabriela Siller cho biết một lượng lớn ngoại tệ đã đi vào Mexico thông qua xuất khẩu và kiều hối. Dự kiến xuất khẩu của Mexico sẽ tăng từ 7-10% trong năm nay nhờ sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, trong khi kiều hối có thể tăng từ 10-13%.
Tại Argentina đang diễn ra hai kịch bản. Một mặt, đồng peso đẩy nhanh tốc độ mất giá trên thị trường hối đoái chính thức, phù hợp với chiến lược đã thống nhất với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nhưng mặt khác giá đồng bạc xanh lại giảm trên các thị trường thay thế.
Cụ thể, trong quý I/2022 đồng USD đã tăng 8,07% trên thị trường bán buôn chính thức và đến hết tháng Ba giá đồng bạc xanh ở mức 111,01 peso/USD. Cùng lúc đó, giá bán tại các ngân hàng và cơ sở đổi tiền -nơi áp dụng hạn ngạch là 200 USD/người/tháng và bị đánh thuế 30%- là 116 peso/đơn vị.
Giới phân tích cho rằng, trong những tháng tới thị trường sẽ ổn định hơn nhờ nguồn thu USD từ xuất khẩu ngũ cốc của vụ mùa này và khả năng tốc độ mất giá trên thị trường chính thức được duy trì. Điều này sẽ giúp thu hẹp chênh lệch tỷ giá so với thị trường tự do./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/cac-dong-noi-te-o-my-latinh-loi-nguoc-dong-tang-gia/239931.html