Các khoản thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp phải nộp vào ngân sách

Các khoản thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm... phải được khai, nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Hướng dẫn một số nội dung về khai, nộp và chi từ ngân sách nhà nước theo quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, nguồn thu từ chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp.

Theo đó, các khoản thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm, quyền góp vốn và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp sau khi trừ các khoản chi phí liên quan đến chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chi phí chuyển nhượng vốn phải được khai, nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Thông tư này.

 (Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Trong đó, khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc trung ương theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP nộp vào ngân sách trung ương;

Khoản thu từ doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc địa phương theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 148/2021/NĐ-CP nộp vào ngân sách địa phương.

Việc xác định các khoản thu để nộp về ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Trường hợp tổng số tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước, chuyển nhượng quyền mua cổ phần phát hành thêm, quyền góp vốn không đủ bù đắp các khoản chi theo quy định, doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập được giữ lại toàn bộ khoản tiền thu này để thực hiện chi trả theo quy định và không phải thực hiện khai, nộp về ngân sách nhà nước.

Việc khai, nộp ngân sách nhà nước thực hiện theo từng lần phát sinh số phải nộp ngân sách nhà nước. Đối tượng khai, nộp là đối tượng có trách nhiệm nộp tiền theo quy định của pháp luật về chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp.

Dự thảo nêu rõ, cơ quan thuế thực hiện thu theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý thuế và quy định tại Thông tư này.

Trong đó, cơ quan thuế quản lý trực tiếp doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện thu theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý thuế và quy định tại Thông tư này.

Mẫu Tờ khai nộp đối với từng khoản thu chi tiết tại Phụ lục kèm theo Thông tư này. Người nộp thuế có trách nhiệm gửi kèm theo Tờ khai các văn bản làm căn cứ xác định khoản thu.

Trường hợp chậm nộp, đối tượng khai, nộp phải nộp thêm tiền chậm nộp theo quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Chi tiết dự thảo xem tại đây.

Hải Nam

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/cac-khoan-thu-tu-chuyen-doi-so-huu-doanh-nghiep-phai-nop-vao-ngan-sach-d28731.html