Các kỳ đại hội từ khi thành lập Đảng đến thống nhất đất nước
Hội nghị thành lập Tỉnh ủy lâm thời Sóc TrăngSau khi Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập ngày 3-2-1930, ở Sóc Trăng đã có các chi bộ Đảng đầu tiên. Đó là: Chi bộ Mỹ Quới (nay thuộc TX. Ngã Năm), Chi bộ Cù Lao Dung (nay thuộc huyện Cù Lao Dung), Chi bộ Trường Khánh (nay thuộc huyện Long Phú), Chi bộ Lạc Hòa (nay thuộc TX. Vĩnh Châu), Chi bộ An Lạc Thôn (nay thuộc huyện Kế Sách)... là những tổ chức cộng sản đầu tiên của Đảng bộ tỉnh. Đến cuối năm 1938, Sóc Trăng có 6 chi bộ Đảng.
Qua thực tiễn hoạt động cách mạng, các chi bộ từng bước trưởng thành về trình độ, năng lực lãnh đạo, phong trào đấu tranh của quần chúng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Trước yêu cầu cấp bách của cách mạng, đòi hỏi phải có tổ chức đảng cấp tỉnh để thống nhất lãnh đạo phong trào quần chúng. Vì vậy, cuối năm 1938, tại căn nhà lá nhỏ ở Sân banh cũ (nay là miếu Bà Hỏa, gần Trường Trung học phổ thông Hoàng Diệu, TP. Sóc Trăng), một cuộc họp quan trọng được tổ chức bí mật để thành lập Tỉnh ủy lâm thời Sóc Trăng. Đồng chí Nguyễn Thế Ngọc, đại diện Liên Tỉnh ủy Cần Thơ đến dự và chỉ đạo hội nghị. Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh được Liên Tỉnh ủy chỉ định gồm 5 đồng chí, đồng chí Dương Minh Quan làm Bí thư, đồng chí Phan Minh Gương làm Phó Bí thư.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ I
Họp vào tháng 2-1950, tại Trường Văn Chính, Kinh Xáng Cụt, xã Mỹ Phước, huyện Châu Thành (nay là huyện Mỹ Tú), đại hội đã thông qua báo cáo chính trị, đề ra phương hướng, nhiệm vụ, triển khai nghị quyết của cấp trên về “Tiếp tục cầm cự chuẩn bị tổng phản công”. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 16 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 6 đồng chí, đồng chí Huỳnh Văn Dương được bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Chiêu được bầu làm Phó Bí thư.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ II
Họp vào tháng 11-1951, tại đình Phương Phú, xã Phương Phú, huyện Châu Thành (nay thuộc huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang), đại hội tập trung thảo luận báo cáo chính trị, thông qua nghị quyết nhiệm kỳ II với các mặt công tác chính như: Không ngừng củng cố và mở rộng Mặt trận đoàn kết dân tộc; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao sức chiến đấu của các lực lượng vũ trang nhân dân, đẩy mạnh công tác ngụy địch vận; hoàn thành việc tạm cấp, tạm giao ruộng đất cho nông dân vào cuối năm 1952; tiếp tục đẩy mạnh phong trào chống giặc dốt, xây dựng đời sống mới.
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 19 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 6 đồng chí, đồng chí Ngô Tám được bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Văn Chiêu được bầu làm Phó Bí thư.
Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng lần thứ III
Họp từ ngày 6 đến ngày 8-11-1953, tại xóm Xẻo Chích, xã Hương Quới, huyện Châu Thành (nay là xã Vĩnh Quới, TX. Ngã Năm), đại hội tập trung bàn bạc, chỉ đạo thực hiện chiến dịch Đông - Xuân 1953 - 1954 của tỉnh. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 22 đồng chí, Ban Thường vụ gồm 7 đồng chí, đồng chí Ngô Tám tiếp tục được bầu làm Bí thư, đồng chí Phan Đức làm Phó Bí thư.
Suốt trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, do hoàn cảnh lịch sử, Đảng bộ tỉnh không tiến hành đại hội, chỉ tổ chức các cuộc hội nghị kiểm điểm đánh giá tình hình, đề ra chủ trương, triển khai các nghị quyết, cấp trên chỉ định, điều động, bổ sung Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tháng 2-1976, tỉnh Sóc Trăng hợp nhất với Cần Thơ thành tỉnh Hậu Giang.