Các hãng hàng không giá rẻ thu lợi nhuận bằng cách nào?
Đúng như tên gọi, hãng hàng không giá rẻ có mức giá vé máy bay thấp. Vậy các hãng bay này làm cách nào để duy trì hoạt động và đảm bảo có lãi?
Nhiều người cho rằng tiền bán vé máy bay là nguồn thu chủ yếu của các hãng hàng không. Tuy nhiên, đa số các hãng hàng không giá rẻ trên thế giới phải tìm cách đa dạng hóa nguồn doanh thu để thu được lợi nhuận thay vì chỉ dựa vào tiền vé máy bay.
Một trong số những nguồn doanh thu của các hãng hàng không là doanh thu từ dịch vụ phụ trợ bao gồm các sản phẩm, dịch vụ hãng cung cấp cho hành khách trong chuyến bay (không tính doanh thu từ việc bán vé máy bay) chẳng hạn như chọn chỗ ngồi, bữa ăn, dịch vụ ký gửi hành lý…
Theo Simpleflying, doanh thu từ dịch vụ phụ trợ của các hãng hàng không, đi đầu là các hãng bay giá rẻ, đã tăng mạnh trong thập kỷ qua.
Từ số liệu của CarTrawler, có thể thấy, các hãng hàng không thế giới thu được 110 tỷ USD từ dịch vụ phụ trợ vào năm 2019. Dù doanh thu này giảm xuống còn 102,8 tỷ USD vào năm 2022 do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đây vẫn là nguồn thu khổng lồ của các hãng hàng không giá rẻ trên toàn cầu.
Chẳng hạn như với hãng hàng không giá rẻ Ryanair, trong vòng một năm tính tới ngày 31/3/2022, trong tổng doanh thu của hãng bay là 5 tỷ USD thì doanh thu dịch vụ phụ trợ chiếm tới 2,27 tỷ USD, tương đương 45% tổng doanh thu của hãng.
Hay với hãng hàng không Wizz Air, 56% doanh thu năm 2021 cũng là từ doanh thu dịch vụ phụ trợ. Một số hãng hàng không giá rẻ khác của Mỹ như Spirit Airlines, Allegiant Air cũng lần lượt có doanh thu dịch vụ phụ trợ chiếm 54,3% và 51,3% tổng doanh thu.
Không chỉ các hãng hàng không giá rẻ, nhiều hãng hàng không lớn hoặc lâu đời trên thế giới cũng đẩy mạnh khai thác dịch vụ phụ trợ để tăng nguồn thu.
Doanh thu dịch vụ phụ trợ của 3 hãng bay lớn của Mỹ đạt 5,5 tỷ USD trong năm 2021, trong đó United Airlines là hãng bay thu mức phí dịch vụ phụ trợ trên mỗi hành khách cao thứ 10 tại Mỹ, với mức giá 52,5 USD/hành khách.
Bên cạnh đó, các hãng hàng không giá rẻ cũng phải tối ưu hóa vận hành để đảm bảo lợi nhuận.
Simpleflying lấy dẫn chứng không gian bên trong máy bay của các hãng bay giá rẻ châu Âu như Ryanair, easyJet, Wizz Air hay Spirit, Allegiant, Frontier của Mỹ, IndiGo, SpiceJet, Go First của Ấn Độ đều được bố trí số lượng ghế ngồi tối đa để tăng số lượng hành khách trên mỗi chuyến bay. đồng nghĩa không gian để chân của khách bị thu hẹp.
Ngoài ra, các hãng bay này tập trung khai thác phân khúc chặng ngắn để giảm chi phí, tăng cường hiệu suất sử dụng máy bay cùng một số biện pháp khác nhằm đảm bảo vẫn thu được lợi nhuận cao dù giá vé thấp.