Các làng nghề vào vụ Tết

Không khí làm việc bận rộn ngày cuối năm tại một cơ sở chiếu cói thuộc làng nghề dệt chiếu Phú Tân, huyện Tuy An. Ảnh: NGÔ XUÂN

Những ngày cuối năm, các làng nghề sản xuất hàng phục vụ Tết như nước mắm truyền thống, bánh tráng, chiếu cói, chổi, các loại hải sản khô ăn liền… luôn trong tình trạng tất bật chuẩn bị hàng hóa phục vụ người tiêu dùng. So với mọi năm, năm nay giá nguyên liệu tăng cao, thời tiết bất lợi nên các cơ sở sản xuất gặp không ít khó khăn.

Hàng Tết đi muôn nơi

Những ngày cuối năm, không khí tại các làng nghề đan đát Vinh Ba (huyện Tây Hòa), bó chổi Mỹ Thành (huyện Phú Hòa), dệt chiếu Phú Tân (huyện Tuy An) luôn tất bật. Đối với người dân các làng nghề, đây là dịp tiêu thụ hàng hóa lớn nhất trong năm nên các cơ sở đã chuẩn bị nguyên liệu, lực lượng sản xuất từ nhiều tháng nay. Tại làng nghề bó chổi Mỹ Thành những ngày cuối năm, không khí vui tươi, nhộn nhịp hơn nhờ những xe hàng đến lấy chổi đưa đi muôn nơi. Chổi Mỹ Thành không chỉ tiêu thụ trong tỉnh, mà còn bỏ sỉ cho các đại lý ở các tỉnh Tây Ninh, Bình Thuận, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Bình Định…

Bà Nguyễn Thị Ngà, chủ một cơ sở bó chổi ở Mỹ Thành, cho biết: Cuối năm, cơ sở của tôi tăng thêm 5 lao động; mỗi ngày làm được từ 500-700 cây chổi; thêm với lượng hàng dự trữ từ đầu năm cũng được vài chục ngàn cây. Hiện giá chổi từ 25.000-35.000 đồng/cây, tăng từ 3.000-5.000 đồng/cây so với ngày thường. Hiện các hộ dân làng nghề đều đã tổ chức tăng ca để đảm bảo nguồn hàng cung cấp cho thị trường.

Tại các làng nghề nước mắm Gành Đỏ (TX Sông Cầu), An Chấn (huyện Tuy An), Long Thủy (TP Tuy Hòa), Hòa Hiệp Trung (huyện Đông Hòa), việc dự trữ nguồn hàng Tết đã được các cơ sở chuẩn bị ngay từ đầu năm. Những tháng cuối năm, các cơ sở tăng cường lực lượng đóng chai, đóng thùng và chuẩn bị thêm những mẫu chai mới, những túi giấy, thùng carton để khách hàng mua làm quà tặng, biếu. Năm nay, lượng cá biển nhiều nên các cơ sở đều chuẩn bị nguồn hàng khá dồi dào.

Ông Phan Văn Khải, chủ cơ sở chế biến nước mắm Tân Lập, làng nghề nước mắm Gành Đỏ, TX Sông Cầu, bày tỏ: Mùa Tết, cơ sở cung cấp ra thị trường hơn 70.000 lít nước mắm các loại. Trong đó, tiêu thụ mạnh nhất là các loại mắm cao cấp, với giá từ 100.000-150.000 đồng/lít. Năm nay, giá cá cơm tăng nhẹ nhưng các cơ sở vẫn giữ mức giá ổn định; riêng dòng nước mắm nhỉ đặc biệt, giá tăng khoảng 10-20%. Để phục vụ khách hàng mùa Tết, bên cạnh lượng mắm bán tại chỗ cho xe khách, xe tải đường xa, cơ sở chủ động bố trí xe hàng giao mắm cho khách và liên tục bổ sung hàng cho các siêu thị, các cửa hàng Việt, cửa hàng tiện lợi trong và ngoài tỉnh.

