Các hãng công nghệ muốn có quy định mới cho băng tần 60 GHz
Các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới bao gồm Qualcomm, Facebook, Google, Intel và Samsung đã thành lập một nhóm với tên gọi là '60 GHz Coexistence Study Group'.
Nhóm “60 GHz Coexistence Study Group” (tạm dịch là Nhóm nghiên cứu để cùng sử dụng băng tần 60 GHz) được lập do lo ngại về các thiết bị bay không người lái và các thiết bị radar khác đang hoạt động trong băng tần 60 GHz không cần cấp phép có thể ảnh hưởng cho các công nghệ sử dụng phổ tần khác.
Để giải quyết những bất cập trong việc sử dụng băng tần 60 GHz, các công ty đã gửi một lá thư cho bà Marlene Dortch, Thư ký Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ, kêu gọi Ủy ban giải quyết một loạt các vấn đề kỹ thuật và chính sách cho người dùng băng tần 60 GHz, kể cả liên quan đến một số công nghệ sử dụng trong radar sẽ gây ra can nhiễu cho các công nghệ sử dụng phổ tần khác.
Mối quan tâm của nhóm nghiên cứu về việc sử dụng băng tần này đã được khởi động bởi hai công ty đang tìm kiếm sự cho phép từ FCC để sử dụng phổ tần trong băng tần 60 GHz. Trong đó, Công ty chuyên sản xuất các thiết bị và hệ thống đo lường và khảo sát địa lý của Thụy Sĩ Leica Geystems đã đề nghị FCC cho phép các thiết bị bay không người lái của của họ được hoạt động trong dải tần từ 60 GHz-64 GHz. Còn công ty Vayyar Imaging của Israel chuyên phát triển các cảm biến radar thông minh để chụp ảnh 3D thì đang tìm cách để FCC cho phép thiết bị cảm biến chuyển động tương tác của họ được hoạt động trong dải tần từ 57 GHz-64 GHz.
Trong lá thư gửi cho FCC, nhóm nghiên cứu đã viết: “Các yêu cầu đưa ra từ cả hai công ty đều nhằm mục đích tìm kiếm sự cho phép của FCC để khai thác thiết bị radar trong băng tần không cần cấp phép ở mức công suất cao hơn mức cho phép đối với các thiết bị đó theo Quy định tại điều khoản 15.255 của FCC, điều đó thể hiện sự quan tâm ngày càng tăng của ngành công nghiệp đối với các công nghệ vô tuyến mới đang tìm cách sử dụng băng tần 60 GHz. Những đề nghị này nhằm tạo ra những thay đổi riêng biệt ngoài các quy định hiện hành của FCC đồng thời mong muốn FCC điều chỉnh khung pháp lý trong việc sử dụng băng tần 60 GHz không cần cấp phép”.
Nói về vấn đề này, ông Dean Brenner, Phó Chủ tịch cấp cao của Qualcomm về chính sách công nghệ và chiến lược phổ tần cho biết, Qualcomm quan tâm đến băng tần 60 GHz vì nhiều lý do. Chẳng hạn, Qualcomm đã tích cực phát triển các dòng chip cho công nghệ 802.11ad hoặc WiGig hoạt động trong băng tần 60 GHz. Đặc điểm kỹ thuật WiGig cho phép các thiết bị giao tiếp với nhau qua môi trường vô tuyến ở tốc độ nhiều gigabit. Bên cạnh đó, Qualcomm cũng đã từng nghiên cứu các công nghệ ăng-ten tiên tiến để sử dụng cho phổ tần đó trong một thời gian dài.
Trong khi dó, ông John Kuzin, Phó Chủ tịch của Qualcomm và cố vấn pháp lý về các vấn đề chính phủ nhận định: “Bất kỳ băng tần không cần cấp phép nào cũng có thể được sử dụng cho 5G và công nghệ dùng cho băng tần không cần cấp phép của chúng tôi cho băng tần này có thể hỗ trợ cả Wi-Fi và 5G trên cùng một phần tử truyền thông”. Trong thực tế, Bản phát hành 17 của 3GPP sẽ mở rộng các tiêu chuẩn cho 5G trong băng tần 60 GHz.
Phổ tần 60 GHz cũng có thể được sử dụng để truy cập vô tuyến cố định (FWA) dựa trên công nghệ Terragraph của Facebook. Facebook đã thiết lập công nghệ Terragraph trên băng tần sóng mmW để đáp ứng nhu cầu về Internet tốc độ cao ở cả khu vực nội thành và ngoại thành cũng như các vùng nông thôn hẻo lánh. Công nghệ Terragraph sử dụng tần số 60 GHz và sóng vô tuyến mmW để tạo ra một mạng lưới vô tuyến phân tán. Facebook tuyên bố rằng họ có thể cung cấp internet tốc độ giống như tốc độ cáp quang với chi phí rất nhỏ so với việc triển khai tuyến cáp quang mới.
Nói về công nghệ Terragraph của Facebook, ông Dean Brenner cho biết, về cơ bản công nghệ Terragraph sử dụng tần số 60 GHz như một đường trục cho mạng lưới của họ. Ông đã nhấn mạnh giá trị của công nghệ Terragraph là mang lại kết nối đến những nơi không có cáp quang như trường học và bệnh viện ở khu vực nông thôn cũng như để kết nối ở các nước thuộc thế giới thứ ba. Nhưng Facebook cũng đã làm việc với các công ty như Common Networks để sử dụng công nghệ Terragraph như một phần của dịch vụ truy cập vô tuyến cố định cho các thành phố ở Thung lũng Silicon.
Nói về những mong muốn của nhóm với băng tần 60 GHz, cả Kuzin và Brenner cho biết, có rất nhiều sự quan tâm đến băng tần 60 GHz gần đây từ nhiều công ty khác nhau. Và các bên đã gửi thư tới FCC không phải để cố gắng ngăn chặn việc sử dụng phổ tần một cách sáng tạo mà họ chỉ muốn các quy định được đưa ra rõ ràng.
Họ nói rằng cần có những quy định rõ ràng hơn để duy trì sự cùng tồn tại hợp lý giữa các công nghệ radar và các cảm biến phát hiện nhiễu loạn môi trường, đòi hỏi mức công suất cao hơn mức cho phép hiện tại. Các công ty tham gia đang kêu gọi FCC bắt đầu một quá trình hoạch định chính sách toàn diện để đảm bảo sự cùng tồn tại hợp lý trong băng tần 60 GHz.
Phan Văn Hòa(theo Fiercewireless)