Các hợp tác xã gắn sản xuất với bảo vệ môi trường
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 368 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trước thực trạng về ô nhiễm môi trường do phân bón, thuốc trừ sâu và các nguồn chất thải khác từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp đã chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững. Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 368 hợp tác xã (HTX) nông nghiệp. Trước thực trạng về ô nhiễm môi trường do phân bón, thuốc trừ sâu và các nguồn chất thải khác từ chăn nuôi, trồng trọt, nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, nhiều HTX nông nghiệp đã chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường, góp phần thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả, bền vững.
Các HTX đã thường xuyên tuyên truyền, nâng cao ý thức cho thành viên thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang các hình thức sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn bền vững như VietGAP, GlobalGAP, nông nghiệp hữu cơ; tổ chức cho thành viên tham quan các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao trong và ngoài tỉnh… Trong lĩnh vực trồng trọt, thành viên HTX đã áp dụng nguyên tắc 4 đúng trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp); tăng cường bón phân hữu cơ, xây nhà lưới bảo vệ cây trồng để hạn chế dùng thuốc hóa học diệt sâu bệnh; thực hiện thu gom bao bì, chai lọ thuốc bảo vệ thực vật đã qua sử dụng để đúng nơi quy định. Trong chăn nuôi, nhiều HTX thực hiện sản xuất theo mô hình khép kín, sử dụng đệm lót sinh học, xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải theo quy định. Trong nuôi trồng thủy sản, các HTX chuyển hướng từ nuôi trồng quảng canh sang thâm canh, chú trọng áp dụng các công nghệ, mô hình nuôi tiên tiến bền vững theo tiêu chuẩn VietGAP hoặc các tiêu chuẩn tương đương, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường. Cùng với đó, Liên minh HTX tỉnh đã quan tâm tư vấn xây dựng, phát triển các mô hình HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả gắn với chuỗi giá trị. Nhờ đó, thành viên nhiều HTX đã mạnh dạn tích tụ ruộng đất, xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư áp dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất, quản lý và xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, nâng cao hiệu quả kinh tế, mang lại thu nhập gia tăng cho tập thể, cá nhân.
Đến nay, toàn tỉnh có 71 HTX thực hiện liên kết với các doanh nghiệp trong sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản cho các hộ thành viên; 30 mô hình HTX phát triển sản xuất gắn với chuỗi giá trị, 22 HTX ứng dụng công nghệ cao. Tiêu biểu như HTX chăn nuôi sinh học Trực Thái (Trực Ninh) từ khi thành lập đến nay luôn chủ động phối hợp với các đơn vị chức năng chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật; cử thành viên tham gia các lớp tập huấn để bổ sung kiến thức về chăn nuôi, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Chuồng trại chăn nuôi của các hộ thành viên HTX được vệ sinh, khử khuẩn thường xuyên để tránh gây ô nhiễm nguồn không khí, hạn chế dịch bệnh; chất thải được tập trung đúng nơi quy định, xử lý vi sinh thành phân hữu cơ phục vụ trồng trọt. HTX còn đầu tư máy chế biến hiện đại và chuẩn bị nguồn nguyên liệu thân thiện môi trường như ngô, cám gạo, cá khô, đậu tương, kết hợp với các loại thảo dược như kim ngân, khổ sâm, hoa hồi, quế chi, hoàn ngọc... để chế biến thức ăn phục vụ chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Do đó chất lượng thịt lợn của HTX thơm ngon, nổi trội hơn hẳn so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cùng với sản xuất sạch, HTX đã xây dựng quy trình giết mổ, chế biến các sản phẩm từ thịt lợn như: thịt tươi, thịt mát, ruốc, xúc xích, giò lụa, giò xào, chả, mọc… đảm bảo theo quy trình VietGAP, cung ứng ổn định cho hàng chục chuỗi cửa hàng kinh doanh thực phẩm sạch trong tỉnh và ngoài tỉnh.
