Các hãng hàng không tìm kiếm hợp đồng phòng ngừa rủi ro địa-chính trị
Air France-KLM đang xây dựng nguồn nhiên liệu phòng ngừa rủi ro và khối lượng gần đạt mức 70% mức tiêu thụ nhiên liệu vào đầu năm tới.
Các hãng hàng không đang tìm kiếm các hợp đồng phái sinh dầu nhằm bảo vệ trước tình trạng giá tăng cao trong những tuần gần đây trong bối cảnh căng thẳng Israel-Hamas làm dấy lên lo ngại về hóa đơn nhiên liệu tăng vọt.
Các nhà giao dịch và nhà môi giới hoạt động trên thị trường dầu mỏ cho biết, hoạt động phòng ngừa rủi ro của người tiêu dùng đã tăng lên kể từ khi xung đột nổ ra và các giám đốc điều hành trong ngành đã xác nhận những động thái đó trong các báo cáo kinh doanh trong vài ngày qua.
Mặc dù giá dầu đã giảm trở lại mức trước căng thẳng do cuộc xung đột vẫn nằm ngoài các khu vực sản xuất dầu quan trọng, song các hãng hàng không vẫn nhận thấy nguy cơ tăng giá của mặt hàng chiếm phần lớn nhất trong chi phí hoạt động của mình.
Giám đốc tài chính của Air France-KLM, Steven Zaat cho hay hãng đang nhanh chóng xây dựng nguồn nhiên liệu phòng ngừa rủi ro và khối lượng gần đạt mức 70% mức tiêu thụ nhiên liệu vào đầu năm tới để đảm bảo không có sự gia tăng đột biến nào xảy ra do những gì đang xảy ra ở Israel.
Các hãng hàng không thường phòng ngừa hóa đơn nhiên liệu bằng cách sử dụng nhiều công cụ phái sinh, bao gồm hợp đồng quyền chọn và hợp đồng hoán đổi. Chiến lược này không phải là không có rủi ro. Các hãng hàng không đã thua lỗ hàng tỷ USD do động thái phòng ngừa này trong giai đoạn đại dịch, khi hoạt động đi lại trên toàn cầu sụt giảm mạnh, khiến họ phải gánh chịu những khoản lỗ lớn trong các hợp đồng phái sinh, nhưng vẫn không bù đắp được hóa đơn nhiên liệu thấp hơn khi các chuyến bay bị “đắp chiếu”.
Khoản lỗ này khiến nhiều hãng hàng không, đặc biệt là các hãng ở châu Âu, chậm quay trở lại thị trường và thúc đẩy họ giảm khối lượng phòng ngừa rủi ro. Ngay cả trước đại dịch, các khoản thua lỗ thậm chí còn khiến các hãng hàng không Mỹ từ bỏ việc xây dựng quỹ dự phòng.
Mới đây, một số hãng hàng không như Na Uy Air Shuttle ASA và Air Canada đều báo cáo đạt lợi nhuận nhờ việc xây dựng quỹ phòng ngừa rủi ro.
Ngoài Air France, các hãng hàng không lớn khác gần đây cũng báo cáo quỹ phòng hộ lớn hơn. Deutsche Lufthansa AG ngày 2/11 cho biết quỹ phòng ngừa rủi ro của hãng đạt mức hơn 70% cho năm tới. Con số này cao hơn khoảng 20% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, chủ sở hữu British Airways IAG SA cũng báo cáo mức phòng ngừa rủi ro cao hơn vào cuối năm nay và cả năm tới so với một năm trước.
Việc giá dầu Brent đạt gần 100 USD/thùng vào đầu quý IV/2023 cũng đã thu hút một số hãng quay trở lại thị trường phòng ngừa rủi ro.