Các hãng thông tấn nước ngoài đưa tin về ngày 30/4

Kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) có gần 170 phóng viên của 39 hãng thông tấn báo chí từ 17 quốc gia đăng ký tác nghiệp. Cảm nhận về sự kiện lịch sử này của Việt Nam, ngoài đội ngũ phóng viên, các chuyên gia lịch sử, nhà khoa học các nước đều nhấn mạnh cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam đã trở thành nguồn cổ vũ với các dân tộc bị áp bức trên thế giới, thúc đẩy họ quyết tâm đứng lên tự giải phóng, làm chủ vận mệnh của mình.

Phóng viên Vladimir Snegirev của Báo Rosiskaya Gazeta, Nga có bài phóng sự đăng hôm 24/4/2025 về cuộc trò chuyện với những người đã tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc, thống nhất đất nước. Theo tác giả, ông muốn tìm câu trả lời cho câu hỏi: Vì sao người Việt Nam chiến thắng? Và những người trong cuộc đã để lại cho ông nhiều điều để suy ngẫm: "Những người lính Mỹ này không hiểu họ đang chiến đấu vì điều gì ở đây", "Chúng tôi tham gia cận chiến với kẻ thù, được gọi là "tóm lấy thắt lưng", trong khi quân Mỹ thích bắn từ phía sau những đám mây", "Họ biện minh cho sự tàn ác của mình bằng cách nói rằng đang chiến đấu chống lại chế độ Cộng sản, điều này không đúng sự thật"...

Ảnh: Prensa Latina

Ảnh: Prensa Latina

Hôm 26/4, Al Jazeera - hãng thông tấn lớn nhất trong khối Ảrập - cũng đăng bài viết, ảnh và video của phóng viên tại TP. Hồ Chí Minh trước lễ kỷ niệm đánh dấu 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phóng sự đã lồng việc tường thuật các hoạt động chuẩn bị cho ngày trọng đại với câu chuyện về lịch sử cuộc chiến tranh giành độc lập của Việt Nam. Mô tả không khí trước ngày lễ, phóng viên viết "Bất cứ nơi nào bạn rẽ vào trên các con phố của TP.Hồ Chí Minh - nơi một số người ví như "New York thu nhỏ” với nhiều tòa nhà chọc trời và ánh đèn chiếu sáng trên mặt tiền vào ban đêm - bạn sẽ thấy những biểu ngữ và tác phẩm tạo hình kỷ niệm chiến thắng vĩ đại trong "Cuộc chiến tranh mười nghìn ngày" như các nhà sử học gọi.

Trong khi đó, Hãng thông tấn Prensa Latina của Cuba ngày 26/4 đăng tin về cuộc tổng duyệt cho lễ kỷ niệm 30/4: "Mọi thứ đã sẵn sàng cho lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, diễn ra vào ngày lịch sử này tại TP. Hồ Chí Minh". Bài báo nêu chi tiết về buổi lễ sắp tới và những hoạt động quan trọng khác trong dịp này cùng với phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, chiến thắng 30/4/1975 không chỉ là thắng lợi của ý chí kiên cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà còn là biểu tượng của khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của dân tộc.

Cùng ngày 26/4, Prensa Latina đã đăng bài viết nêu bật hành trình đầy cảm hứng của cựu chiến binh Việt Nam - Trần Văn Thành, người đã đi hơn 1.200km bằng xe máy từ TP.Vinh đến TP. Hồ Chí Minh để tham dự các sự kiện kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước (30/4).

Từ Colombia - quốc gia Mỹ Latinh - có bài viết khá dài của Manuel Humberto Restrepo Domínguez, Giáo sư của Đại học Công lập Sư phạm và Công nghệ Colombia (UPTC), Tiến sĩ Nhân quyền, Phó hiệu trưởng Học thuật (2019-2022) với tựa đề 50 năm kể từ khi đế quốc thất bại ở Việt Nam. Tác giả bài viết kết luận: "Chiến tranh Việt Nam đã thách thức thuyết domino, cho thấy tổn thất về nhân mạng trong các cuộc chiến tranh ủy nhiệm và nhấn mạnh nhu cầu về giải pháp ngoại giao. Đây là bước ngoặt phơi bày những rủi ro từ sự can thiệp của nước ngoài và định nghĩa lại địa chính trị. Đối với Mỹ, đây là bài học về sự khiêm nhường; đối với thế giới, đây là lời nhắc nhở rằng chiến tranh không chỉ giành chiến thắng bằng vũ khí mà còn bằng tính chính đáng và sự hiểu biết về thực tế địa phương. Thế giới nợ người dân Việt Nam lòng biết ơn vì di sản bền bỉ của họ trong các cuộc tranh luận về đạo đức quân sự, nhân quyền và vai trò của các siêu cường trong các cuộc xung đột nước ngoài, cũng như vì khả năng đoàn kết, hòa giải và đưa ra những bài học về hòa bình, sự tôn trọng".

