Các lệnh trừng phạt của phương Tây gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế Nga
Một báo cáo dài 118 trang của các chuyên gia kinh doanh và nhà kinh tế từ Đại học Yale của Mỹ, được công bố vào cuối tháng 7, cho thấy nền kinh tế Nga đã bị tổn hại nặng nề bởi các lệnh trừng phạt, cũng như việc Nga bị loại khỏi hoạt động kinh doanh quốc tế kể từ khi diễn ra cuộc xung đột tại Ukraine.
Theo báo cáo trên, mặc dù Moskva đã có thể thu về hàng tỷ USD từ việc bán năng lượng với giá cao, nhưng các dữ liệu chưa được công bố cho thấy nhiều hoạt động kinh tế trong nước của Nga đã bị đình trệ kể từ khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine ngày 24/2.
Báo cáo cho biết: “Những phát hiện trong phân tích kinh tế toàn diện của chúng tôi về Nga là rất mạnh mẽ và không thể chối cãi: nền kinh tế Nga đã bị tê liệt hoàn toàn ở mọi cấp độ”.
Các chuyên gia kinh doanh và nhà kinh tế Đại học Yale khẳng định: “Sản xuất nội địa của Nga đã đi vào bế tắc hoàn toàn không có khả năng thay thế các doanh nghiệp, sản phẩm và nhân tài đã mất”.
Báo cáo được Jeffrey Sonnenfeld, Chủ tịch Viện Lãnh đạo Giám đốc Điều hành Yale (CELI) và các thành viên khác của viện thực hiện, phối hợp với các nhà kinh tế và các chuyên gia quản lý kinh doanh. Báo cáo cũng dựa trên các dữ liệu chưa được công bố của các chuyên gia về nền kinh tế Nga, và các dữ liệu bằng các ngôn ngữ khác. Các chuyên gia khẳng định: "Nga phụ thuộc vào châu Âu nhiều hơn châu Âu phụ thuộc vào Nga". Theo họ, việc 83% lượng xuất khẩu năng lượng của Nga là bán cho châu Âu khiến nước này đứng trước mối đe dọa về trung hạn nhiều hơn các khách hàng của mình.
Nga đang giảm bớt tác động của các lệnh trừng phạt bằng cách thúc đẩy hoạt động buôn bán dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trị giá hàng tỷ USD trên toàn thế giới. Số tiền này giúp Moskva chống đỡ trước các lệnh trừng phạt. Dù vậy, nền kinh tế Nga vẫn đối mặt với tỷ lệ lạm phát cao cùng tình trạng thiếu hụt, gây ra sự sụt giảm lớn trong sản xuất. Theo ước tính của chính phủ và các nhà kinh tế, nền kinh tế Nga đang trên đà giảm hơn 10% trong năm nay, mức giảm lớn nhất kể từ năm 1991.