Các Mác - nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động

Cách đây 207 năm, ngày 5/5/1818, Các Mác (Karl Marx) - nhà tư tưởng vĩ đại của nhân loại, người thầy thiên tài của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế chào đời. Cuộc đời và sự nghiệp của Mác đã hòa hợp một cách hữu cơ những đặc điểm của một nhà bác học vĩ đại, một nhà nghiên cứu không biết mệt mỏi, một người phát hiện đầu tiên những chân lý khoa học, một nhà chính luận cách mạng nồng nhiệt, một nhà chiến lược và sách lược vô sản sáng suốt, một nhà lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng quần chúng vô sản.

Tư tưởng Các Mác mãi mãi sáng ngời. Ảnh: T.L

Tư tưởng Các Mác mãi mãi sáng ngời. Ảnh: T.L

Ngay khi còn là học sinh trung học, trong luận văn tốt nghiệp về “Suy nghĩ của một thanh niên khi chọn nghề”, Các Mác đã viết: “Lịch sử gọi những con người tự làm cho mình trở nên cao quý bằng việc cống hiến cho sự nghiệp chung, là những con người vĩ đại; kinh nghiệm ca ngợi con người đem lại hạnh phúc cho hầu hết mọi người, là con người hạnh phúc nhất”. Và cũng ngay từ thời gian này, ông đã bộc lộ khát vọng muốn phục vụ nhân loại, muốn có cuộc sống sao cho xứng đáng với cuộc sống của một con người chân chính nhất.Các Mác cho rằng, “nếu một người chỉ lao động vì mình thôi, thì người đó có thể trở thành một nhà bác học nổi tiếng, một nhà thông thái lớn, một nhà thơ tuyệt vời, nhưng người đó không bao giờ có thể trở thành một con người thật sự hoàn thiện...”; còn, “nếu chúng ta chọn được một nghề mà chúng ta có thể cống hiến nhiều nhất cho nhân loại, thì chúng ta sẽ không cảm thấy gánh nặng của nghề ấy”; hạnh phúc của chúng ta sẽ được nhân lên gấp bội vì nó không chỉ là của chúng ta nữa mà nó thuộc về hàng triệu người... Những phát minh của Các Mác đã đem lại bước phát triển nhảy vọt đối với nhận thức về lịch sử nhân loại, về xã hội và đã đem lại những thành tựu lớn lao trong sự nghiệp giải phóng con người.

Mới 19 tuổi, Các Mác đã nghiên cứu kỹ tác phẩm của Hêghen (1770 -1831). Đặc biệt, Mác chú ý đến triết học của Êpicuơ một trong những nhà tư tưởng lớn nhất thời Cổ đại. Tiếp theo, Mác đã viết một bài báo sắc sảo (2/1842) chống lại sự kiểm duyệt báo chí của chế độ chuyên chế Phổ, nhân đó lên án gay gắt các thể chế nhà nước Phổ.Từ tháng 4 - 8/1844, Mác viết Bản thảo kinh tế - triết học mà sau này Mác phát triển một cách khoa học trong bộ Tư bản. Tháng 2/1845, cuốn sách Gia đình thần thánh của Mác và Ăngghen viết chung ra đời đã phê phán mạnh mẽ chủ nghĩa duy tâm chủ quan của phái Hêghen trẻ, phê phán toàn bộ chủ nghĩa duy tâm, đồng thời nêu ra vai trò quyết định của quần chúng nhân dân trong lịch sử. Tiếp đó, Mác cùng với Ăngghen hợp sức viết Hệ tư tưởng Đức (1845 - 1846). Sau đó lần lượt là cuốn Sự bần cùng của triết học (1847), năm 1848 cùng Ăngghen viết Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản - một văn kiện mang tính chất cương lĩnh của chủ nghĩa Mác và đảng vô sản, soi sáng cho giai cấp công nhân toàn thế giới con đường đấu tranh để thoát khỏi chế độ nô lệ tưbản chủ nghĩa và đưa cách mạng vô sản đến thắng lợi. Đến năm 1867, Bộ Tư bản (tập I) - tác phẩm chủ yếu của Mác ra đời. Tập II và III Mác không kịp hoàn tất, Ăngghen đảm nhiệm việc xuất bản hai tập này.

