Các lĩnh vực vận tải nỗ lực vượt khó trước ảnh hưởng của dịch bệnh
Từ khi dịch Covid-19 bùng phát ở một số nước, ngành hàng không nước ta chịu thiệt hại lớn. Bên cạnh đó, nhiều lĩnh vực vận tải, như: Đường sắt, đường bộ, hàng hải cũng sụt giảm nghiêm trọng.
Tại cuộc họp về ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với ngành giao thông vận tải (GTVT) vào ngày 27-2, lãnh đạo Bộ GTVT yêu cầu các cơ quan, đơn vị không được lơ là trong phòng, chống dịch; đồng thời, khẩn trương có giải pháp để vượt qua khó khăn trước mắt.
Những kịch bản phục hồi cho ngành hàng không
Lĩnh vực vận tải hàng không chứng kiến sự sụt giảm nghiêm trọng về lượng hành khách, doanh thu do ảnh hưởng của dịch bệnh. Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế (ICAO) ước tính, doanh thu ngành hàng không toàn cầu giảm 4-5 tỷ USD do tổng công suất hành khách giảm khoảng 40% trong quý I-2020, tương ứng gần 20 triệu khách. Theo Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) Đinh Việt Thắng: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều là các thị trường lớn của HKVN. Đến nay, các hãng HKVN đã cắt toàn bộ chuyến bay đến Trung Quốc, giảm 25% số chuyến bay đến Đài Loan (Trung Quốc), số chuyến bay đến Hồng Công (Trung Quốc) giảm 69%. Các đường bay đến Nhật Bản vẫn giữ nguyên với tần suất 160 chuyến/tuần nhưng thời gian tới nhiều khả năng phải cắt giảm. Đối với các đường bay Việt Nam-Hàn Quốc, số chuyến bay đã giảm 47%. "Với diễn biến phức tạp của dịch bệnh, có thể tác động làm giảm doanh thu của các hãng HKVN khoảng 25.000 tỷ đồng", ông Đinh Việt Thắng cho biết.
Cục HKVN đưa ra đánh giá, dự báo thị trường vận chuyển hàng không năm 2020 với những kịch bản khả quan và kịch bản xấu. Theo đó, trong trường hợp khả quan nhất, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4-2020, tổng thị trường HKVN sẽ đạt 67 triệu khách (giảm 15,4% so với năm 2019). Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế (giảm 28,3%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% so với cùng kỳ năm 2019). Trong trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6-2020, có tính đến việc phải hủy toàn bộ các chuyến bay đi, đến Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 62,1 triệu khách (giảm 22,6% so với năm 2019). Các hãng HKVN vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế (giảm 41,2%) và 35,3 triệu khách nội địa (giảm 5,5%), tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách (giảm 17% so với cùng kỳ).
Không chỉ có lĩnh vực hàng không, các loại hình vận tải khác, như: Đường sắt, đường bộ, hàng hải đều bị tác động tiêu cực do dịch bệnh. Ví như, vận tải đường sắt trong tháng 2-2020 giảm 45% lượng khách so với tháng 1-2020 và giảm 47,4% so với cùng kỳ năm 2019. Mặc dù lượng vận tải đường sắt giữa Việt Nam với Trung Quốc không lớn nhưng đường sắt nội địa ảnh hưởng nghiêm trọng vì nhu cầu đi lại của người dân giảm. Vận tải đường bộ, về hàng hóa giảm 6,4%, hành khách giảm 16,3% so với tháng 1-2020. Với lĩnh vực hàng hải, theo Cục Hàng hải Việt Nam, hoạt động xuất nhập khẩu đã giảm do nhu cầu của thị trường lớn hiện nay như Trung Quốc sụt giảm, vận chuyển hàng hóa trên đường biển hay hoạt động của các doanh nghiệp, kinh doanh cảng, kho bãi cũng bị ảnh hưởng.
Kiến nghị nhiều giải pháp hỗ trợ
Để giúp các đơn vị của ngành hàng không vượt qua khó khăn trước mắt, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục HKVN cho rằng: Việc áp dụng các chính sách hỗ trợ giảm giá dịch vụ hàng không cho các chuyến bay nội địa và miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay sẽ giúp các hãng hàng không bớt được chi phí, tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cụ thể, Cục HKVN kiến nghị cho phép áp dụng chính sách giảm 50% giá cất cánh, hạ cánh máy bay và giá dịch vụ điều hành bay đối với các chuyến bay nội địa trong thời gian từ 1-3 đến 31-5-2020; cho phép áp dụng mức giá tối thiểu 0 đồng đối với các dịch vụ chuyên ngành hàng không thuộc danh mục Nhà nước quy định khung giá; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ giảm giá cho các hãng hàng không và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ khác… Cục HKVN cũng kiến nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ xem xét việc miễn, giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay; giãn một số khoản đóng góp ngân sách; xem xét nới lỏng chính sách visa để kích cầu du lịch... Bên cạnh đó, các đơn vị trong chuỗi cung ứng dịch vụ của ngành hàng không cũng đã ngồi lại để cùng chia sẻ khó khăn. Lãnh đạo Cục HKVN đánh giá, càng trong khó khăn, các đơn vị càng phải đoàn kết để tìm giải pháp giúp đỡ nhau, nuôi dưỡng nguồn thu.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh, không được phép chủ quan trong bất cứ thời điểm nào, các giải pháp phòng, chống dịch bệnh phải được triển khai thường xuyên liên tục, kịp thời. Các đơn vị của ngành GTVT cần có giải pháp cách ly, kiểm soát không để lây bệnh, đồng thời bảo đảm hàng hóa được lưu thông. Đối với những lĩnh vực đang chịu thiệt hại lớn như hàng không, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể gợi ý có thể mở thêm các tuyến quốc tế mới, ví như các đường bay đến Ấn Độ, thị trường hàng không với 1,3 tỷ dân. Bên cạnh đó, cần tăng khai thác các đường bay nội địa, nhất là tại những sân bay chưa quá tải như Cần Thơ. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng đề nghị các hãng hàng không đẩy mạnh tái cơ cấu cấu đội máy bay, thanh lý máy bay cũ, kéo dài thời gian nhận máy bay mới với các hợp đồng đã ký, đàm phán giảm giá thuê và dừng hợp đồng thuê máy bay... Đối với những kiến nghị liên quan đến miễn, giảm thuế, giảm giá dịch vụ, lãnh đạo Bộ GTVT cho rằng, đây là vấn đề có thể ảnh hưởng đến thu ngân sách nhà nước, do vậy, cần xem xét kỹ lưỡng, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Chính phủ, Quốc hội quyết định.