Các Giáo sư đầu ngành nỗ lực hỗ trợ cứu chữa các ca bệnh nặng
Những ngày đầu tiên của các Giáo sư đầu ngành tại Bệnh viện Trung ương Huế rất khẩn trương. Theo dõi quá trình điều trị, các Giáo sư đề nghị bệnh viện và các kíp trực cần nỗ lực hơn nữa, tổ chức theo dõi sát bệnh nhân, chỉ cần một chút mất cảnh giác là có thể gây hậu quả khó lường.
Những ngày đầu tiên của các Giáo sư đầu ngành tại Bệnh viện Trung ương Huế rất khẩn trương. Theo dõi quá trình điều trị, các Giáo sư đề nghị bệnh viện và các kíp trực cần nỗ lực hơn nữa, tổ chức theo dõi sát bệnh nhân, chỉ cần một chút mất cảnh giác là có thể gây hậu quả khó lường.
Là bệnh viện tuyến cuối ở khu vực miền Trung, Bệnh viện Trung ương Huế đang cấp cứu điều trị cho 12 bệnh nhân nặng từ Bệnh viện Đà Nẵng chuyển ra. Các bệnh nhân này được chẩn đoán mắc Covid-19, kèm theo nhiều bệnh nền như ung thư, rung nhĩ; suy tim; suy thận giai đoạn cuối đã chạy thân chu kỳ trong nhiều năm, sức đề kháng kém.
Từ những ngày đầu sau khi dịch bệnh bùng phát trở lại, Bộ Y tế đã cử sáu bác sĩ chuyên khoa giỏi về Hồi sức cấp cứu, tim mạch, truyền nhiễm có nhiều kinh nghiệm trong điều trị Covid-19 từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương và Bệnh viện trường Đại học Y Hà Nội tăng cường cho Bệnh viện Trung ương Huế.
Trước diễn biến khó tiên lượng và trở nặng nhanh của một số bệnh nhân, với tinh thần huy động mọi nguồn lực để cứu chữa người bệnh, hạn chế thấp nhất người bệnh tử vong, quyết tâm đẩy lùi và chiến thắng đại dich, chiều 13-8, Bộ Y tế đã cử thêm GS, TS Nguyễn Gia Bình - Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; GS, TS Nguyễn Văn Kính - Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương; PGS, TS Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội vào Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2.
Ngay sau khi vào Huế, chiều tối 13-8, các Giáo sư đã thảo luận với Ban Giám đốc bệnh viện và các bác sĩ trực tiếp theo dõi, điều trị cấp cứu bệnh nhân để nắm bắt tình hình diễn biến của các bệnh nhân, tình hình nhân lực, kỹ năng chăm sóc, cấp cứu người bệnh.
Các Giáo sư cũng rất quan tâm thu thập thông tinh về tình hình trang thiết bị y tế, dụng cụ phòng hộ cá nhân, công tác kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm bệnh cho nhân viên y tế, cách bố trí buồng phòng, tình trạng sức khỏe và tâm lý của đội ngũ cán bộ y tế đã tham gia cấp cứu cho người bệnh gần 20 ngày liên tục mà chưa được về nhà.
Ngày 14-8, các Giáo sư bắt tay ngay vào quan sát kỹ hình ảnh bệnh nhân và các thông số theo dõi chức năng sống của bênh nhân như nhịp tim, huyết áp, độ bão hòa ô-xy trong máu… được truyền trực tiếp từ buồng bệnh ra màn hình lớn đặt tại phòng hành chính của Trung tâm cũng như nghiên cứu hồ sơ bệnh án của từng ca bệnh.
Các Giáo sư đã thảo luận, hội chẩn trực tiếp từng ca bệnh và nhận định, bệnh viện đã nỗ lực cứu chữa người bệnh, áp dụng, thực hiện đúng phác đồ điều trị của Bộ Y tế. Tuy nhiên, một số bệnh nhân có diễn biến trở nặng nhanh, trong đó có một số bệnh nhân đã tử vong là do bệnh nhân đã mắc nhiều bệnh nền nan y trong thời gian dài, suy kiệt, sức đề kháng kém. Việc các bệnh nhân nhiễm thêm Covid-19 đã làm tăng mức độ nặng của bệnh dẫn đến nguy cơ tử vong cao.
Các Giáo sư cũng đề nghị bệnh viện và các kíp trực cần nỗ lực hơn nữa, tổ chức theo dõi sát bệnh nhân, chỉ cần một chút mất cảnh giác là có thể gây hậu quả khó lường. Cần tuân thủ các quy định và hướng dẫn của Bộ Y tế trong theo dõi, điều trị cấp cứu người bệnh trong đó quan tâm đến công tác chống nhiễm khuẩn, mở thông thoáng các cửa, đặt quạt gió ở hành lang thổi gió theo một chiều. Chú ý chăm sóc toàn diện, đủ dinh dưỡng cho người bệnh.
Làm việc với Khoa cấp cứu hồi sức - nơi điều trị tích cực cho các bệnh nhân không mắc Covid-19, các Giáo sư khuyến cáo và dặn dò chu đáo lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo khoa và cán bộ y tế của khoa cần lưu ý thực hiện kiểm soát, sàng lọc, cách ly tốt để tránh lây nhiễm cho bệnh nhân, vì các bệnh nhân này đang rất nặng, nếu nhiễm thêm Covid-19 thì nguy cơ tử vong trở bệnh nặng và dẫn đến tử vong rất cao.
TS, BS Đỗ Ngọc Sơn, Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai:
"Đối với những bệnh nhân này, việc nhiễm Covid-19 đã làm tổn thương tạng tăng lên. Trong chuyên môn, chúng tôi gọi đó là tình trạng cơn bão cytokine, một phản ứng miễn dịch cấp tính gây tổn thương tất cả các cơ quan trong cơ thể. Tình trạng suy đa phủ tạng sẽ nặng hơn khi người bệnh dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đó là những lý do vì sao khi chúng ta điều trị các ca bệnh trên nền bệnh nhân mắc các bệnh lý nặng sẽ rất khó khăn. Vì không chỉ điều trị riêng Covid-19 mà còn phải điều trị cả các bệnh lý nền trước đó của bệnh nhân, như bệnh thận giai đoạn cuối, ung thư, suy giảm miễn dịch.
Đặc biệt đối với những bệnh nhân suy đa tạng, cần sự hỗ trợ rất nhiều của các kỹ thuật hồi sức thậm chí nhiều người trong đó đã phải làm ECMO (tim, phổi nhân tạo) là kỹ thuật cao cấp để duy trì chức năng tuần hoàn và hô hấp cho người bệnh.
Do suy đa tạng như vậy nên quá trình hồi sức tích cực không chỉ hồi sức một bộ phận trong cơ thể mà phải hồi sức liên tục nhiều bộ phận trên cùng một cơ thể. Trên bệnh lý nền nhiều như vậy cộng thêm yếu tố khác như nhiễm trùng sẽ đẩy bệnh nhân vào tình trạng tiếp tục suy các cơ quan tạng và thậm chí có những cơ quan không thể hồi phục được vì nó đã ở giai đoạn cuối.
Như những bệnh nhân thận nhân tạo giai đoạn cuối, chức năng thận sẽ không thể hồi phục được và nếu các bệnh đó tiếp tục có các biến chứng nặng hơn của tình trạng tim mạch, hô hấp liên quan đến những tiến triển của bệnh nền thì đó là một điều vô cùng khó để chúng ta có thể giữ được sự sống của bệnh nhân".