Chủ nghĩa Mác là ngọn đèn pha soi sáng con đường cách mạng cho giai cấp vô sản và nhân dân lao động toàn thế giới. Thiên tài của Mác là đã giải đáp các vấn đề mà loài người tiên tiến nêu lên nhưng chưa giải đáp được. Sự ra đời của chủ nghĩa Mác chấm dứt thời kỳ mò mẫm như trong đêm tối của hàng triệu nhân dân lao động sống dưới ách áp bức và bóc lột, tìm đường giải phóng cho mình. Lê-nin đã khẳng định: Học thuyết của Mác là học thuyết vạn năng vì nó chính xác, nó hoàn bị và chặt chẽ; nó cung cấp cho người ta một thế giới quan hoàn chỉnh, không thỏa hiệp với bất cứ một sự mê tín nào, một thế lực phản động nào, một hành vi nào bảo vệ sự áp bức của giai cấp tư sản”. Mác và Ăng-ghen thường nói học thuyết của hai ông không phải là giáo điều mà là kim chỉ nam cho hành động. Lê-nin, người kế thừa sự nghiệp của Mác và Ăng-ghen, dựa trên các nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác, đã phát triển chủ nghĩa Mác trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, thời đại cách mạng vô sản, và do đó gọi là chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin là đỉnh cao của trí tuệ loài người bởi tính khoa học và tính cách mạng triệt để của nó. Dưới ngọn cờ của chủ nghĩa Mác-Lênin, cách mạng Tháng Mười Nga thành công và sự hình thành hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới là những thành quả rực rỡ của chủ nghĩa Mác-Lênin. Chủ nghĩa Mác-Lênin sẽ mãi là mặt trời chói lọi, soi sáng con đường đấu tranh của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới.

Núi Các Mác nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ở Cao Bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên để tưởng nhớ và vinh danh nhà lãnh tụ vĩ đại của cách mạng thế giới.

Núi Các Mác nằm trong Khu di tích Quốc gia đặc biệt Pác Bó ở Cao Bằng được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt tên để tưởng nhớ và vinh danh nhà lãnh tụ vĩ đại của cách mạng thế giới.

Đối với cách mạng Việt Nam, lúc cả dân tộc phải sống trong ngục tù của chế độ thực dân, phong kiến, cha ông ta đã nhiều lần nổi lên đấu tranh giành độc lập, nhưng các cuộc đấu tranh ấy đều thất bại và bị dìm trong biển máu. Đi tìm con đường cứu nước, Hồ Chí Minh là người cách mạng Việt Nam đầu tiên nhìn thấy ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin soi tỏ con đường giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp. Từ đó, chủ nghĩa Mác-Lênin luôn là ngọn đuốc dẫn đường cách mạng Việt Nam đi đến mọi thắng lợi. Dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam, với mục tiêu “không có gì quý hơn độc lập tự do” chúng ta đã làm nên Cách mạng Tháng Tám năm 1945 vĩ đại, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; một Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu và cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự nghiệp cách mạng và những cống hiến khoa học lý luận kiệt xuất cùng với nhân cách sống bình dị mà cao thượng của Các Mác luôn luôn tỏa sáng, định hướng cho hành động cách mạng của các đảng cộng sản và công nhân trên thế giới, trong đó có Ðảng Cộng sản Việt Nam. Kỷ niệm 207 năm Ngày sinh Các Mác là dịp để nhân loại cùng nhìn nhận lại giá trị những di sản tư tưởng của ông, phương pháp vận dụng những di sản ấy vào hoạt động của mỗi đảng, mỗi quốc gia, mỗi dân tộc trong sự phân cực, đa phương, đa chiều, đầy biến động của thế giới hiện nay; đồng thời đấu tranh, phản bác những luận điệu, quan điểm sai trái, phủ định giá trị, sức sống bền vững của chủ nghĩa Mác - Lênin và công lao, cống hiến vĩ đại của Các Mác đối với nhân loại, cùng nhau xây dựng một xã hội ngày càng tốt đẹp.

P.V

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/cac-mac-nha-ly-luan-thien-tai-lanh-tu-vi-dai-cua-giai-cap-cong-nhan-va-nhan-dan-lao-dong-3176931.html