Các hãng food tech của Israel tìm cách xâm nhập thị trường thực phẩm Halal ở ASEAN
Các hãng công nghệ thực phẩm (food tech) của Israel đang tìm kiếm cơ hội mới tại các thị trường có đông dân số theo Hồi giáo như Indonesia và Malaysia, dù rằng có các trở ngại trong quan hệ ngoại giao và chính trị giữa nhà nước Do Thái với nhiều nước Đông Nam Á. Singapore được xem là bàn đạp để doanh nghiệp Israel chinh phục các thị trường còn lại ở Đông Nam Á và châu Á – Thái Bình Dương.
Các hãng chế biến thực phẩm Israel đang lên kế hoạch xin giấy chứng nhận Halal cho các sản phẩm của họ nhằm chinh phục thị trường thực phẩm và đồ uống Halal tại ASEAN.
Tận dụng sự tương đồng của Kosher và Halal
Trong số này có hãng chuyên sản xuất các sản phẩm thịt nuôi cấy Steakholder Foods. Có trụ sở chính tại Rehovot cách thủ đô Tel Aviv 20 cây số về phía nam, Steakholder hiện niêm yết trên sàn Nasdaq ở Mỹ. Hãng đang phát triển các phương pháp sản xuất thịt bò và hải sản không giết mổ, cả dưới dạng nguyên liệu và nguyên con, như một giải pháp thay thế cho nuôi trồng và đánh bắt công nghiệp hiện nay.
Tại Singapore, Steakholder đang hợp tác với công ty nuôi trồng thủy sản Umami Meats của Singapore để phát triển các sản phẩm cá mú và lươn với công nghệ in 3D. Tiềm năng của thị trường Halal trong khu vực đã thu hút sự chú ý của Steakholder.
Mor Glotter-Nov, Phó chủ tịch tiếp thị của Steakholder, nói rằng chế độ ăn uống của người Do Thái và người Hồi giáo có sự tương đồng. “Các quy định ăn uống Kosher và Halal đều nhấn mạnh các nguyên tắc tương tự nhau về độ sạch, nguồn cung ứng có đạo đức và các phương pháp chuẩn bị cụ thể. Dù chúng tôi không thể đảm bảo được cấp phép Kosher hoặc Halal cụ thể ở giai đoạn này, Steakholder Foods cam kết sẽ nỗ lực để đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu có liên quan”.
Các hãng food tech của Israel như Steakholder chuẩn bị mở rộng kinh doanh ở nước ngoài sau khi nhận được dòng vốn mạo hiểm dồi dào. Theo tổ chức tư vấn Good Food Institute (GFI) ở Mỹ, trên thị trường nghiên cứu về đạm thay thế toàn cầu, các hãng food tech Israel nhận được 1,19 tỉ đô la, xếp sau con số 6,68 tỉ đô của các hãng Mỹ trong giai đoạn 2020-2022. Trong khi đó, Singapore nhận được 300 triệu đô la, Trung Quốc thu về 210 triệu đô la.
Các hãng food tech của Israel xem ASEAN là thị trường đạm thay thế đầy tiềm năng. Hãng nghiên cứu thị trường GWI ước tính Đông Nam Á có 29,8 triệu người tiêu dùng tiềm năng đối với các sản phẩm thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm và thịt chế biến từ đạm thực vật.
Vượt qua các rào cản ngoại giao, chính trị
Dù cơ hội kinh doanh mênh mông, các hãng food tech của Israel cũng đối diện với nhiều rủi ro chính trị tại các quốc gia có đông người dân theo đạo Hồi như Indonesia và Malaysia.
Trong quá khứ, quốc gia Do Thái đã trải qua nhiều năm xung đột chính trị với khối nước Hồi giáo. Israel đã có nhiều bước tiến ngoại giao trong quá trình bình thường hóa với Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và các nước Trung Đông từng phủ nhận sự tồn tại của nhà nước Do Thái kể từ khi thành lập năm 1948. Dù vậy, các quốc gia có đa số dân theo đạo Hồi ở châu Á vẫn chưa công nhận Israel.
Tại Đông Nam Á, Israel chưa thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Indonesia, Malaysia và Brunei. Đại sứ quán Israel tại Singapore kiêm nhiệm các sự vụ ở ba nước trên. Nhưng các rào cản chính trị đã không ngăn được các hãng food tech mới nổi ở Israel tìm cách thâm nhập thị trường.
Aleph Farms là một ví dụ cho những nỗ lực như thế. Gary Brenner, Giám đốc phát triển thị trường và doanh nghiệp của Aleph, nói rằng: “Đã đến lúc chúng ta phải dỡ bỏ những rào cản mà cả hai bên đã dựng, và đưa ra các giải pháp tích hợp nhằm giải quyết một loạt thách thức. Chúng tôi định vị Singapore là bệ phóng để mở rộng tại Đông Nam Á và khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Chúng tôi sẽ đánh giá lại toàn bộ các lộ trình pháp lý cần thiết tại Singapore nhằm thâm nhập các nước còn lại trong khu vực”.
Tương tự như Steakholder, Aleph muốn thiết lập chỗ đứng tại các thị trường ASEAN có đa số người theo đạo Hồi với các dòng sản phẩm Halal. Hãng công nghệ của Israel đã phát triển loại thịt được nuôi cấy từ tế bào thịt bò không biến đổi gien. Aleph hiện có thỏa thuận với Esco Aster, một hãng sản xuất theo hợp đồng của Singapore, để sản xuất loại thịt mới. Cả hai công ty đang lên kế hoạch xin cấp phép chứng nhận Halal đầu tiên trên thế giới cho thịt nuôi cấy.
Nhưng đó chỉ là bước đầu để tiếp cận các thị trường như Indonesia và Malaysia. Các hãng food tech hy vọng rằng các sự khác biệt chính trị giữa Israel và các quốc gia Hồi giáo sẽ không ngăn cản người tiêu dùng mua sản phẩm của họ.
“Ở Indonesia, tôi không biết mọi người nghĩ thế nào về Israel. Một số người có thể bảo lưu ý kiến của họ, không thay đổi”, Đại sứ Sagi Karni vừa kết thúc nhiệm kỳ tại Singapore trong tháng 7 này, thừa nhận với Nikkei Asia.
Tuy nhiên, ông Karni cũng nói rằng dù chưa có sự công nhận ngoại giao đối với Israel, một số công ty của Israel vẫn bán sản phẩm ở các nước có đa số dân theo đạo Hồi.
Bỏ qua các rào cản ngoại giao và chính trị, các công ty như Tập đoàn Tiran đang tiếp tục rót thêm tiền vào công tác nghiên cứu và phát triển (R&D) nhằm thúc đẩy đổi mới công nghệ thực phẩm tại ASEAN. Tiran hiện có một cơ sở nghiên cứu tập trung vào việc tăng sản lượng của động vật nhuyễn thể trong môi trường nuôi trồng.
“Chúng tôi đang điều hành các trang trại ở Việt Nam, Singapore và Trung Quốc. Chúng tôi đã bán sản phẩm của mình sang Campuchia, Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Bangladesh, Brunei… Các thị trường chúng tôi đang nhắm đến là Indonesia, Ấn Độ và Philippines”, CEO Haim Avioz của Tiran nói.
Theo Nikkei Asia