Các lãnh đạo Dân chủ tại Quốc hội ủng hộ bà Kamala Harris tranh cử tổng thống Mỹ
* Giám đốc Mật vụ Mỹ từ chức vì không ngăn được vụ mưu sát ông Donald Trump
Ngày 23/7, các nhân vật hàng đầu của Đảng Dân chủ tại Quốc hội Mỹ gồm Thượng nghị sĩ Chuck Schumer - lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện và Hạ nghị sĩ Hakeem Jeffries - lãnh đạo nhóm thiểu số tại hạ viện đã tuyên bố ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng này trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Washington D.C., ông Schumer và ông Jeffries đã đưa ra tuyên bố chính thức trong cuộc họp báo gần tòa nhà Quốc hội Mỹ. Theo đó, ông Schumer nhấn mạnh: “Hôm nay là ngày trọng đại cho Đảng Dân chủ và đất nước. Chúng tôi có mặt ở đây để tuyên bố ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris”.
Về phần mình, ông Jeffries ca ngợi bà Harris đã “sẵn sàng, quyết tâm và đủ khả năng lãnh đạo chúng ta đi tới tương lai” và sẽ “đấu tranh” cho cử tri khắp đất nước.
Sau khi Tổng thống Joe Biden hôm 20/7 quyết định rút khỏi chiến dịch tranh cử và ủng hộ bà Harris thay thế ông tiếp tục tranh cử tổng thống, Đảng Dân chủ đã nhanh chóng tập hợp phía sau chiến dịch tranh cử của bà Harris nhằm trao cho bà đủ số đại biểu để trở thành người đại diện đảng tranh cử tổng thống năm nay.
Tính tới ngày 23/7, đã có hàng chục thượng nghị sĩ Đảng Dân chủ tuyên bố ủng hộ chiến dịch tranh cử của bà Harris. Ngoài ra, bà còn được nhiều nhân vật quan trọng của đảng này ủng hộ, như cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, cựu Tổng thống Bill Clinton, cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton và Hạ nghị sĩ James Clyburn.
Chỉ trong 48 giờ sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút lui, số tiền đóng góp vào quỹ tranh cử của bà Harris đã tăng vọt. Ban vận động tranh cử của bà thông báo báo đã nhận được hơn 100 triệu USD của 1,1 triệu người ủng hộ từ trưa 20/7 tới tối 22/7.
Cũng trong ngày 23/7, bà Harris đã tới Milwaukee, bang Wisconsin, để tiến hành buổi vận động tranh cử tổng thống đầu tiên của mình. Đây là cơ hội để bà Harris thiết lập lại chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ, cũng như chứng minh bà có khả năng đánh bại ứng cử viên của đảng Cộng hòa là cựu Tổng thống Donald Trump.
Wisconsin là một trong những bang chiến địa quan trọng nằm trên khu vực được gọi là “Vành đai Rỉ sét." Kết quả tại những bang chiến địa ở khu vực này được cho có thể quyết định thành bại của các ứng cử viên trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Trong khi đó, theo kết quả thăm dò của Reuters/Ipsos công bố ngày 23/7, Phó Tổng thống Kamala Harris đang dẫn trước ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa với tỉ lệ 44%-42% trong cuộc đua giành chức Tổng thống Mỹ.
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn kết quả cuộc thăm dò được tiến hành trên toàn quốc vào ngày 22-23/7, với chênh lệch trong phạm vi sai số 3%, cho thấy bà Harris đã nới rộng khoảng cách và dẫn trước 2 điểm phần trăm so với ông Trump sau khi Tổng thống Joe Biden kết thúc chiến dịch tái tranh cử và trao lại ngọn đuốc cho bà.
Bà Harris và ông Trump hòa nhau ở mức 44% trong cuộc thăm dò tương tự tiến hành từ ngày 15-16/7 và Trump dẫn trước 1 điểm phần trăm trong cuộc thăm dò ngày 1-2/7, cả hai cuộc thăm dò này đều nằm trong cùng một biên độ sai số.
Trong khi các cuộc khảo sát trên toàn quốc đưa ra những tín hiệu quan trọng về sự ủng hộ của người Mỹ đối với các ứng cử viên chính trị, thì chỉ một số ít các tiểu bang cạnh tranh thường làm thay đổi cán cân trong Đại cử tri đoàn, nơi cuối cùng quyết định ai sẽ thắng cử Tổng thống Mỹ.
Cuộc thăm dò gần đây nhất cho thấy 56% cử tri đã đăng ký đồng ý với nhận định rằng bà Harris, 59 tuổi, "có đầu óc minh mẫn và có khả năng đối phó với các thách thức," so với 49% nói như vậy về ông Trump, 78 tuổi. Chỉ có 22% cử tri đánh giá đương kim Tổng thống Biden, 81 tuổi, đang hội đủ các phẩm chất này.
Trong diễn biến khác, ngày 23/7, truyền thông Mỹ đưa tin Giám đốc Cơ quan Mật vụ Mỹ Kimberly Cheatle đã từ chức, một ngày sau khi bà thừa nhận rằng cơ quan này đã thất bại khi không ngăn chặn được vụ mưu sát cựu Tổng thống Donald Trump.
Bà Cheatle phải đối mặt với sức ép của lưỡng đảng Mỹ kêu gọi bà từ chức, sau khi một tay súng 20 tuổi làm bị thương ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa tại cuộc vận động tranh cử ở Pennsylvania hôm 13/7.
Hôm 22/7, điều trần tại Ủy ban giám sát của Hạ viện Mỹ, bà Cheatle nói rằng việc không ngăn chặn được vụ mưu sát nhằm vào ông Trump tại sự kiện vận động tranh cử ngày 13/7 vừa qua "là thất bại đáng kể nhất" trong hoạt động của Cơ quan Mật vụ Mỹ trong nhiều thập kỷ qua.
Nhiều nghị sĩ Đảng Cộng hòa và một số nghị sĩ Đảng Dân chủ đã kêu gọi bà Cheatle từ chức. Tuy nhiên, khi đó bà Cheatle đã bác bỏ kêu gọi từ chức, nhấn mạnh bà "là người phù hợp nhất để lãnh đạo Cơ quan Mật vụ vào thời điểm này".
H.N (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)