Các dự án trọng điểm quốc gia sẽ được đầu tư như thế nào?
Tiếp theo chương trình kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, sáng 12.11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Tại phiên chất vấn, ông Trần Hữu Hậu, đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh chất vấn Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về các nội dung liên quan đến kết cấu hạ tầng, trong đó có dự án trọng điểm quốc gia như: Vành đai 3, 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài.
Ông Trần Hữu Hậu nhấn mạnh, kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông ở các tỉnh phía Nam trong đó có các tỉnh miền Đông Nam bộ còn rất khó khăn, đang là điểm nghẽn phát triển trong 1 khu vực phát triển năng động nhất của đất nước. Với những tác động vừa qua của dịch bệnh, ngân sách của nhiều tỉnh không còn nguồn để dành cho đầu tư phát triển.
Đại biểu đặt câu hỏi với Bộ trưởng, “các dự án trọng điểm quốc gia như Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh và các dự án cao tốc thuộc nhiệm vụ chi của Trung ương nhưng đã giao cho địa phương là cơ quan có thẩm quyền quyết định đầu tư như Vành đai 4, cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài sẽ có kế hoạch đầu tư như thế nào? Bộ trưởng có bố trí trong Chương trình phục hồi kinh tế đang dự kiến trình Chính phủ và Quốc hội hay không?”.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Trần Hữu Hậu về vành đai 3, 4 của Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, 2 dự án giao thông này đã có trong quy hoạch về phát triển mạng lưới đường bộ của Việt Nam vừa mới được phê duyệt.
Đây là 2 tuyến đường quan trọng, không những có ý nghĩa về mặt kinh tế, đó là mở rộng không gian phát triển cho Thành phố Hồ Chí Minh, giảm tải cho Thành phố Hồ Chí Minh, giảm tắc nghẽn giao thông, mà còn mở ra không gian cho các vùng Đông và Tây Nam bộ. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ hoàn toàn ủng hộ 2 tuyến này cần phải được đầu tư sớm. Tuy nhiên, về nguồn lực phải tính toán và cân nhắc để bảo đảm tính khả thi.
“Hiện nay Chính phủ đã giao cho Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có trách nhiệm đại diện cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xây dựng dự án này và các tỉnh trong vùng cùng tham gia với Thành phố Hồ Chí Minh để xác định xem tổng mức đầu tư là bao nhiêu, trách nhiệm của từng địa phương là tới đâu”. Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, về phía Bộ hoàn toàn ủng hộ nếu các địa phương có khó khăn, thì Trung ương có thể tham gia hỗ trợ 1 phần bằng nhiều cách để thực hiện nhanh và ngay tuyến đường này; vừa phục hồi kinh tế, vừa xây dựng hạ tầng chiến lược lâu dài cho vùng Đông Nam bộ và Tây Nam bộ.
Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu kỹ về phương án để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.