Ảnh: Al Jazeera

Ảnh: Al Jazeera

Tham gia phân tích về nguyên nhân thất bại của Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam, Giáo sư - Tiến sĩ Sungkyu Choi, người từng làm việc cho Cơ quan Tình báo Quốc gia một thời gian dài và tham gia vào lĩnh vực an ninh quốc tế, có bài viết đăng trên Báo JoongAng Ilbo, trong đó đưa ra những dẫn chứng cho nhận định rằng "thất bại trong chiến tranh thông tin có thể dẫn đến sự sụp đổ của một quốc gia. Không ai ngờ miền Nam Việt Nam được Mỹ hậu thuẫn lại sụp đổ, nhưng sự thất bại hoàn toàn về mặt tình báo của cả Mỹ và chính quyền miền Nam Việt Nam khi ấy đã dẫn đến kết cục nặng nề".

Nhân ngày 30/4, phóng viên Park Jin-hyung của Yonhap News (Hàn Quốc) đã có bài đăng ngày 27/4 với nội dung "50 năm sau chiến tranh, Việt Nam phát triển nhờ theo đuổi các chính sách cải cách và cởi mở dựa trên chủ nghĩa hòa giải với các nước như Mỹ, Hàn Quốc theo hướng hướng tới tương lai và đã vươn lên từ một trong những quốc gia nghèo cách đây 50 năm thành một trong những quốc gia công nghiệp mới tiêu biểu.

Với góc nhìn của người Đức về Việt Nam hôm nay, ngày 23/4 Đài phát thanh Deutschlandfunkkultur (Radio Germany Kultur) có bài viết với nội dung "Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 50 năm: Ngày nay, đất nước này chẳng còn gì để gợi nhớ cho chúng ta về thời kỳ đó nữa. Mối quan hệ với Mỹ rất tốt - cũng là kết quả của quá trình giải quyết chiến tranh và giải quyết di sản của nó”.

Nhấn mạnh Việt Nam của ngày hôm nay, ngày 21/4 Hãng thông tấn Đức (DPA) đăng bài viết nhắc về lịch sử cuộc chiến và tập trung vào lễ lỷ niệm tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh với 13.000 người tham gia, màn trình diễn của 10.000 drone và màn pháo hoa khổng lồ được bắn từ 30 điểm. Bài báo không quên giới thiệu các hoạt động dành cho du khách, các địa điểm tham quan từ Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh cho tới Địa đạo Củ Chi.

Nhắc lại những ngày gian khổ của cuộc chiến tranh Việt Nam, tờ Humanite của Đảng Cộng sản Pháp ngày 25/4 có bài viết với tựa đề Chiến tranh Việt Nam: Khi gia đình và trẻ em sống trong đường hầm kể về hàng ngàn trẻ em đã được sinh ra trong các đường hầm đào để bảo vệ mình khỏi cuộc ném bom của Mỹ, trong đó có câu chuyện về tuổi thơ của một phụ nữ sinh ra trong lòng địa đạo Vịnh Mốc, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị, sâu dưới lòng đất 15 mét, vào ngày đầu tiên của năm 1968.

Hôm 20/4, Đài phát thanh Pháp quốc (Radio France) phát chương trình đối thoại của Pierre Journoud, Giáo sư lịch sử đương đại của Đại học Paul-Valéry Montpellier 3, Giáo sư Thierry Wolton, nhà báo và cây bút tiểu luận, chuyên gia về quan hệ quốc tế với đề tài "50 năm sau chiến tranh, Việt Nam đã trở thành con rồng mới của châu Á?" phân tích: Năm mươi năm trước, Chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt và mở ra kỷ nguyên mới: kỷ nguyên của một đất nước thống nhất, từ đó Việt Nam đã hiện đại hóa với tốc độ cao, theo mô hình của Trung Quốc, Singapore, Hàn Quốc và đang tạo ảnh hưởng trên phạm vi toàn cầu.

Trên tờ The Diplomat ngày 25/4, Ang Cheng Guan - chuyên gia về lịch sử Châu Á đương đại, đặc biệt là lịch sử Đông Nam Á, nhận định chiến thắng thần tốc của Việt Nam khiến thế giới cảm thấy bất ngờ. Lối biện giải của tác giả cho thấy "những sự kiện diễn ra cách đây 50 năm nhắc nhở chúng ta về sự bất định của chiến tranh và sự bảo trợ của các cường quốc" - một ý kiến xuất hiện ở khá nhiều hội thảo trong thời gian gần đây.

Khi bàn về ảnh hưởng của Chiến tranh Việt Nam, Tạp chí The Economist của Anh ngày 24/4/2025 chỉ ra rằng "Những thành tựu của Mỹ trong Thế chiến thứ nhất và thứ hai đã cho phép Mỹ coi mình là nhân từ, là "vô song'", nhưng "Chiến tranh Việt Nam đã xóa tan khái niệm đó”.

NGA NGUYỄN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/50-nam-giai-phong-mien-nam-thong-nhat-dat-nuoc/cac-hang-thong-tan-nuoc-ngoai-dua-tin-ve-ngay-304_177337.html