Tại xã Hải Trung (Hải Hậu), từ mô hình chăn nuôi hộ gia đình, năm 2017, ông Nguyễn Lương Bằng và một số cộng sự đã vận động các hộ chăn nuôi trong vùng phối hợp mở mang quy mô chuồng trại với 3 dãy chuồng nuôi, đầu tư trang thiết bị, thành lập HTX dịch vụ chăn nuôi Sơn Nam chuyên cung cấp các sản phẩm thỏ thương phẩm và thỏ giống cung cấp trên thị trường cả nước. HTX thuê nhân công kỹ thuật tổ chức chăn nuôi thỏ theo mô hình trang trại tại khu vực bãi sông Ninh Cơ với diện tích gần 2.000m2, thường xuyên duy trì từ 6.000-7.000 con thỏ bao gồm cả thỏ thương phẩm, thỏ sinh sản và thỏ giống. Mỗi năm, HTX xuất bán khoản 40 tấn thỏ thương phẩm, thu lãi hàng trăm triệu đồng. Để phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả, trong quá trình nuôi, các thành viên HTX chú trọng công tác vệ sinh môi trường, chuồng trại đảm bảo sạch sẽ, cao ráo thoáng mát về mùa hè, ấm về mùa đông, thường xuyên phun thuốc sát trùng quanh khu vực nuôi. Ông Nguyễn Lương Bằng còn tận dụng phân thỏ để nuôi trùn quế, làm thức ăn cung cấp cho người nuôi cá, chim, góp phần làm sạch môi trường.
Còn tại HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ đa ngành nghề Yên Mỹ (Ý Yên), các hộ thành viên nhiều năm qua đã gắn kết sản xuất rau theo hướng hữu cơ. Anh Nguyễn Hữu Bản, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX đã quy hoạch vùng sản xuất, xây dựng nhà lưới, mua máy sục rửa ôzôn để đảm bảo chất lượng nguồn rau tốt nhất cung cấp cho chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch của tỉnh Ninh Bình và kênh phân phối của HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường. Nhằm hướng tới một nền nông nghiệp sạch, HTX chú trọng nâng cao trình độ sản xuất, tổ chức cho thành viên tham gia các lớp tập huấn về cách ủ phân hữu cơ do chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn và kỹ thuật trồng trọt do HTX sản xuất, kinh doanh dịch vụ Nam Cường truyền đạt. Qua đó góp phần nâng cao kiến thức về cải tạo đất, giúp cây trồng phát triển tốt, tăng sức đề kháng, chống chịu các loại sâu bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, nâng cao chất lượng nông sản. Ngoài ra còn phải kể đến nhiều HTX luôn chú trọng gắn sản xuất với bảo vệ môi trường như: HTX hoa và cây cảnh Nam Phong (thành phố Nam Định), HTX hoa và cây cảnh Mỹ Tân (Mỹ Lộc) xây dựng nhà lưới thông minh sản xuất các loại hoa cao cấp. HTX chăn nuôi Long Phú, xã Hợp Hưng (Vụ Bản); HTX chăn nuôi Thịnh Phát, xã Yên Bình, HTX chăn nuôi Yên Lợi (Ý Yên) với mô hình chuồng trại thông minh. HTX nông nghiệp và nuôi trồng chế biến thủy sản An Hòa, xã Hải Đông (Hải Hậu); HTX Chí Thiện, xã Giao Thiện (Giao Thủy) phát triển mô hình nuôi tôm công nghệ cao, sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý môi trường ao nuôi. HTX nông nghiệp và cơ khí Xuân Tiến (Xuân Trường) đầu tư hệ thống nhà xưởng, máy móc hiện đại sản xuất bánh phở, bánh đa nem sạch; HTX nông nghiệp và thủy sản Xương Điền, xã Hải Lý (Hải Hậu) với mô hình nuôi ốc hương công nghệ cao…
Nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới và quy trình sản xuất hiện đại, các HTX nông nghiệp không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giảm sự lệ thuộc vào điều kiện canh tác, tiết kiệm chi phí đầu tư, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, năng suất, chất lượng cao và giá trị kinh tế vượt trội cho HTX và các thành viên./.
Bài và ảnh: Lam Hồng