Các đồng tiền châu Á xuống mức thấp nhất trong năm do nỗi lo về kinh tế toàn cầu
Lãi suất cao hơn trong và ngoài nước đã tạo áp lực lên các nền kinh tế châu Á, khiến các đồng nội tệ chịu áp lực bán tháo và giao dịch ở gần mức thấp nhất trong năm trong các phiên giao dịch ngày 27-9. Một số ngân hàng trung ương châu Á được kỳ vọng sẽ cắt giảm lãi suất, tuy vậy Ngân hàng Thái Lan đã bất ngờ tăng lãi suất trong ngày 27-9.
Điểm yếu của các đồng yen Nhật Bản, won Hàn Quốc và baht Thái Lan lộ ra khi Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) của Mỹ duy trì quan điểm giữ nguyên lãi suất liên bang ở biên độ 5,25-5,5% – mức cao nhất trong 22 năm qua – sau cuộc họp hai ngày kết thúc hôm 20-9. Tuy vậy, hành động này vẫn ám chỉ về các đợt tăng lãi suất mới sắp tới, với kỳ vọng nền kinh tế Mỹ và việc làm sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong hai năm 2024-2025. Quyết định của Fed làm gia tăng triển vọng chênh lệch lãi suất giữa đồng đô xanh và các đồng tiền châu Á sẽ được nới rộng.
Tương tự như Fed, nhiều Ngân hàng trung ương châu Á đã tăng lãi suất vào năm ngoái. Nhưng trong phần lớn thời gian của năm 2023, các Ngân hàng trung ương này hầu như giữ lãi suất ổn định với hy vọng rằng những lần tăng lãi suất trước đó là đã đủ để chế ngự làn sóng lạm phát.
Một tuần sau quyết định của Fed, đồng yen, won và baht đều giảm xuống mức thấp nhất so với đồng đô la Mỹ trong năm nay.
Đồng yen vẫn ở mức trên 149 yên mỗi đô la, gần mức thấp nhất trong 11 tháng qua vào hôm 26-9. Đồng won giảm xuống ở tỷ giá 1.354,6 won đổi 1 đô la, baht Thái giảm xuống còn 36,5 – mức thấp nhất của hai đồng tiền nà trong 10 tháng kể từ tháng 11-2022.
Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc đã giảm xuống 7,34 nhân dân tệ đổi một đô la vào đầu tháng 9, mức thấp nhất kể từ tháng 12-2007. Đồng tiền Trung Quốc hiện giao dịch ở mức thấp là 1 đô la đổi 7,30 nhân dân tệ.
Đồng yen Nhật Bản có thể tiếp tục trượt dốc?
Đồng yen cũng bị ảnh hưởng khi ông Kazuo Ueda, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 22-9 nhắc lại cam kết của BOJ đối với chính sách tiền tệ cực kỳ lỏng lẻo. Phát biểu của Thống đốc Ueda đã dập tắt các suy đoán rằng BOJ sẽ chuyển sang chính sách tiền tệ siết chặt từ tháng 12 sắp tới.
Hôm 26-9, đồng tiền Nhật Bản giảm xuống 149 đổi 1 đô la – mức thấp nhất kể từ tháng 10 năm ngoái, ngay cả khi Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki cảnh báo trong ngày rằng: “Những biến động quá mức là điều không mong muốn. Các cơ quan quản lý tiền tệ Nhật Bản vẫn đang duy trì mối liên lạc sâu sát với các đồng liêu nước ngoài”.
Tuy nhiên, những các nhà đầu tư, mua bán tiền tệ đã bác bỏ các quan điểm của Bộ trưởng Suzuki. Họ nói rằng họ không nhận thấy dấu hiệu khẩn cấp trong các phát biểu của ông bộ trưởng. Các nhà phân tích của hãng chứng khoán Mizuho Securities đưa ra dự báo rằng, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi tỷ giá đồng giữa đô xanh và đồng yen tiến về mức 150. Ở tỷ giá này, các nhà giao dịch dự báo rằng BOJ sẽ can thiệp bằng cách mua vào đồng yen. Các nhà phân tích của Mizuho cảnh báo, sự sụt giảm của đồng yen có thể tăng tốc nếu không có sự can thiệp từ BOJ.
Nhưng thật ra, lời lẽ ôn hòa của Thống đốc Ueda phản ánh tình trạng không chắc chắn kéo dài về triển vọng của kinh tế toàn cầu, tức là một bức tranh thiếu màu tươi sáng. Một số nhà kinh tế thậm chí còn kỳ vọng các ngân hàng trung ương châu Á sẽ nới lỏng chính sách để hỗ trợ nền kinh tế của họ. Tuần trước, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của khu vực châu Á đang phát triển xuống 4,7% từ mức 4,8% do lãi suất cao và cuộc khủng hoảng tài sản ở Trung Quốc đang gia tăng rủi ro cho các nền kinh tế khác trong khu vực.
Thái Lan bất ngờ tăng lãi suất
Hôm 27-9, các nhà kinh tế của tập đoàn tài chính và ngân hàng Nomura của Nhật Bản nói rằng họ vẫn giữ quan điểm rằng Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 1-2024. Các nhà kinh tế tại Capital Economics cũng có quan điểm lạc quan về các nền kinh tế châu Á mới nổi.
“Tăng trưởng GDP ở hầu hết các nước châu Á mới nổi đã gặp khó khăn trong năm qua. Chúng tôi dự đoán tăng trưởng sẽ vẫn yếu trong thời gian tới do chính sách tiền tệ thắt chặt trong nước và hoạt động ở nước ngoài yếu đi gây áp lực lên nhu cầu”, báo cáo của Nomura viết.
Capital Economics kỳ vọng Ngân hàng Indonesia sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào cuối năm nay, Philippines và Thái Lan trong quí 1-2024.
Nhưng hoàn toàn trái ngược với dự báo này, chiều ngày 27-9 Ngân hàng Thái Lan (BoT) đã nâng lãi suất chính sách thêm 25 điểm phần trăm thành 2,5%. Đây là lần tăng lãi suất thứ tám liên tiếp của BoT bất chấp kỳ vọng của thị trường và nỗ lực kiểm soát tốt lạm phát của ngân hàng trung ương Thái Lan.
Trước đó, một cuộc thăm dò do hãng Reuters tiến hành từ ngày 18 đến 20-9 cho thấy có 21/27 nhà kinh tế được thăm dò đã tin rằng BoT sẽ giữ tỷ lệ mua lại một ngày chuẩn ở mức 2,25% sau khi lạm phát đã giảm bớt.
“Về tổng thể, nền kinh tế Thái Lan tiếp tục phục hồi vào năm 2023, mặc dù với tốc độ chậm hơn do nhu cầu bên ngoài yếu. Lạm phát dự kiến sẽ tăng trong năm tới do sự phục hồi và áp lực nguồn cung liên quan đến El Nino”, thông cáo của BoT viết.
Ngân hàng này dự kiến lạm phát chung cho cả năm 2023 là 1,6%, duy trì trong phạm vi mục tiêu nhờ trợ cấp của chính phủ và lãi suất cơ bản ở mức cao trong năm ngoái. BoT cũng điều chỉnh dự báo tăng trưởng kinh tế của Thái Lan trong năm nay xuống còn 2,8%, thấp hơn dự báo 3,6% trước đó. Theo BoT, tăng trưởng kinh tế Thái Lan sẽ tăng lên 4,4% trong năm 2024.
Theo Nikkei Asia, Reuters