Các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài đánh giá cao 'điểm sáng' Việt Nam
Tại cuộc gặp với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào hôm qua, 10/12, các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài thuộc Liên minh Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đánh giá cao Chính phủ Việt Nam, không những giữ cho môi trường an toàn về mặt y tế mà còn giúp cho môi trường đầu tư lành mạnh.
Suốt 23 năm qua, Diễn đàn VBF đã luôn đồng hành cùng Chính phủ, các cấp, các ngành và cộng đồng doanh nghiệp, đưa ra nhiều khuyến nghị, sáng kiến hữu ích nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.
Đại diện các hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam đánh giá cao Chính phủ Việt Nam đã kiểm soát thành công dịch COVID-19, góp phần thực hiện thành công mục tiêu kép; đánh giá cao môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam; cảm ơn và mong mong muốn Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương của Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp nước ngoài làm ăn thành công tại Việt Nam.
Ông Hong Sun, đồng Chủ tịch VBF cho biết, hiện nay tại châu Âu và Mỹ, dịch COVID-19 vẫn đang diễn ra khá phức tạp nhưng Việt Nam tiếp tục kiểm soát thành công dịch, “điều này góp phần giúp Việt Nam bắt đầu công cuộc khôi phục nền kinh tế sớm hơn các nước khác và là một lợi thế vô cùng quan trọng”. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước, bất kể quy mô, ngành nghề đều hứng chịu những tác động do dịch COVID-19, “hơn bao giờ hết, đây là lúc Chính phủ cần đồng hành và hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục hậu quả, hồi phục trạng thái bình thường mới”.
Ông đề xuất Chính phủ đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 55 về chiến lược phát triển năng lượng quốc gia, đây là một hướng đi rất đúng đắn, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, đáp ứng nhu cầu thực tiễn cũng như thể hiện tầm nhìn cởi mở dài hạn của Chính phủ Việt Nam.
Một đại diện khác của IFC, ông Kyle F. Kelhofer chúc mừng Việt Nam đã khống chế thành công dịch COVID-19, không những giữ cho môi trường an toàn về mặt y tế mà còn giúp cho môi trường đầu tư lành mạnh. Sự thành công của Việt Nam trong khống chế COVID-19 trở thành một điển hình, là một điểm đến, sự lựa chọn trong chuỗi cung ứng toàn cầu trong xu thế đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Đây là cơ hội của Việt Nam cần nắm bắt, duy trì tăng trưởng dài hạn, bền vững. “Vấn đề ở chỗ là chúng ta phải làm thế nào để tăng cường được mức độ dễ dàng trong kinh doanh hơn là chi phí kinh doanh, đây chính là điểm mấu chốt để thu hút được những nhà đầu tư có chất lượng tốt hơn”, ông nói, khẳng định cam kết IFC sẽ hỗ trợ VBF và Chính phủ Việt Nam trong việc cải thiện môi trường đầu tư.
Đại hiện Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Yun Ok Hyon đánh giá cao sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các doanh nghiệp Hàn Quốc, nhất là về cơ chế nhập cảnh. “Tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng hành động thân thiện với doanh nghiệp này sẽ rất hữu ích trong việc thúc đẩy nền kinh tế của cả hai nước Hàn Quốc và Việt Nam trong tình hình COVID-19”.
Cùng chung quan điểm, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản, ông Kazunori Sudo cho rằng, “Chính phủ Việt Nam thường xuyên hỗ trợ chúng tôi”, vì thế, 3.000 người Nhật Bản đã vào Việt Nam làm việc trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn ra trên toàn cầu. Ông mong muốn chính quyền các địa phương giữ đúng các cam kết, lời hứa của mình đối với các nhà đầu tư như bảo đảm cấp điện 24/24, giảm thiểu các thủ tục, nộp thuế trực tuyến…
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, EVFTA được xem là chìa khóa thành công của Việt Nam. Ông đề xuất Chính phủ Việt Nam mở rộng chính sách miễn thị thực.
Đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Hoa Kỳ tại Việt Nam, bà Virginia B. Foote bày tỏ, bà cảm thấy an toàn ở Việt Nam khi mà dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên toàn cầu. Bà đề xuất Việt Nam thúc đẩy phát triển kinh tế số, “giúp giảm tiếp xúc trực tiếp, giảm chi tiêu tiền mặt, giảm chi phí” cũng như thúc đẩy lĩnh vực năng lượng tái tạo, cải cách hành chính.
Chúc mừng Chính phủ Việt Nam đã thu hút được nhiều nhà đầu tư từ Singapore, ông Seek Yee Chung (Hiệp hội Doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam) đánh giá cao nỗ lực của Việt Nam trong xây dựng Chính phủ điện tử, bày tỏ mong muốn mở rộng việc cấp giấy phép trực tuyến cũng như sớm phê duyệt chữ ký điện tử.
Đại diện cho Ngân hàng Thế giới, bà Carolyn Turk nêu rõ, phải có lộ trình dài hạn về phục hồi nền kinh tế, nhấn manh vào phát triển bền vững, tăng trưởng xanh. “Chúng ta thấy Việt Nam đang có vai trò tiên phong trên thế giới trong chiến thắng đại dịch thì hy vọng Việt Nam sẽ dẫn đầu thế giới trong việc phục hồi nền kinh tế, dẫn đầu thế giới về tăng trưởng xanh”. WB vui mừng tiếp tục đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong phát triển triển bền vững, tăng trưởng xanh, như cấp vốn cho các dự án năng lượng tái tạo, bảo vệ môi trường.