Các huyện phía Đông Gia Lai rộng cửa đón nhà đầu tư
Với nhiều tiềm năng và lợi thế, môi trường đầu tư thông thoáng, 5 huyện phía Đông tỉnh Gia Lai được kỳ vọng sẽ thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư vào khu vực này.
Tiềm năng phong phú
Gia Lai là tỉnh có tài nguyên du lịch rất phong phú với rừng núi điệp trùng, thác nước hùng vĩ, nhiều cảnh quan tự nhiên cũng như nhân tạo. Đây cũng là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển thành vùng nguyên liệu lớn cho công nghiệp chế biến các mặt hàng như: rau quả, cao su, cà phê, chè, mía đường, dược liệu, nuôi trồng thủy sản… Công nghiệp chế biến và du lịch phát triển cũng là điều kiện để thúc đẩy hạ tầng logistics và thương mại, xuất nhập khẩu phát triển theo.
Không những vậy, với tài nguyên nắng và gió dồi dào bậc nhất Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai có nhiều tiềm năng để phát triển các nguồn năng lượng tái tạo. Đó là những lợi thế của Gia Lai nói chung và 5 huyện phía Đông nói riêng.
Phát biểu tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Gia Lai năm 2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhận định, Gia Lai có nhiều tiềm năng, lợi thế và hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi. Gia Lai có đất đỏ bazan phù hợp trồng cây công nghiệp, có các trục đường giao thông huyết mạch. Tỉnh còn có truyền thống lịch sử, có không gian văn hóa cồng chiêng, tận dụng tốt có thể phát triển du lịch văn hóa.
Tại thị xã An Khê, Quần thể di tích Tây Sơn thượng đạo đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, An Khê còn gìn giữ được nhiều lễ hội như Lễ kỷ niệm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, Hội cầu huê, Lễ khai sơn, Lễ cúng Quý Xuân, Lễ tưởng niệm ngày mất Hoàng đế Quang Trung…, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch. An Khê đang trở thành điểm du lịch văn hóa, nghiên cứu lịch sử hấp dẫn.
Các huyện phía Đông tỉnh Gia Lai đang tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng; tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng, đất đai giữa các doanh nghiệp. Công khai các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các quy hoạch chi tiết; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp vào tìm hiểu cơ hội đầu tư.
Ông Đặng Quốc Hoài Huy, Phó chủ tịch UBND thị xã An Khê cho biết: “An Khê chính là vùng đất giàu trầm tích lịch sử, có hệ thống thiết chế tín ngưỡng, di tích văn hóa phong phú và đa dạng, là cơ sở để phát triển, thu hút đầu tư về du lịch”.
Tương tự, tại huyện Kbang, có nhiều điểm di tích lịch sử, văn hóa, sinh thái như: Làng kháng chiến Stơr, Khu di tích vườn mít - cánh đồng Cô Hầu, Khu di tích cách mạng xã Krong, Khu bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thác Kon Lốc, thác Hang dơi, hồ thủy điện Kanak... Tháng 9/2021, Khu dự trữ sinh quyển cao nguyên Kon Hà Nừng được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trở thành điểm đến lý tưởng của du khách và hình thành các tour du lịch lịch sử, văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng hấp dẫn, là nơi có tiềm năng phát triển kinh tế xanh bậc nhất ở phía Đông Gia Lai.
Ngoài ra, các huyện phía Đông còn được biết đến có số giờ nắng và gió dồi dào, thích hợp phát triển ngành năng lượng tái tạo. Hiện nay trên địa bàn huyện Kong Chro có 3 nhà máy thủy điện với tổng công suất 60 MW; 3 dự án điện gió đã hoàn thành các hạng mục xây dựng và chuẩn bị vận hành với công suất 400 MW. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đang nghiên cứu, đề xuất 5 dự án nhà máy điện gió với tổng công suất 673,5 MW, diện tích nghiên cứu 8.851 ha.
Với diện tích tự nhiên khoảng 1.126 km2, nằm ở vị trí có nhiều tuyến giao thông quan trọng đi qua, huyện Mang Yang hiện là nơi sở hữu nhiều tiềm năng để phát triển các dự án trồng trọt, chăn nuôi, công nghiệp chế biến. Ngành chăn nuôi của huyện đang phát triển nhanh theo hướng hình thành các trang trại chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô tập trung, công nghiệp.
Đặc biệt, Mang Yang có vị trí địa lý và địa hình đồi núi thuận lợi cho phát triển năng lượng điện gió, điện mặt trời. Cùng với hệ thống sông suối, rừng nhiệt đới, đồi thông trải dài, các buôn làng bảo tồn nhiều nét văn hóa đặc sắc, Mang Yang cũng sở hữu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, trong đó Vườn quốc gia Kon Ka Kinh là điểm nhấn đặc biệt để phát triển loại hình du lịch sinh thái.
Trong thời gian tới, huyện Mang Yang sẽ tập trung thu hút đầu tư vào những dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch; các dự án chế biến nông - lâm sản thuộc thế mạnh của địa phương như chế biến sản phẩm từ cây ăn quả, chế biến thực phẩm từ gia súc, gia cầm.
Đáng chú ý, huyện Đak Pơ có vị trí tại trung tâm tiểu vùng phía Đông của tỉnh Gia Lai. Đak Pơ là vùng sản xuất rau, cây ăn trái lớn nhất của tỉnh. Ngoài ra, huyện này định hướng phát triển trong thời gian tới sẽ tập trung thúc đẩy phát triển du lịch gắn với nông nghiệp. Phát triển vùng sản xuất rau, cây ăn quả, bò lai theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ cao. Đặc biệt, chú trọng đẩy mạnh tốc độ phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, biến Đak Pơ trở thành trung tâm phát triển công nghiệp khu phía Đông của tỉnh.
Rộng cửa đón nhà đầu tư
Thời gian qua, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các công trình hạ tầng giao thông trên địa bàn các huyện liên tục được đầu tư nâng cấp, hoàn thiện, đồng bộ. Đặc biệt, Quốc lộ 19 là con đường giao thông huyết mạch nối các tỉnh Tây Nguyên và cảng Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đang được mở rộng chạy qua địa bàn các huyện phía Đông Gia Lai.
Các trục giao thông huyết mạch đang được tỉnh Gia Lai chú trọng đầu tư, từng bước hoàn thiện, góp phần tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa, giải quyết khó khăn của người dân và doanh nghiệp, nhất là ở những vùng sâu, vùng xa có địa hình hiểm trở.
Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Gia Lai cho biết, các địa phương khu vực phía Đông của tỉnh sở hữu rất nhiều điều kiện, tiềm năng, thế mạnh để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, song những năm qua, việc thu hút đầu tư khu vực này vẫn chưa đạt kết quả như mong muốn.
“Để tiếp tục giới thiệu, quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội, thu hút tối đa các nguồn lực, làm tiền đề cho các hoạt động đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác đầu tư vào thị xã An Khê và các huyện phía Đông của tỉnh với các doanh nghiệp, nhà đầu tư, giữa tháng 7 này, thị xã An Khê và các huyện phía Đông sẽ tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư”, ông Nguyên thông tin.
Cụ thể, Hội nghị Xúc tiến đầu tư dự kiến diễn ra ngày 14/7 tại thị xã An Khê với khoảng 250 đại biểu, trong đó khoảng 160 đại biểu là nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Trong khuôn khổ Hội nghị còn có Diễn đàn Hỏi và giải đáp liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn. Dịp này, dự kiến có 19 dự án được trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và 17 dự án được ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/cac-huyen-phia-dong-gia-lai-rong-cua-don-nha-dau-tu-d193751.html