CÁC KIẾN NGHỊ NHẰM NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIÁM SÁT VÀ HƯỚNG DẪN HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

Tại buổi làm việc giữa Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với Ban Công tác đại biểu, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Dương Thị Tình Thương đã có những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu. Buổi làm việc được thực hiện theo Kế hoạch số 4340/TTKQH-TH ngày 9/4/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội về Kế hoạch làm việc của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội về đề xuất, kiến nghị đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội và căn cứ công văn số 4344/TTKQH-TH ngày 15/4/2021 của Tổng Thư ký Quốc hội thông báo về thành phần, thời gian, địa điểm buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Ban Công tác đại biểu.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại buổi làm việc với Ban Công tác đại biểu.

Tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Dương Thị Tình Thương đã có những kiến nghị nhằm nâng cao chất lượng giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng Nhân dân (HĐND).

Hiện nay, đối với hoạt động của HĐND, Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn giám sát hoạt động của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện một số nội dung. Theo đó, Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn kết quả bầu cử chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (khoản 5, Điều 53 Luật Tổ chức Quốc hội). Ngoài ra, Ban Công tác đại biểu giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hướng dẫn, giám sát hoạt động Hội đồng nhân dân được quy định tại khoản 1, Điều 55 Luật Tổ chức Quốc hội. Trong Luật Giám sát hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm (khoản 5 Điều 22, Điều 38, Điều 29), Nghị quyết 334/2017/UBTVQH 14 quy định cụ thể tại khoản 2, Điều 9.

Qua quá trình thực hiện các quy định trên, Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Dương Thị Tình Thương đưa ra một số đề xuất. Đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần tăng cường tổ chức giám sát hoạt động của HĐND, nhất là việc xem xét quy trình, thủ tục, nội dung Nghị quyết mang tính quy phạm pháp luật của HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành tại các kỳ họp. Bên cạnh đó là thành lập các đoàn khảo sát thăm các mô hình hoạt động tiêu biểu của các địa phương, dự các phiên giải trình của Thường trực HĐND, tham gia sâu vào các phiên chất vấn tại kỳ họp và các cuộc giám sát trọng điểm của HĐND, Thường trực HĐND… Ngoài ra, cần ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phối hợp thực hiện nhiệm vụ trên và giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp thực hiện, có đánh giá kết quả hàng năm.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Dương Thị Tình Thương đề xuất những những giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Công tác đại biểu.

Về việc tiếp nhận Nghị quyết của HĐND các tỉnh, thành phố gửi về, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu và Văn phòng Quốc hội đề nghị có văn bản thông báo cho địa phương đối với nội dung này chỉ cần gửi 01 bộ tài liệu về Ban Công tác đại biểu nhằm tránh lãng phí. Để áp dụng công nghệ thông tin vào việc gửi, nhận văn bản, Vụ Công tác đại biểu đề nghị trong trang Web của Ban Công tác đại biểu mở thêm trường để tiếp nhận các Nghị quyết thường xuyên được HĐND ban hành trong từng kỳ họp (các nghị quyết “mật” và hồ sơ đề nghị phê chuẩn chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố sẽ gửi bằng đường văn thư). Các báo cáo của HĐND để thuận lợi việc tra cứu thông tin khi cần thiết và các văn bản của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, văn bản của Ban Công tác đại biểu liên quan tới hoạt động của HĐND cũng được thông qua phần mềm này đảm bảo thời gian đến địa phương được nhanh nhất và để giảm tải cho việc gửi hồ sơ giấy về trên này và cũng giảm tải việc lưu trữ trên Ban Công tác đại biểu.

Phó Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu Dương Thị Tình Thương nêu quan điểm: Cần có sự liên kết của Hội đồng Dân tộc, các Ủy Ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong phối hợp, sử dụng kết quả giám sát của địa phương khi có nội dung phù hợp với nội dung, chương trình giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban, trong đó giao Ban Công tác đại biểu chủ trì, phối hợp. Mặt khác, cần bổ sung vào quy chế hoạt động của ủy ban Thường vụ Quốc hội nội dung: Giao Ban Công tác đại biểu phối hợp với Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND các khu vực trên toàn quốc (6 tháng một lần), tổng hợp các ý kiến kiến nghị, các đề xuất của Hội nghị báo cáo gửi Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Ngoài ra, để nâng cao chất lượng và giữ mối liên hệ giữa Ủỷ ban Thường vụ Quốc hội với Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố, đề nghị giao Ban Công tác đại biểu cũng tiếp tục tổ chức việc mời Thường trực Hội đồng nhân dân về tham dự các kỳ họp của Quốc hội và mở rộng thêm thành phần tham dự là Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện; tổng hợp lịch tổ chức kỳ họp Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố và báo cáo với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các đồng chí tham dự kỳ họp, cử cán bộ chuyên viên theo dõi sát hoạt động HĐND các tỉnh, thành phố./.

Bích Lan

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=54850