Người dân làng nghề bó chổi Mỹ Thành (huyện Phú Hòa) tất bật chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: NGÔ XUÂN

Người dân làng nghề bó chổi Mỹ Thành (huyện Phú Hòa) tất bật chuẩn bị hàng Tết. Ảnh: NGÔ XUÂN

Phát huy hết công suất, giá tăng

Tại các làng nghề bánh tráng Hòa Đa (huyện Tuy An), làng nghề bánh tráng Đông Bình (huyện Phú Hòa), làng nghề bánh tráng Long Bình (huyện Đồng Xuân), gần 500 hộ làm nghề tráng bánh ngày đêm “đỏ lửa” để phục vụ cho mùa Tết. Tuy nhiên, những ngày cuối năm, trời ít nắng, lại thêm gió lớn đã gây nhiều bất lợi cho các cơ sở làm nghề. Các cơ sở phải tận dụng tối đa lò sấy để kết hợp phơi sấy bánh.

Ông Nguyễn Hai, chủ một cơ sở bánh tráng ở làng nghề bánh tráng Hòa Đa, huyện Tuy An, bày tỏ: Những năm trước, việc tráng bánh hoàn toàn bằng thủ công nên sản lượng khá hạn chế, lại phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Năm nay, cùng với việc đầu tư máy tráng bánh, cơ sở của tôi còn đầu tư máy sấy bánh công suất lớn nên sản lượng bánh làm được tăng gấp 5-6 lần so với trước đây. Tuy nhiên, do sử dụng máy sấy nhiều nên giá thành bánh cũng tăng đáng kể. Hiện nay, bánh tráng tráng tay giá 120.000-130.000 đồng/100 bánh; đến thời điểm cận Tết có thể tăng lên 170.000-180.000 đồng/100 bánh; bánh tráng máy có giá 90.000-120.000 đồng/100 bánh. Do thời tiết bất lợi, sản lượng bánh tráng thủ công khá hạn chế nên những khách hàng muốn ăn dòng bánh này phải đặt trước gần nửa tháng mới có bánh ăn Tết.

Tại làng nghề dệt chiếu Phú Tân, huyện Tuy An, các cơ sở dệt chiếu cũng nhộn nhịp chuẩn bị nguồn hàng từ nhiều tháng nay. Chị Nguyễn Thị Phương, chủ một cơ sở dệt chiếu tại làng nghề này, cho biết: Từ tháng 11 âm lịch là cơ sở bắt đầu “đi” hàng Tết. Thời điểm này trở đi, cơ sở phải phát huy hết công suất máy móc, nhân lực. Chúng tôi tổ chức tăng ca, làm việc từ 3-4 giờ sáng đến tận khuya cho kịp hàng Tết. Vụ Tết này, cơ sở cung cấp cho thị trường vài vạn chiếu cói đủ kích cỡ, chủng loại. Cuối năm, việc nhiều, thu nhập tăng cao nên người lao động rất phấn khởi và làm việc không biết mệt mỏi.

Tại các cơ sở chế biến cá cơm, hải sản khô ở TX Sông Cầu, huyện Tuy An, TP Tuy Hòa lúc nào cũng nhộn nhịp hàng đến, hàng đi. Đây là nơi cung ứng cho thị trường Tết nhiều loại hải sản chế biến như cá cơm cay chiên giòn, mực khô, cá đét, cái mai tẩm, tôm chua… Năm nay, giá nguyên liệu đầu vào tăng nên giá thành phẩm cũng tăng khoảng 20-40% so với ngày thường.

Bà Nguyễn Thị Mười, chủ một cơ sở làm tôm chua tại xã An Cư, huyện Tuy An, cho biết: Năm nay, giá tôm đất tăng mạnh. Nếu như những năm trước, tôm đất dịp cuối năm chỉ từ 130.000-140.000 đồng/kg thì năm nay đã lên gần 200.000 đồng/kg nhưng vẫn không có đủ nguyên liệu để làm. Do vậy, năm nay tôi chỉ nhận làm số lượng rất hạn chế; chủ yếu ưu tiên cho các đại lý và khách quen đặt trước.

NGÔ XUÂN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/233547/cac-lang-nghe-vao-vu-tet.html