Các hội đồng xem xét kỹ ngữ liệu, chịu trách nhiệm với Bộ GD&ĐT trong việc giải trình trước xã hội

Bộ GD&ĐT, cho biết, có 40/46 cuốn sách giáo khoa (SGK) lớp 6 được tiếp tục thẩm định ở vòng 2. Như vậy đã có những bản sách chưa đạt.

Thẩm định nhiều nhất 2 đợt/năm

Kết thúc vòng 1 thẩm định SGK lớp 6 biên soạn theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, có 4 cuốn SGK của môn Tin học không đạt. 40 cuốn còn lại xếp loại “đạt” hoặc “đạt nhưng cần sửa chữa” tiếp tục được thẩm định vòng 2.

Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ cũng đã có buổi làm việc với Hội đồng thẩm định SGK lớp 6. Được biết, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK lớp 6 gồm 128 thành viên của 12 môn học và hoạt động giáo dục, gồm: Toán, Ngữ văn, Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý, Giáo dục công dân, tiếng Anh, Tin học, Công nghệ, Giáo dục thể chất, Mỹ thuật, Âm nhạc, Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết: Theo Luật Giáo dục 2019, Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và thành viên Hội đồng phải chịu trách nhiệm về nội dung và chất lượng thẩm định. Vai trò của Hội đồng thẩm định như vậy là rất quan trọng.

Theo Thứ trưởng, để tổ chức thẩm định SGK, Bộ GD&ĐT đã ban hành số 33/2017/TT-BGDĐT ban hành về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa SGK; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn SGK; tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định SGK và Thông tư số 23/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 33.

Một điểm mới đáng lưu ý của Thông tư 23 so với Thông tư 33 là quy định về trình tự giải quyết hồ sơ đề nghị thẩm định SGK. Theo đó, Bộ GD&ĐT tiếp nhận hồ sơ để tổ chức thẩm định SGK nhiều nhất 2 đợt trong một năm; trong mỗi đợt thẩm định, một bản mẫu SGK được thẩm định nhiều nhất 2 vòng, mỗi vòng nhiều nhất 5 ngày.

Để bảo đảm chất lượng công tác thẩm định, Thứ trưởng đề nghị Hội đồng thẩm định cần nghiên cứu kỹ, bám sát Thông tư số 33 và Thông tư số 23. Các văn bản này đã quy định rõ 5 tiêu chuẩn, 13 tiêu chí trong thẩm định SGK, được Bộ GD&ĐT cụ thể hóa thành 40 chỉ báo. Đây là những nội dung quan trọng các thầy cô cần nắm vững để thẩm định và giúp tác giả hoàn thiện bản mẫu, cho ra được những SGK tốt.

 Thẩm định SGK lớp 6 cần xem xét kỹ ngữ liệu, ngôn ngữ. Ảnh tư liệu

Thẩm định SGK lớp 6 cần xem xét kỹ ngữ liệu, ngôn ngữ. Ảnh tư liệu

Xem xét kỹ ngôn ngữ, ngữ liệu

Bên cạnh tính tinh giản, kế thừa, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ đồng thời đề nghị các thành viên khi thẩm định cần xem xét kỹ về ngữ liệu, ngôn ngữ của từng bản mẫu SGK; cộng đồng trách nhiệm cùng với Bộ GD&ĐT trong việc giải trình trước xã hội; mong các thầy cô trong Hội đồng tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc nghiêm túc, chặt chẽ, khoa học, khách quan, góp phần mang tới những cuốn SGK lớp 6 chất lượng tốt nhất cho học sinh, giáo viên và xã hội.

Năm 2020, Bộ GD&ĐT nhận được 43 bản mẫu SGK của đầy đủ các môn học/hoạt động giáo dục giáo dục bắt buộc, bản mẫu SGK môn tự chọn Tiếng Anh. Trong đó, môn Tin học có 4 bản mẫu, Tiếng Anh có 9 bản mẫu, các môn còn lại mỗi môn có 3 bản mẫu SGK.

Thành phần Hội đồng bao gồm các nhà khoa học, nhà giáo dục, nhà quản lý giáo dục có kinh nghiệm, uy tín về giáo dục và đại diện các tổ chức có liên quan. Trong đó, ít nhất 1/3 tổng số thành viên là các nhà giáo đang giảng dạy môn học/hoạt động giáo dục ở cấp học tương ứng.

T.Fan

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/cac-hoi-dong-xem-xet-ky-ngu-lieu-chiu-trach-nhiem-voi-bo-gddt-trong-viec-giai-trinh-truoc-xa-hoi-216994.html