Các lớp an ninh bảo vệ lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin
Để đảm bảo an ninh cho lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin, lực lượng cận vệ sử dụng cả người đóng thế. Khu biệt thự của ông ở ngoại ô Matxcơva được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt. Lực lượng tình báo đã góp phần chặn đứng các vụ mưu sát J.Stalin...
Sử dụng toa tàu hỏa bọc thép
Từ năm 1924, Karl Pauker (31 tuổi), người của Ủy ban Đặc biệt toàn Nga (Cheka), được giao nhiệm vụ đảm bảo an ninh cho J.Stalin khi ông trở thành nhà lãnh đạo mới của Liên Xô. Còn cận vệ của J.Stalin là Ivan Yusis.
Ngày 7-11-1927, khi được tham gia bảo vệ lễ duyệt binh kỷ niệm 10 năm Cách mạng Tháng Mười tại Quảng trường Đỏ, Yakov Okhotnikov, học viên của Học viện Quân sự Frunze đã lên lễ đài xông vào tấn công J.Stalin. I.Yusis ngăn chặn được cú đấm thứ 2 của Yakov nhằm vào lãnh tụ và bắt giữ đối tượng.
Sau sự cố này, việc bảo vệ ông J.Stalin tại các sự kiện diễn ra trên Quảng trường Đỏ được tăng cường. Súng trung liên được đặt ở các lối lên lễ đài của Lăng Lenin, còn các xạ thủ bắn tỉa được bố trí trên nóc những tòa nhà xung quanh. Khi đi thăm các địa phương, nhà lãnh đạo Liên Xô sử dụng toa tàu hỏa hay khoang tàu thủy bọc thép. Thời điểm khởi hành và loại phương tiện di chuyển được giữ kín nghiêm ngặt.
Năm 1931, Nikolai Vlasik, một nhân viên Cheka thay thế I.Yusis qua đời vì đau tim làm cận vệ chính của J.Stalin. Để đảm bảo an toàn, mỗi khi di chuyển, N.Vlasik triển khai hàng loạt xe ô tô giống nhau (đôi khi lên tới 15 chiếc) rời khỏi Điện Kremlin cùng với xe của ông J.Stalin, sau đó đi theo nhiều hướng khác nhau. Từ năm 1932, xe của lãnh tụ Liên Xô được 2 ô tô chở theo 4 cận vệ đi hộ tống. N.Vlasik còn cho lập hồ sơ về từng cư dân của các ngôi nhà nằm trên các tuyến đường nhà lãnh đạo thường đi qua. Những người bị coi là không đáng tin cậy đều phải chuyển đi nơi khác. N.Vlasik đã sử dụng cả người đóng thế. Người cải trang thành J.Stalin có thể xuất hiện tại một số sự kiện cần sự hiện diện của ông...
Vào năm 1931, N.Vlasik đã lấy thân mình đỡ đạn cho J.Stalin khi ông đang đi trên ca nô gần thành phố Gagra. Rất may, cả ông J.Stalin và N.Vlasik đều không hề hấn gì. Viên sĩ quan biên phòng ra lệnh bắn vào đoàn công tác của ông Stalin dù được cho là không biết thông tin về chuyến đi đã bị kết án 5 năm tù, sau đó bị xử bắn. N.Vlasik tin rằng đây là vụ mưu sát.
Được 24 máy bay chiến đấu bảo vệ
Vào năm 1933, N.Vlasik và 8 nhân viên (sau đó là 12 người) trực tiếp bảo vệ J.Stalin khi ông chuyển về sống tại khu biệt thự Blizhnyaya Dacha ở làng Volynskoye gần Matxcơva. Ngoài ra, còn khoảng 200 người bảo vệ bên ngoài khu biệt thự. Năm 1936, để bảo vệ J.Stalin cùng các quan chức Chính phủ, trung đoàn đặc biệt của Bộ Dân ủy Nội vụ Liên Xô với 1.200 quân tiến hành tuần tra trong Điện Kremlin.
Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, lực lượng tình báo cũng góp phần chặn đứng các vụ mưu sát lãnh tụ J.Stalin của điệp viên Đức Quốc xã trên lãnh thổ Liên Xô. Trong thời gian diễn ra các Hội nghị Tehran, Yalta và Potsdam, đội ngũ nhân viên an ninh tham gia bảo vệ nhà lãnh đạo Liên Xô tăng lên đến vài nghìn người. Khi bay đến Tehran trên chiếc Douglas C-47 Skytrain, có 24 máy bay chiến đấu đảm bảo an toàn cho ông J.Stalin trên không. Khi ông ở trong thành phố, lực lượng quân đội và đặc nhiệm đã thiết lập 3 vòng bảo vệ…
Ông J.Stalin sống những năm cuối đời tại khu biệt thự Blizhnyaya Dacha. Khi đó, cảnh sát thường xuyên tuần tra trên con đường dẫn vào khu vực này. Các khu rừng xung quanh được rào dây thép gai và được canh gác. Hàng rào gần tòa nhà J.Stalin sống được trang bị hệ thống cảm biến cho phép xác định đối tượng xâm nhập. Vùng không phận phía trên khu biệt thự bị đóng cửa đối với các chuyến bay. Hệ thống phòng không ở đây sẵn sàng đáp trả khi bị tấn công bất ngờ. Nếu cần thiết, ông có thể trú ẩn trong căn hầm có diện tích 12m2, nằm sâu 17m dưới lòng đất…
J.Stalin bị đột quỵ vào ngày 1-3-1953 và qua đời 4 ngày sau đó.