Các DTTS huyện Cát Tiên đoàn kết xây dựng đời sống mới
Cát Tiên là nơi lập nghiệp, sinh sống của người dân trên khắp các vùng miền của Tổ quốc hội tụ về đây tạo dựng cuộc sống mới trên quê hương giàu truyền thống cách mạng.
Buôn làng khởi sắc
Huyện Cát Tiên có 18 dân tộc anh em sinh sống tại 12 thôn, buôn thuộc các xã Đồng Nai Thượng, Phước Cát 2, Gia Viễn, Tiên Hoàng và thị trấn Cát Tiên, thị trấn Phước Cát. Tính đến cuối năm 2018, trên địa bàn huyện đã có 7/9 xã được UBND tỉnh quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Điều đáng ghi nhận đó là các địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống nhưng cũng đã phấn đấu hoàn thành tốt các chỉ tiêu và xây dựng nông thôn mới.
Bản Brun (xã Gia Viễn) có 100% dân tộc Châu Mạ sinh sống. Từ tập quán canh tác phát nương làm rẫy, ngày nay, bà con trong bản đã định cư ổn định và chăn nuôi, trồng lúa nước. Bản chỉ có 24 hộ dân với 84 nhân khẩu nhưng mọi tầng lớp nhân dân đều thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương. Từ đó, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị, an toàn xã hội được giữ vững. Năm 2006, bản Brun đã được quy hoạch và xây dựng ở nơi mới. Bước đầu, do chưa quen với điều kiện cư trú và sản xuất nông nghiệp mới nên đời sống người dân trong bản còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự quyết tâm của bà con cùng với sự quan tâm của chính quyền địa phương nên đời sống kinh tế của bà con đã từng bước được cải thiện. Ông Điểu K'Ít, Trưởng bản Brun cho biết: Thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Nhân dân trong bản đã thực hiện nhiều công trình giúp cho buôn làng ngày càng khởi sắc. Những phần việc mà người dân trong bản trực tiếp thực hiện như trồng cỏ lạc, cây xanh dọc hai bên đường vào bản, cùng với Đoàn xã Gia Viễn triển khai chương trình thắp sáng đường quê với chiều dài hơn 400 m, thực hiện mô hình “5 không, 3 sạch”, thu gom rác thải sinh hoạt, xử lý chất thải trong chăn nuôi, xây dựng nhà vệ sinh, thực hiện mô hình “Khu dân cư sáng - xanh - sạch - đẹp”... Nhờ đó, tình trạng ô nhiễm môi trường được hạn chế, đảm bảo sức khỏe người dân, tạo vẻ mỹ quan nông thôn theo hướng văn minh hiện đại, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí xây dựng xã nông thôn mới nâng cao của xã Gia Viễn theo đúng lộ trình và kế hoạch đề ra. Theo ông Điểu K'Xiêu, Già làng, Trưởng Ban Công tác Mặt trận bản Brun, nhờ làm tốt công tác tuyên truyền mà người dân trong bản đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, đảm bảo lương thực đủ dùng cho Nhân dân, góp phần vào công tác giảm nghèo bền vững. Năm 2019, bản chỉ còn 1 hộ nghèo và 1 hộ cận nghèo. Bên cạnh đó, việc xây dựng đời sống văn hóa trong khu dân cư cũng được thực hiện tốt. Người dân tích cực tham gia xây dựng hương ước, quy ước, xây dựng bản văn hóa, phát huy tinh thần đoàn kết gắn bó truyền thống lâu đời. Năm 2013, bản Brun đã được công nhận là bản văn hóa.
Còn tại Buôn Go (thị trấn Cát Tiên), trong thời gian qua, đồng bào DTTS đã tích cực tham gia xây dựng Làng đồng bào kiểu mẫu. Buôn Go nằm ở trung tâm thị trấn Cát Tiên với 72 hộ/272 khẩu. Trong những năm trước, Nhà nước đã hỗ trợ xây dựng 52 căn nhà theo Dự án Làng dân tộc Buôn Go kiểu mẫu. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, sự đoàn kết thống nhất và sự cố gắng vươn lên của tầng lớp nhân dân nên Buôn Go đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, 9 năm liền duy trì là buôn văn hóa. Ông Điểu K'Giá, Bí thư Chi bộ Buôn Go cho biết: Trong buôn có một nhà rông là nơi sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào, có một làng nghề truyền thống giải quyết được 36 lao động. Chi bộ thôn đã tập trung triển khai thực hiện tốt các chương trình, dự án để xây dựng buôn dân tộc kiểu mẫu, thực hiện tốt phong trào xây dựng nếp sống văn hóa nơi công cộng, bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống… Người dân trong buôn hiện nay không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới hỏi, việc tang, việc lễ hội.
