Các hệ thống bán lẻ 'bội thu' trong mùa kinh doanh Tết 2024
Các hệ thống bán lẻ lớn tại TP Hồ Chí Minh đã ghi nhận những kết quả tích cực trong mùa kinh doanh Tết 2024 khi sức mua tăng cao gấp 2 - 3 lần so với ngày bình thường.
Theo Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 48 trung tâm thương mại, 267 siêu thị và hơn 3.000 cửa hàng tiện lợi đang hoạt động, đã thực hiện hiệu quả việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa phục vụ thị trường Tết với doanh thu khá khả quan.
Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Saigon Co.op cho biết, trong 8 tuần kinh doanh Tết, toàn hệ thống phân phối của Saigon Co.op (gồm Co.opmart, Co.opXtra, Co.op Food, Co.op Smile, Cheers, Finelife, Sense City, SenseMarket) đã đón hơn 20 triệu lượt khách đến mua sắm. Theo đó, doanh số mua sắm trực tuyến (website Co.opOnline) đạt 100% kế hoạch đặt ra. Đặc biệt, doanh số giỏ quà Tết vượt xa kỳ vọng, đạt 185%.
Ngoài ra, trong dịp Tết Giáp Thìn, Saigon Co.op đã tổ chức hơn 250 chuyến bán hàng lưu động đưa hàng bình ổn giá đến phục vụ các khu công nghiệp - khu chế xuất và vùng sâu, vùng xa; kết hợp cùng các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tổ chức "Chuyến xe hạnh phúc" lần 2. Mặt khác, Saigon Co.op tiếp tục tổ chức "siêu thị 0 đồng" phục vụ các mặt hàng Tết thiết yếu cho các trường hợp khó khăn; tổ chức nhiều phiên mua hàng ưu đãi giảm giá cho người lao động có thu nhập thấp...
Tương tự, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Satra cho biết, Tổng công ty đã chuẩn bị 560 tỷ đồng hàng hóa cho 2 tháng trước, trong và sau Tết Giáp Thìn 2024, tăng 10% so với Tết Quý Mão 2023. Cụ thể, từ ngày 24 đến 30 Tết, các đơn vị thuộc Satra gồm Trung tâm thương mại Củ Chi, Satra Cần Thơ, Satrafoods, siêu thị Satra Phạm Hùng, siêu thị Sài Gòn, Thương xá Tax đón 256.897 lượt khách. Trong thời gian này, sức mua tuy thấp hơn cùng kỳ Tết 2023 nhưng tăng trung bình hơn 76% (đặc biệt là 3 ngày cuối tăng hơn gấp đôi) và lượt khách đến tăng gần 20% so với ngày bình thường. Những ngày trong Tết (từ mùng 1 đến mùng 4 Tết), hệ thống bán lẻ của Satra đón hơn 73,7 ngàn lượt khách, tổng doanh thu đạt hơn 8,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, các đơn vị bán lẻ thuộc Satra trong những tháng cận Tết đã cung ứng khoảng 50.860 phần quà, giỏ quà Tết cho khách hàng với doanh thu hơn 28,4 tỷ đồng, tăng gần 40% so với cùng kỳ. Satra cũng đã thực hiện hơn 30 chuyến bán hàng lưu động để phục vụ cho người dân vùng sâu vùng xa, công nhân các khu chế xuất - khu công nghiệp với tổng doanh thu gần 1 tỉ đồng; phối hợp với Công ty Heineken Việt Nam và Hội chữ thập đỏ tổ chức 10 "siêu thị 0 đồng" cho bà con ở các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận với doanh thu hơn 1,4 tỷ đồng.
Tương tự, ba chợ đầu mối lớn của TP Hồ Chí Minh là Bình Điền, Thủ Đức và Hóc Môn trong mùa Tết 2024 luôn có lượng hàng dồi dào, giá cả hợp lý phục vụ thị trường. Tổng lượng nông sản cung ứng thị trường TP Hồ Chí Minh thông qua ba chợ đầu mối này đạt khoảng 7.600 tấn/ngày (gồm 800 tấn thịt gia súc, gia cầm; 1.200 tấn thủy hải sản; 5.600 tấn rau, củ quả). Vào thời điểm trước Tết 1 tuần, lượng hàng nhập về chợ tăng khoảng 80% so với ngày thường, lên đến 13.000 - 15.000 tấn/ngày.
Theo các doanh nghiệp sản xuất, mùa Tết 2024, xu hướng mua sắm của người dân cũng thay đổi hơn năm 2023. Ông Bùi Thanh Tùng, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn KIDO, kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dầu thực vật Tường An cho biết, mùa kinh doanh Tết 2024, người tiêu dùng đã chuyển sang xu hướng mua sắm thông minh, tập trung vào các nhu cầu cơ bản, thiết yếu cho cuộc sống.
"Các doanh nghiệp tặng quà Tết cho nhân viên cũng chuyển sang xu hướng chọn nhóm sản phẩm thiết yếu. Các hộ gia đình cũng đã ưu tiên những sản phẩm uy tín, chất lượng để chăm chút cho mùa Tết. Vì vậy, những thương hiệu uy tín, lâu năm trên thị trường với mức giá ổn định, mang đến nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong thị trường Tết 2024", ông Bùi Thanh Tùng cho biết.
Về giá cả hàng hóa phục vụ Tết, Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, xuyên suốt mùa kinh doanh Tết, các doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn thị trường cam kết giữ ổn định giá, không điều chỉnh tăng giá bán trong một tháng trước Tết và một tháng sau Tết; đồng thời thực hiện giảm giá sâu trong 2 ngày cận Tết đối với các mặt hàng thiết yếu như: thịt lợn, thịt gà, trứng gia cầm... Về lượng hàng, các mặt hàng bình ổn thị trường, các doanh nghiệp đã chuẩn bị hàng hóa trị giá khoảng 8.500 tỷ đồng, chiếm thị phần từ 25% đến 43% nhu cầu thị trường.