Các không gian nghệ thuật dịp Tết

Sắc Xuân đang tràn về, rực rỡ trên khắp các nẻo đường, con phố. Tại nhiều địa phương trên cả nước, cùng với các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống, là các các không gian nghệ thuật và ẩm thực đường phố; các Hội chợ Hoa Xuân mừng Tết Ất Tỵ 2025...

Hơn 4 nghìn hỏa thuật sẽ thắp sáng bầu trời Thủ đô

Tại Thủ đô Hà Nội, một trong những hoạt động được nhiều người mong trong dịp Tết Nguyên đán nhất là màn trình diễn của 4.050 hỏa thuật thắp sáng bầu trời Thủ đô tối 28/1.

Đó là màn trình diễn thiết bị bay không người lái hiện đại, kết hợp giữa công nghệ ánh sáng và pháo sáng nghệ thuật nằm trong khuôn khổ lễ hội kỳ quan ánh sáng quốc tế "Rực rỡ Thăng Long" - một trong những sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm 2025 của Hà Nội.

Chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” - ảnh Lê Khánh

Chương trình “Hòa nhạc ánh sáng - Chào năm mới 2025” - ảnh Lê Khánh

Sau phần trình diễn drone hỏa thuật là màn bắn pháo hoa tầm cao vào đúng thời khắc giao thừa, đón chào năm mới Ất Tỵ. Theo kế hoạch của UBND thành phố Hà Nội, vào đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025, tất cả 30 quận, huyện trên địa bàn Thủ đô đều tổ chức bắn pháo hoa. Thời gian bắn pháo hoa trong 15 phút, từ 0 giờ đến 0 giờ 15 phút ngày 29/1 (đêm Giao thừa Tết Nguyên đán Ất Tỵ).

Đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025, tất cả 30 quận, huyện ở Thủ đô đều tổ chức bắn pháo hoa.

Đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025, tất cả 30 quận, huyện ở Thủ đô đều tổ chức bắn pháo hoa.

Sở Du lịch Hà Nội cho biết dịp Tết Nguyên đán năm nay thành phố sẽ tổ chức nhiều sự kiện sôi động nhằm phục vụ người dân và khách tham quan. Các hoạt động nổi bật mang đậm không khí Tết cổ truyền của vùng đồng bằng Bắc bộ bao gồm: Chương trình “Tết làng Việt năm 2025” tại Không gian đình làng Mông Phụ - Điểm du lịch Làng cổ ở Đường Lâm (Thị xã Sơn Tây);

Tại Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, thị xã Sơn Tây) diễn ra các hoạt động chủ đề “Xuân về trên bản làng”; Chương trình "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm; Chương trình "Tết Việt - Tết phố 2025" với chuỗi hoạt động đa dạng, đậm đà bản sắc văn hóa truyền thống tại Không gian bích họa phố Phùng Hưng; Trưng bày Không gian Tết truyền thống (Từ 20/1/2025 tức 21/Chạp năm Giáp Thìn) và Giới thiệu, trình diễn tái hiện nghi lễ “Tống cựu nghinh tân” tại Khu di sản Hoàng thành Thăng Long…

Cũng vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán, các khu, điểm tham quan du lịch trên địa bàn Thành phố tiếp tục tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động, hấp dẫn để thu hút khách du lịch.

Phố Phùng Hưng là một trong những điểm đến văn hóa-du lịch nổi bật của Thủ đô. Ảnh: Phạm Sỹ

Phố Phùng Hưng là một trong những điểm đến văn hóa-du lịch nổi bật của Thủ đô. Ảnh: Phạm Sỹ

“Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa"

Đường hoa Nguyễn Huệ Tết Ất Tỵ 2025 từ nhiều năm nay đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật sinh động của TPHCM. Với chủ đề "Non sông gấm hoa, vui xuân thái hòa", đường hoa không chỉ là một địa điểm vui chơi, mà còn là một hành trình khám phá lịch sử và văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Đường hoa Nguyễn Huệ lần đầu tiên trình làng mô hình đoàn tàu metro bằng hoa, biểu tượng cho bước tiến vào kỷ nguyên giao thông hiện đại của TPHCM.

Đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM). Ảnh: Laodongthudo

Đường hoa Nguyễn Huệ (TPHCM). Ảnh: Laodongthudo

Cùng với Đường hoa Nguyễn Huệ, Hội Hoa Xuân Tao Đàn diễn ra tại Công viên Tao Đàn (quận 1) từ ngày 24/1 đến hết ngày 2/2/2025 cũng là một sự kiện truyền thống quen thuộc với người dân TP HCM, với các loại hoa, cây cảnh, bonsai và tiểu cảnh nghệ thuật được trưng bày tại đây.

Đặc biệt, vào đêm giao thừa Tết Ất Tỵ, TPHCM sẽ tổ chức các hoạt động đón Tết đặc sắc, bao gồm trình chiếu ánh sáng 3D trên tòa nhà UBND TPHCM vào tối 28/1 (29 tháng Chạp); bắn pháo hoa nghệ thuật từ 0 giờ đến 0 giờ 15 ngày 29/1/2025 (Mùng 1 Tết).