Tích cực bảo vệ rừng
Trong thời gian qua, nhờ làm tốt chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới mà đời sống kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS ngày càng phát triển. Nhiều mô hình sản xuất nông lâm nghiệp đã được bà con DTTS triển khai có hiệu quả. Đặc biệt, công tác giao khoán quản lý, bảo vệ rừng cho cộng đồng và các hộ đồng bào DTTS được quan tâm thực hiện. Qua đó, nhận thức của người dân trong công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng được nâng cao; đồng thời, tạo nguồn thu nhập ổn định nhờ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng, góp phần giảm nghèo bền vững, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép để làm nương rẫy.
Trong giai đoạn 2015 - 2018, tổng diện tích rừng được giao khoán là gần 25.000 ha cho 21 nhóm hộ tại các xã Ðồng Nai Thượng, Gia Viễn, Tiên Hoàng, Phước Cát 2 với tổng số tiền đã chi trả là hơn 18 tỷ đồng.
Riêng tại xã Đồng Nai Thượng, nhiều năm liền trên địa bàn xã đã không để xảy ra cháy rừng, lấn chiếm đất rừng. Ông K'Điền, Trưởng thôn Đạ Cọ (xã Đồng Nai Thượng) chia sẻ: Là một người gắn bó với chức vụ trưởng thôn đã 10 năm nay, tôi hiểu được ý nghĩa và giá trị của tài nguyên rừng trong môi trường sống và phát triển kinh tế - xã hội. Rừng gắn bó với đời sống của bà con DTTS và tạo nên những giá trị văn hóa Tây Nguyên. Với những kiến thức đã được tiếp thu, tôi đã tích cực vận động bà con thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng theo kế hoạch. Bà con trong thôn Đạ Cọ nhận giao khoán, quản lý 87 ha. Hầu hết được thực hiện đúng quy trình về lâm sinh như phát dọn thực bì, làm đường băng cản lửa, tiêu giảm vật liệu cháy... Để thực hiện tốt công việc, tôi luôn phối hợp với các ban ngành, đoàn thể và luôn gần gũi với bà con, cùng với những già làng, người có uy tín tuyên truyền pháp luật bảo vệ, quản lý, phát triển rừng đến với người dân.
Ông Bùi Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên cho biết: Nhờ sự quan tâm phát triển vùng đồng bào DTTS, nhiều chương trình, dự án đã được đầu tư. Đến nay, 100% các thôn trên địa bàn huyện đã được cung cấp điện; trong đó, có 2 thôn đồng bào dân tộc thiểu số là Thôn 3 và Thôn 4 (xã Phước Cát 2). Tất cả các vùng đồng bào DTTS đã được đầu tư đường vào đến trung tâm. Đặc biệt, đường nối liền xã Tiên Hoàng đi Đồng Nai Thượng sau 9 năm bị gián đoạn nay đã được đầu tư hoàn thiện, đường vào Thôn 3, Thôn 4 (xã Phước Cát 2) đã được làm hoàn chỉnh, đảm bảo xe ô tô vào tận trung tâm thôn. Trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, Đồng Nai Thượng dù có 100% đồng bào DTTS tại chỗ sinh sống, xung quanh xã là Vườn Quốc gia Cát Tiên, nhưng trong thời gian qua đã không để xảy ra tình trạng cháy rừng, không có phá rừng và lấn chiếm đất rừng. Bà con đã có ý thức rất tốt trong việc giữ rừng và được hưởng từ chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng. UBND huyện đã hoàn thành hồ sơ để trình UBND tỉnh Lâm Đồng đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc tặng bằng khen cho Nhân dân và cán bộ xã Đồng Nai Thượng vì những thành tích trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.