Các gia đình Trung Quốc ồ ạt đưa con 'trốn' hệ thống giáo dục cạnh tranh

Trung Quốc đang chứng kiến làn sóng các gia đình di cư sang Thái Lan, coi đó như một miền đất mới giúp con cái họ thoát khỏi khỏi hệ thống giáo dục cạnh tranh gắt gao của Trung Quốc.

Trốn chạy khỏi nền giáo dục cạnh tranh khốc liệt

Anh Wang, sống tại thành phố Vũ Hán, thủ phủ tỉnh miền Trung của Trung Quốc, đã từng ghi danh cho con trai của mình là William, 8 tuổi, vào một trường tiểu học hàng đầu ở Vũ Hán.

Theo lời kể của anh, trong khi hồi mẫu giáo và lớp một, cậu bé có rất ít bài tập và có nhiều thời gian vui chơi, thì bài tập bắt đầu chất đống kể từ lớp 2. Khi lên lớp 3, cậu đôi khi phải học đến nửa đêm vì số lượng bài tập quá nhiều.

 Phụ huynh Trung Quốc chờ con tham gia kỳ thi cao khảo vào tháng 6.2024 dưới trời mưa tầm tã. Ảnh: AP

Phụ huynh Trung Quốc chờ con tham gia kỳ thi cao khảo vào tháng 6.2024 dưới trời mưa tầm tã. Ảnh: AP

Là một người thường xuyên phải tới Chiang Mai, một thành phố ở miền bắc Thái Lan vì công việc trong ngành du lịch, anh Wang đã quyết định thay đổi và chuyển gia đình đến thành phố miền trung du này.

Gia đình anh nằm trong “làn sóng” người Hoa đổ xô đến Thái Lan để cho con theo học các trường học quốc tế chất lượng nhưng ít áp lực về mặt điểm số hơn. Mặc dù không có số liệu cụ thể theo dõi số lượng người chuyển ra nước ngoài để học tập, nhưng họ đã gia nhập những Hoa kiều khác rời khỏi đất nước, từ những doanh nhân giàu có chuyển đến Nhật Bản, cho đến những lao động trẻ muốn từ thoát khỏi môi trường việc vô cùng cạnh tranh và áp lực của Trung Quốc.

 Học sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi cao khảo, được coi là kỳ thi khốc liệt nhất. Ảnh: AP

Học sinh Trung Quốc tham gia kỳ thi cao khảo, được coi là kỳ thi khốc liệt nhất. Ảnh: AP

Trong xã hội Trung Quốc, nhiều gia đình bị ám ảnh bởi điểm số của con em mình đến mức một trong hai người, cha hoặc mẹ, có thể từ bỏ công việc, thuê một căn hộ gần trường học của con mình để nấu ăn, dọn dẹp, chăm sóc cho con để bảo đảm con họ chỉ tập trung vào việc học. Họ được gọi là peidu “bạn đồng học”, những người coi thành công trong học tập của con là đích đến cuối cùng cho dù có phải đánh đổi bằng cả cuộc sống.

Ở đất nước 1,4 tỷ dân, cạnh tranh đang trở thành khái niệm ngày càng bị bóp méo bởi áp lực quá lớn mà nó tạo ra. Đối với môi trường nghề nghiệp, xã hội Trung Quốc xuất hiện những cụm từ thông dụng để mô tả sự cạnh tranh khốc liệt này, chẳng hạn như “neijuan”, được tạm dịch là “nỗ lực đến kiệt sức”, hoặc “tang ping”, được dịch là “nằm im” – một phong trào thể hiện sự phản kháng, thái độ phó mặc, không nỗ lực, chẳng cố gắng của một bộ phận ngày càng đông giới trẻ.

Các thuật ngữ này phản ánh khái niệm thành công được nhìn nhận như thế nào ở Trung Quốc hiện đại, từ những giờ học nhồi nhét để học sinh đạt kết quả tốt trong kỳ thi cho đến số tiền mà phụ huynh chi trả để thuê gia sư giúp con em mình có thêm lợi thế ở trường.

Động lực đằng sau tất cả là những con số đánh giá. Thành công của giới trẻ thì được đo bằng tấm bằng tốt nghiệp từ trường đại học danh tiếng, thứ hạng trên lớp và điểm số. Sự cạnh tranh này thể hiện rõ nhất qua kỳ thi cao khảo (gaokao), kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia được đánh giá là “khốc liệt” nhất thế giới.

“Nếu bạn đạt được thứ hạng đó, nghĩa là người khác không đạt được”, Chị Du Xuan của Vision Education, người có con gái đang theo học tại Chiang Mai, cho biết. “Chúng tôi có một câu nói về kỳ thi cao khảo: “Chỉ chênh nhau một điểm cũng đồng nghĩa con bạn đã đánh bại 10.000 người. Cuộc cạnh tranh khốc liệt như vậy đấy”.

Tìm môi trường sống “chậm”, học “nhẹ”

Jenson Zhang, người điều hành công ty tư vấn giáo dục Vision Education, chuyên tư vấn cho các bậc phụ huynh Trung Quốc muốn chuyển đến Đông Nam Á, cho biết nhiều gia đình trung lưu chọn Thái Lan vì học phí ở đây rẻ hơn trường tư ở các thành phố như Bắc Kinh và Thượng Hải.

Một cuộc khảo sát năm 2023 của công ty giáo dục tư nhân New Oriental cho thấy các gia đình Trung Quốc cũng có xu hướng cân nhắc cho con em họ theo học tại Singapore và Nhật Bản. Nhưng học phí và chi phí sinh hoạt ở hai quốc gia này cao hơn rất nhiều so với ở Thái Lan.

