Các lệnh trừng phạt của EU sẽ có ảnh hưởng gì đối với Belarus?
Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu gọi vụ Belarus ép hạ cánh đối với một máy bay chở khách của Ryanair và vụ bắt giữ một blogger đối lập sau đó là 'không tặc', một 'cuộc tấn công vào nền dân chủ' và một 'vụ bê bối quốc tế'.
Chiếc máy bay của Ryanair bị buộc chuyển hướng và hạ cánh xuống Minsk. Ảnh: DPA
Bài liên quan
Tổng thống Belarus cáo buộc nhà báo bị bắt âm mưu đảo chính, thế lực thù địch ‘vượt lằn ranh đỏ’
Các hãng hàng không quốc tế định lại tuyến bay, tránh không phận Belarus
EU cấm bay đối với hãng hàng không Belarus sau ‘sự cố Ryanair’
Belarus cấm các nhà báo tường thuật trực tiếp tại các cuộc biểu tình
Sau khi nhà chức trách Belarus bắt Raman Pratasevich và bạn gái của mình, Sofia Sapega, bị giam giữ, EU đã nhanh chóng áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với Belarus. Các biện pháp hôm thứ Hai (24/5) bao gồm lệnh cấm các hãng hàng không Belarus sử dụng không phận hoặc sân bay của EU.
Trước khi bị bắt, Raman Pratasevich, một nhà phê bình đối với chính phủ Belarus, đi từ Hy Lạp đến Lithuania. Trong một video do Đài truyền hình nhà nước, Pratavesich thừa nhận vai trò của mình trong các cuộc biểu tình chống chính phủ gần đây.
Tuy nhiên, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo EU vào tối thứ Hai (24/5) tại Brussels đã phản đối hành động của Belarus, đồng thời kêu gọi trả tự do ngay lập tức cho Pratasevich và bạn gái của anh này.
"Ông Lukashenko và chế độ của ông ấy phải hiểu rằng điều này sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng", Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói.
Nhưng hậu quả là gì và chúng kéo theo những hệ quả gì?
Hạn chế về không phận
Sau "sự cố Ryanair" - Belarus chặn một chuyến bay giữa hai quốc gia thuộc EU - khối 27 quốc gia quyết định tấn công đáp trả. Khối này đã cấm các hãng hàng không của Belarus đi qua không phận và sân bay của mình, cũng như kêu gọi các hãng hàng không có trụ sở tại EU tránh bay trong không phận Belarus.
Các hãng hàng không như Lufthansa, KLM Royal Dutch Airlines và Scandinavian Airlines là một trong những công ty hàng không đã bắt đầu làm việc này.
Theo Dzianis Melyantsou, thành viên Hội đồng Đối thoại Minsk về Quan hệ Quốc tế, một động thái như vậy chủ yếu mang tính biểu tượng và không có bất kỳ ảnh hưởng thực sự nào đến chính trị của ông Lukashenko.
Ông nói rằng biện pháp này thực sự có thể khiến Belarus phụ thuộc nhiều hơn vào Nga vì các hạn chế có thể khiến hãng hàng không quốc gia của nước này phá sản và sau đó có thể bị Nga mua lại.
Ông nói rằng: “Những hạn chế cô lập người dân Belarus có thể khiến người Belarus chống lại EU. Đó là lý do tại sao những quyết định vội vàng này sẽ không có bất kỳ tác dụng nào".
Điều tra về việc ép buộc chuyển hướng máy bay
Các nhà lãnh đạo EU kêu gọi Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) điều tra vụ máy bay chuyển hướng. ICAO là một cơ quan chuyên môn của Liên hợp quốc có thể ban hành các tiêu chuẩn và khuyến nghị, nhưng không có bất kỳ quyền lực quản lý nào.
Xử phạt cá nhân và doanh nghiệp
Kể từ tháng 10 năm 2020, EU đã dần hạn chế ngày càng nhiều nhân vật chính trị quan trọng, bao gồm cả Tổng thống Alexander Lukashenko, bằng các biện pháp như cấm đi lại và đóng băng tài sản.
Với việc bắt giữ Pratasevich, khối này đã quyết định bổ sung nhiều mục tiêu hơn nữa vào danh sách trừng phạt hiện gồm 88 cá nhân và 7 tổ chức.
“Sẽ có các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với các cá nhân liên quan đến vụ không tặc, nhưng lần này các lệnh trừng phạt cũng nhắm vào các doanh nghiệp và tổ chức kinh tế đang tài trợ cho chính quyền Belarus", bà von der Leyen nói.
Theo ông Pavel Usov, Giám đốc Trung tâm Phân tích và Tiên lượng Chính trị ở Warsaw, những biện pháp này là cần thiết để báo hiệu cho ông Lukashenko rằng ông không thể đối xử với công dân của mình theo bất kỳ cách nào mình muốn. Nhưng trên thực tế, chúng không ảnh hưởng nhiều đến ông.
Ông Usov nói: "Trên thực tế, các lệnh trừng phạt hay các thỏa thuận quốc tế không thể ngăn cản ông Lukashenko. Chúng sẽ không nhất thiết dẫn đến sự thay đổi nhanh chóng trong nước, nhưng những biện pháp này là bắt buộc".
Đóng băng gói kinh tế hàng tỷ euro
Bà Von der Leyen cũng thông báo rằng EU đã sẵn sàng một gói đầu tư trị giá 3 tỷ euro cho Belarus và hiện sẽ đóng băng cho đến khi quốc gia này "chuyển sang chế độ dân chủ".