Các luật tháo gỡ khó khăn trong quản lý thuốc, cải cách thủ tục hành chính hoạt động khám chữa bệnh
Thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thuốc, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng
Chiều 25/12, tại trụ sở Chính phủ đã diễn ra Hội nghị quán triệt, triển khai thi hành các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Hội nghị do Chính phủ, UBTVQH, các cơ quan liên quan tổ chức, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.
Tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Lê Thành Long đã trình bày báo cáo tóm tắt của Chính phủ về tình hình tổ chức triển khai thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), Quốc hội đã hoàn thành khối lượng nhiệm vụ lập pháp lớn nhất từ đầu nhiệm kỳ đến nay, với việc thông qua 18 luật, 4 nghị quyết quy phạm pháp luật, cho ý kiến lần đầu về 10 dự án luật và xem xét nhiều báo cáo quan trọng khác, đa số là do Chính phủ trình.
Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật vừa bảo đảm yêu cầu quản lý nhà nước, vừa khuyến khích sáng tạo, kịp thời tháo gỡ ngay những khó khăn, điểm nghẽn, thúc đẩy tăng trưởng, giải phóng sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực để phát triển. Đồng thời, tăng cường phân cấp, phân quyền; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, điều kiện đầu tư sản xuất, kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, Chính phủ đã trình Quốc hội kịp thời xây dựng hành lang pháp lý cho những vấn đề, xu hướng mới như quản lý, sử dụng dữ liệu, phát triển công nghiệp công nghệ số, điện hạt nhân và điện gió ngoài khơi... tạo khuôn khổ pháp lý, hướng tới thực hiện thành công cuộc cách mạng về chuyển đổi số, phát triển KT-XH (Luật Điện lực, Luật Dữ liệu...)
Chính phủ đã trình Quốc hội ban hành các đạo luật về quốc phòng và an ninh quốc gia, bảo đảm cơ sở pháp lý đầy đủ để làm tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh…; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tội phạm, tham nhũng, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội (Luật Phòng, chống mua bán người; Luật Phòng không nhân dân..); ban hành các đạo luật nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động quản lý thuốc, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân (Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT).
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, nội dung các luật, nghị quyết bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật, bảo đảm yêu cầu pháp luật được thực hiện công bằng, nghiêm minh, nhất quán, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, không tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm, lợi ích cục bộ, khơi thông mọi nguồn lực để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Sửa đổi các luật liên quan đến tên, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ thay đổi sau sắp xếp
Sau khi các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ 8, các bộ đã chủ động rà soát, lập Danh mục văn bản quy định chi tiết để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành (Quyết định số 1610/QĐ-TTg ngày 19/12/2024). Theo đó, để quy định chi tiết các luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải ban hành 130 văn bản. Trong đó, có một số luật phải ban hành nhiều văn bản quy định chi tiết như Luật Điện lực (29 văn bản), Luật sửa 9 Luật trong lĩnh vực tài chính (15 văn bản), Luật Di sản văn hóa (16 văn bản)…
Đến nay, theo báo cáo của Bộ Tư pháp, một số bộ đã chủ động soạn thảo và có văn bản gửi Bộ Tư pháp thẩm định nhằm bảo đảm tiến độ, thời hạn trình ban hành văn bản quy định chi tiết.
Về các nhiệm vụ trong thời gian tới, báo cáo của Chính phủ nêu rõ, quán triệt quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn về đổi mới công tác xây dựng pháp luật, nhất là quan điểm đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, đặt mục tiêu xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật là bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức; thúc đẩy phát triển KT-XH nhằm góp phần xây dựng xã hội tiến bộ, hài hòa, phát triển.
Khẩn trương gửi kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cần sửa đổi, bổ sung liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy để Bộ Tư pháp tổng hợp, báo cáo Chính phủ; trong đó, đối với việc sửa đổi các luật liên quan đến tên, nhiệm vụ của các bộ, cơ quan sẽ thay đổi sau sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy thì sẽ xem xét, báo cáo Chính phủ để đề nghị UBTVQH cho ý kiến về nội dung, đồng thời với việc quyết định bổ sung vào Chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9.
Về công tác triển khai thi hành các luật, các bộ sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền kế hoạch triển khai thi hành các luật, nghị quyết. UBND cấp tỉnh chủ động ban hành Kế hoạch triển khai các luật, nghị quyết trên địa bàn; tập trung rà soát, nghiên cứu, chuẩn bị điều kiện cần thiết và tổ chức thực hiện các thẩm quyền, nhiệm vụ được giao, nhất là những thẩm quyền, nhiệm vụ mới được bổ sung trong các luật, nghị quyết của Quốc hội…