Các hình thức chiêu đãi ngoại giao
Tiệc chiêu đãi là một loại hình hoạt động ngoại giao quan trọng và phổ biến; không những mang tính chất chính trị mà còn thể hiện tính văn hóa.
Tổ chức tiệc chiêu đãi khách là một dịp để bày tỏ sự trọng thị, mến khách nhằm tăng cường mối quan hệ và giới thiệu văn hóa ẩm thực.
Dưới đây là một số hình thức tiệc chiêu đãi ngoại giao phổ biến:
Quốc yến hoặc Quốc tiệc
Quốc yến là tiệc chiêu đãi cấp nhà nước, là hình thức tiệc chiêu đãi trọng thể nhất. Tiệc này thường do Nguyên thủ quốc gia chiêu đãi trong các dịp Nguyên thủ quốc gia nước ngoài đến thăm cấp nhà nước, thăm chính thức hoặc những ngày quốc lễ quan trọng.
Quốc yến thường là tiệc ngồi, được tổ chức chu đáo, trọng thị; nhiều nước cử Quốc thiều trước khi tiệc bắt đầu; thực đơn được lựa chọn kỹ lưỡng gồm những món ăn đặc sắc bao gồm món khai vị, món súp, món chính, món tráng miệng. Đồ uống gồm rượu champagne, rượu dân tộc truyền thống, rượu vang, rượu thơm (lúc kết thúc).
Phòng tiệc, bàn tiệc được sắp xếp trang trọng; thời gian tổ chức Quốc yến thường vào buổi tối, cũng có thể tổ chức vào buổi trưa, nhưng vào buổi tối trọng thị hơn.
Trang phục khi dự tiệc Quốc yến thường được quy định mặc Quốc phục hoặc comple thắt nơ. Có nước quy định nam mặc áo đuôi tôm.
Tiệc tối
Tiệc này theo nhiều ngôn từ nước ngoài là bữa ăn tối, nhưng trong ngoại giao là tiệc chiêu đãi vào buổi tối.
Tiệc tối là tiệc ngồi, được mời để chiêu đãi các cấp khách. Thực đơn tiệc tối không cầu kỳ như đối với Quốc yến. Đồ uống gồm rượu vang, rượu dân tộc, rượu thơm (lúc kết thúc), nước khoáng…
Trang phục được quy định tùy theo tính chất bữa tiệc.
Tiệc trưa
Cũng giống như tiệc tối, tiệc trưa là loại tiệc ngồi chiêu đãi vào buổi trưa.
Đối với tiệc trưa món ăn nhẹ nhàng hơn tiệc tối một chút. Ở một số nước ăn trưa không có món súp và chỉ dùng rượu vang hoặc rượu nhẹ khác; một số nước không dùng rượu bia bữa trưa.
Tiệc làm việc
Có thể tổ chức bữa ăn sáng làm việc (Working Breakfast), bữa ăn trưa làm việc (Working Lunch), hoặc bữa ăn tối làm việc (Working Dinner).
Đây là tiệc ngồi và là tiệc vừa ăn vừa trao đổi công việc, có thể xếp chỗ ngồi theo bàn dài mỗi đoàn ngồi một bên như khi ngồi hội đàm hoặc có thể xếp bàn tròn ngồi xen lẫn khách và chủ, tùy theo tính chất bữa tiệc.
Tiệc buffet
Tiệc buffet được sử dụng cho cả bữa ăn sáng (Buffet-breakfast), bữa ăn trưa (Buffet-lunch), hoặc bữa ăn tối (Buffet-dinner).
Tiệc buffet là tiệc đứng, nhiều món ăn; có cả món ăn nóng để trong lồng hấp và món ăn nguội; khách tự lấy thức ăn. Tiệc buffet là tiệc đứng nhưng có thể kê bàn ghế để khách lấy thức ăn đến ngồi tại bàn, không cần xếp chỗ.
Tiệc tiếp tân hoặc tiệc tiếp khách
Là loại tiệc đứng; thực đơn thường có các món nhắm nhỏ đặt trên khay và được người phục vụ mang đi mời.
Tiệc tiếp khách được tổ chức trong dịp kỷ niệm ngày lễ lớn (như ngày Quốc khánh, Ngày thành lập Quân đội…), nhân dịp sự kiện quan trọng cần mời đông khách hoặc có đoàn từ trong nước đến thăm.
Tiệc này có thuận lợi là có thể mời được số lượng khách đông, dễ phục vụ; thời gian tổ chức tiệc tiếp khách thường vào trưa hoặc tối.
Tiệc rượu
Là loại tiệc đứng giống như tiệc tiếp khách. Thực đơn thường có các món nhắm nhỏ đặt trong khay và được người phục vụ mang đi mời.
Với tên gọi tiệc rượu nên đồ uống là chủ yếu. Đồ uống bao gồm một số loại rượu nhẹ, rượu pha kiểu cocktail, bia, nước ngọt các loại.
Tiệc trà
Được coi là tiệc ngọt, thời gian tổ chức có thể vào buổi chiều hoặc buổi sáng (buổi chiều là phổ biến). Thực đơn tiệc nhẹ nhàng, đơn giản gồm bánh kẹo, hoa quả, trà, cà phê, nước giải khát.
Tiệc này thường được xếp theo hình thức ngồi sofa. Nội dung trong tiệc trà là để gặp gỡ, giao lưu, nói chuyện về những vấn đề văn hóa, xã hội, mỹ thuật.
Trên đây là một số loại hình tiệc chiêu đãi phổ biến trong ngoại giao và cũng được áp dụng rộng rãi trong các hoạt động đối ngoại nói chung. Khi dự kiến tổ chức một bữa tiệc, nên cân nhắc hình thức tiệc cho thích hợp để bảo đảm yêu cầu chính trị và phù hợp với tính chất lễ tân.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-hinh-thuc-chieu-dai-ngoai-giao-138076.html