Các hãng hàng không phải 'bay không điểm đến' để sống sót qua đại dịch COVID-19
Các hãng hàng không trên khắp thế giới đang mở các chuyến bay 'không đến đâu' trong nỗ lực chống đỡ cuộc khủng hoảng COVID-19.
Trên khắp thế giới đang xuất hiện một xu hướng hàng không mới, đó là những chuyến bay có hành khách nhưng chính xác là không đi đến đâu cả. Một số dịch vụ như vậy thậm chí còn chưa bao giờ rời khỏi mặt đất, nhưng cũng đã có những chuyến bay thực sự cất cánh và đang chứng tỏ sức hút với hành khách.
Ngày càng nhiều chuyến bay "không điểm đến"
Trong cơn khủng hoảng trầm trọng do đại dịch COVID gây ra, các hãng hàng không thế giới dã nỗ lực tìm ra những cách thức ngày càng sáng tạo để duy trì dòng tiền chảy vào. Với một số hãng, hoạt động vận chuyển hàng hóa đã giúp duy trì số dư ngân hàng, nhưng số khác thì tập trung vào các chuyến bay hồi hương và những dịch vụ hành khách đầy sáng tạo khác.
Có một điều gần như là duy nhất, chỉ xảy ra trong đại dịch này, là số lượng các hãng hàng không khai thác những chuyến bay “không tới đâu” đang ngày một tăng lên. Mặc dù đây không phải là một xu thế phổ biến, nhưng ngày càng có nhiều hãng tham gia vào dịch vụ này, mang đến cho những người đam mê hàng không cơ hội bay mà không gặp rủi ro.
"Bay" không rời mặt đất
Một trong những nơi đầu tiên khai thác chuyến bay "không đến đâu" là sân bay Tùng Sơn ở Đài Bắc, thủ phủ Đài Loan/Trung Quốc. Vốn thường xử lý các chuyến bay hàng ngày tới Tokyo, Seoul và một loạt điểm đến ở Trung Quốc, sân bay này đã chứng kiến số hành khách sụt giảm 64% do đại dịch. Đó là một điều đáng tiếc vì sân bay Tùng Sơn vừa được đầu tư lớn để cải tạo cơ sở vật chất, trang bị một sảnh chờ hoàn toàn mới.
Để giới thiệu những thay đổi này với hành khách tiềm năng trong tương lai, sân bay Tùng Sơn đã phối hợp với EVA Air và China Airlines thực hiện một chuyến bay ảo. Hành khách được phân phát vé ngẫu nhiên qua máy, sau đó có thể tận hưởng trải nghiệm hàng không đầy đủ, bao gồm từ làm thủ tục, vào phòng chờ và lên máy bay. Mặc dù chiếc phi cơ chưa bao giờ thực sự rời sân bay, nhưng trải nghiệm này vẫn cực kỳ thu hút, với hơn 7.000 người đăng ký tham gia.
Tại Nhật Bản cũng có một chuyến bay đưa tính năng ‘bay ảo’ lên một tầm cao mới. Hãng hàng không First Airlines đã mang đến cho những người đam mê du lịch cơ hội 'bay' đến một số điểm đến thú vị, bao gồm New York, Rome và Paris. Qua thế giới thực tế ảo, mọi người có thể trải nghiệm vẻ đẹp của các thành phố, cũng như cảm giác được cất cánh và hạ cánh trên thực tế. Với chi phí 60 USD mỗi người, bao gồm dịch vụ bữa ăn đầy đủ theo chủ đề điểm đến, đây là một lựa chọn hời nếu bạn muốn trải nghiệm sự hài lòng khi đi du lịch.
Những chuyến bay thực sự cất cánh
Tất nhiên, không phải chuyến bay nào “đến hư không” cũng chỉ ở trên mặt đất. Một số hãng hàng không đã thực hiện bước tiếp theo là mang đến cho hành khách trải nghiệm bay thực sự, mà không cần phải rời quê hương của mình.
Những chiếc A380 của hãng ANA là những chiếc máy bay mang tính biểu tượng nhất trên thế giới và hãng muốn đảm bảo chúng luôn sẵn sàng phục vụ hành trình đến Hawaii ngay khi có thể. Do đó, ANA cần phải cho đội A380 thỉnh thoảng hoạt động. Nhưng thay vì đưa chúng vào tập luyện hoàn toàn trống không, ANA đã mở dịch vụ cung cấp chỗ ngồi trên tàu bay, với những trải nghiệm như trên một chuyến bay tới Hawaii thực sự.
Hồi tháng 8, ANA đã khai thác chuyến bay tham quan dài 1 tiếng rưỡi trên tàu bay Flying Honu. Chiếc máy bay đã bay một vòng quanh khu vực Tokyo, trong khi hành khách thưởng thức đồ uống và mua quà lưu niệm. Sau thành công rực rỡ của dịch vụ này, hãng đang chuẩn bị cho chuyến bay tương tự tiếp theo.
Hãng hàng không Starlux của Đài Loan/Trung Quốc cũng mang đến trải nghiệm Ngày của Cha đặc biệt với một chuyến bay rời khỏi mặt đất, cất cánh từ sân bay Đào Viên / Đài Bắc và bay trong 2 giờ 45 phút trước khi hạ cánh trở lại nơi xuất phát.
Royal Brunei Airlines của Brunei thì đang khai thác các chuyến bay tham quan ‘Dine And Fly’ (Ăn tối và bay). Chuyến bay đầu tiên như vậy diễn ra ngày 16/8, kéo dài 85 phút với 99 hành khách. Hành khách có thể ngắm nhìn đảo Borneo rực rỡ từ bầu trời trong khi thưởng thức bữa sáng trên tàu. Hãng dự định tổ chức nhiều chuyến bay tương tự trong suốt tháng 9 này và toàn bộ vé đã được bán hết chỉ trong vòng 48 giờ.
Gần đây nhất, Singapore Airlines đã tiết lộ kế hoạch bay từ sân bay Changi đến… Changi trong khoảng 3 giờ, để tạo cơ hội bay cho những người hâm mộ. Dự kiến các chuyến bay này sẽ diễn ra trước cuối tháng 10.
Không chỉ các hãng châu Á, hãng hàng không Australia, Qantas cũng đã khôi phục dịch vụ mà hãng từng làm nhiều năm trước đây – đó là các chuyến bay tham quan đến Nam Cực. Thay vì sử dụng máy bay 747 cho chuyến bay kéo dài 12 giờ, Qantas sẽ sử dụng Boeing 787 Dreamliner để thực hiện chuyến đi. Với việc biên giới Australia bị đóng cửa cho đến ít nhất là năm 2021, đây là quãng đường xa nhất mà những chiếc phi cơ mang biểu tượng Kangaroo có thể bay trong thời gian tới.
Tại sao các hãng hàng không mở dịch vụ này
Thật thú vị khi thấy các hãng hàng không tận dụng tối đa khoảng thời gian bất thường do đại dịch theo cách này. Mặc dù doanh thu phụ trợ luôn là một chủ đề nóng trong thế giới hàng không, đây thực sự là một điều gì đó khá khác biệt.
Về bản chất, các hãng hàng không cần phải cho máy bay cất cánh để duy trì hoạt động bình thường của chúng. Và nếu họ có thể đảm bảo quyền cất cánh từ sân bay thì tại sao không kết hợp phục vụ luôn một số hành khách? Dịch vụ như vậy sẽ mang lại tiền, lại giúp hãng duy trì được hình ảnh tích cực cũng như tạo cơ hội làm việc cho các tiếp viên đang gặp khó khăn.