“Chuyển đến một quốc gia Đông Nam Á là điều kiện trong tầm tay của các gia đình trung lưu Trung Quốc. Thị thực thuận tiện, môi trường chung cũng như thái độ của người dân đối với người Trung Quốc khá thân thiện khiến các bậc phụ huynh Trung Quốc cảm thấy an tâm hơn”, ông Zhang cho biết.

Ở Thái Lan, “thành phố sống chậm” Chiang Mai thường là lựa chọn hàng đầu. Một số lựa chọn khác là thành phố biển Pattaya và Phuket, hai thành phố nghỉ mát nổi tiếng. Bangkok cũng là một điểm đến được ưa thích, mặc dù thủ đô thường đắt đỏ hơn. Xu hướng này đã diễn ra trong khoảng một thập kỷ, nhưng trở nên đặc biệt sôi động trong những năm gần đây.

Trường Quốc tế Lanna, một trong những trường tuyển sinh khắt khe nhất tại Chiang Mai, đã thu hút được rất nhiều sự quan tâm vào năm học 2022-2023, với số lượng đơn đăng ký tăng gấp đôi so với năm trước.

Chị Grace Hu, nhân viên tuyển sinh tại Trường quốc tế Lanna, chia sẻ: “Sau dịch Covid-19, các phụ huynh Trung Quốc gấp gáp chuyển môi trường học tập mới cho con vì lo ngại những hạn chế do đại dịch gây ra.

Chị Hu nói thêm cha mẹ Trung Quốc muốn chuyển con tới Chiang Mai học tập thường chia làm hai nhóm: Những người đã có kế hoạch trước về nền giáo dục mà họ muốn con em mình theo học, và những người chuyển đến chỉ vì gặp khó khăn với hệ thống giáo dục cạnh tranh của Trung Quốc. Nhóm thứ hai thường chiếm đa số.

Trong khi đó, ở Chiang Mai, con cái họ không còn bị áp lực phải làm cả đống bài tập mỗi ngày. Thay vào đó, học sinh có thời gian để phát triển sở thích.

Cô Jiang Wenhui chuyển từ Thượng Hải đến Chiang Mai vào mùa hè năm ngoái, cho biết, khi còn ở Trung Quốc, cô đã chấp nhận rằng con trai cô, Rodney Feng, sẽ đạt điểm trung bình vì chứng rối loạn thiếu tập trung nhẹ của cháu. Nhưng cô không thể không suy nghĩ kỹ về quyết định tìm một môi trường giáo dục khác cho con vì áp lực từ chính các phụ huynh khác. "Trong môi trường đó, phụ huynh không thể không cảm thấy lo lắng", cô nói. Ở Trung Quốc, cô phải dành hết tâm trí để giúp Rodney theo học ở trường, đưa cậu đi học thêm và bắt kịp chương trình học, thúc đẩy cậu từng bước trên con đường học tập.

 Rodney Feng, con trai của cô Jiang Wenhui hứng thú với ghi ta cổ điển. Ảnh: AP

Rodney Feng, con trai của cô Jiang Wenhui hứng thú với ghi ta cổ điển. Ảnh: AP

Giờ đây tại Thái Lan, Rodney, sắp vào lớp 8, đã học guitar cổ điển và piano. Cậu thường xuyên mang theo một cuốn sổ tay để học từ vựng tiếng Anh mới. Điều này đều do chính cậu bé lựa chọn, cô Jiang cho biết. “Cậu bé là người chủ động yêu cầu tôi bổ sung một giờ học kèm tiếng Anh. Tôi sợ lịch học của cậu bé quá dày đặc, nhưng cậu bé nói với tôi rằng con muốn thử và xem có ổn không”. Con trai cô đã có thời gian theo đuổi sở thích và không cần phải đi khám bác sĩ vì chứng rối loạn thiếu tập trung của mình. Sau khi tỏ ra hứng thú với các lớp học về loài rắn, cậu bé đang nuôi một con trăn bóng có tên Banana.

 Rodney Feng chơi đùa với chú trăn tên Banana của mình. Ảnh: AP

Rodney Feng chơi đùa với chú trăn tên Banana của mình. Ảnh: AP

Trong khi đó, người cha tên Wang từng ở Vũ Hán thì cho biết con trai ông là William, hiện 14 tuổi và sắp vào trung học, đã không còn phải thức đến nửa đêm để học bài, trong khi có thời gian để khám phá những sở thích khác của bản thân. Anh Wang cũng đã thay đổi quan điểm của mình về giáo dục.

“Trước đây, tôi luôn đốc thúc con trai mình học tập cật lực dù có phải thức khuya để theo kịp bạn bè. Còn hiện tại, tôi thấy vui vì con mình đã nỗ lực và được trải nghiệm một môi trường học lành mạnh”, anh Wang chia sẻ.

“Ở đây, nếu cậu bé bị điểm kém, tôi không còn quá lo lắng về điều đó, điều quan trọng là con tôi đã cố gắng. Liệu nếu con tôi không có một bảng điểm xuất sắc, cậu bé sẽ trở thành một người thất bại khi trưởng thành không? Không, giờ đây tôi không còn suy nghĩ như vậy.

Quỳnh Vũ (Theo AP)

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/cac-gia-dinh-trung-quoc-o-at-dua-con-tron-he-thong-giao-duc-canh-tranh-post391159.html