Cùng với đó, tại nhiều quận, huyện, các chương trình biểu diễn văn nghệ, sân khấu ca múa nhạc cũng sẽ được tổ chức nhằm phục vụ đông đảo nhân dân.

Hương sắc Tết xưa của vùng đất Cố đô

Trong những ngày Tết cổ truyền, người dân và du khách đến Huế sẽ được thưởng thức nhiều hoạt động thú vị như Hội Bài chòi, biểu diễn Võ Cổ truyền... Tại khu di sản Huế, ngày 29/1 (tức mồng 1 Tết), sẽ mở cửa đón khách nội địa tham quan miễn phí các điểm di tích. Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cũng tổ chức chương trình biểu diễn nghệ thuật tại sân điện Thái Hòa; biểu diễn lân sư rồng; tổ chức không gian trải nghiệm trò chơi cung đình như: xăm hường, bài vụ, thả thơ, đầu hồ… tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.

Nếu ở huyện Phú Lộc, có các hoạt động như: Chợ quê ngày Tết từ mồng 1 đến mồng 3 Tết tại xã Vinh Mỹ; chương trình Hò bài chòi ở xã Lộc Vĩnh, xã Vinh Hưng; đua ghe Lăng Cô tại thị trấn Lăng Cô vào ngày mồng 6…thì tại thị xã Phong Điền, có hội Đu tiên Điền Hòa ngày mồng 2 Tết tại phường Phong Phú; hội Đu tiên Gia Viên ngày mồng 4 ở phường Phong Hiền.

Còn huyện Quảng Điền tổ chức lễ hội vật làng Thủ Lễ; đua nghe thị trấn Sịa; hội cờ tướng. Thị xã Hương Thủy tổ chức hội đua trãi trên sông Vực; các hoạt động vui xuân tại cầu ngói Thanh Toàn…

Du khách thích thú tham gia trò chơi truyền thống ngày Tết ở Cung Trường Sanh trong Đại Nội Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Du khách thích thú tham gia trò chơi truyền thống ngày Tết ở Cung Trường Sanh trong Đại Nội Huế. Ảnh: Đỗ Trưởng - TTXVN

Trước đó, ngày 22/1 (nhằm Tết ông Công, ông Táo) Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tổ chức lễ dựng cây nêu tại di tích Triệu Tổ Miếu, Thế Tổ Miếu bên trong Đại Nội Huế theo nghi thức truyền thống và tổ chức chương trình Phong vị Tết Huế thu hút đông đảo du khách tham gia, trải nghiệm.

Tại đây, các hoạt động viết thư pháp, biểu diễn ca Huế, thi gói bánh chưng, bánh tét, làm mứt gừng… đã tạo ra nên một không khí Tết mang sắc màu truyền thống, gợi nhớ về hương sắc Tết xưa của vùng đất Cố đô.

Những điểm đến đầy màu sắc tại “thành phố đáng sống”

Chương trình Xuân yêu thương 2025 với chủ đề “Hương Tết xưa – Sắc Xuân nay” đã chính thức được khai mạc, với nhiều hoạt động văn hóa, lễ hội, tái diễn Tết cổ truyền hấp dẫn tại Công viên Biển Đông (Đà Nẵng) thu hút hàng nghìn khách du lịch, du khách quốc tế tham quan, trải nghiệm không gian Tết Việt.

Những ngày này, tại khu vực quảng trường đuôi cầu Rồng (quận Hải Châu), người dân và du khách như lạc vào thế giới rực rỡ sắc xuân. Theo Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng, dự án trang trí hoa, điện chiếu sáng phục vụ Tết Nguyên đán 2025 có 14 vị trí trang trí hoa và 8 vị trí trang trí điện chiếu sáng, với tổng mức đầu tư hơn 18 tỷ đồng.

Năm nay, đường hoa xuân Bạch Đằng sẽ có sự thay đổi đáng kể về thời gian hoạt động. Thay vì chỉ kéo dài khoảng 15 đến 20 ngày như trước đây, đường hoa dự kiến kéo dài gần 5 tháng, phục vụ Tết Ất Tỵ và các sự kiện, ngày lễ lớn của Đà Nẵng trong những tháng đầu năm 2025.

Đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 và chào mừng kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà hát Trưng Vương Đà Nẵng, Trung tâm Văn hóa Điện ảnh thành phố, nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh sẽ cùng thực hiện chương trình nghệ thuật lớn phục vụ nhu cầu vui chơi, thưởng thức âm nhạc của người dân.

Còn trong 3 ngày từ 30/1 đến 1/2/2025 (tức mồng 2, 3, 4 Tết Âm lịch), Làng Toom Sara Đà Nẵng tổ chức chương trình “Tết Làng - Tết Lành” 2025 với mong muốn mang đến cho du khách và người dân một không gian đón Tết ấm cúng, ý nghĩa.

“Tết Làng - Tết Lành” có các hoạt động văn hóa truyền thống, trò chơi dân gian, sân khấu hóa không gian lễ hội, trình diễn điệu múa tung tung - da dá trên nền nhạc cổ truyền và tiếng cồng chiêng do các nghệ nhân đồng bào Cơ tu biểu diễn.

PV

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/cac-khong-gian-nghe-thuat-dip-tet-10298878.html