Pagani: Tất cả phiên bản của dòng xe Pagani Zonda đều sử dụng khối động cơ V12 mã M120 của Mercedes-Benz. Mẫu xe đầu tiên ra mắt vào năm 1999 - chiếc Zonda C12, sử dụng khối động cơ V12 dung tích 6.0L sản sinh công suất tối đa 400 mã lực hoặc 450 mã lực cùng mô-men xoắn 550-640 Nm.
Phiên bản cao cấp hơn - chiếc Zonda C12-S, được trang bị khối động cơ do AMG tinh chỉnh với dung tích lên đến 7.0L cùng công suất tăng lên 550 mã lực. Phiên bản Zonda S ra mắt vào năm 2002 được trang bị khối động cơ V12 hút khí tự nhiên dung tích 7.3L do các kỹ sư của AMG chế tạo thủ công. Xe có công suất tối đa 555 mã lực và mô-men xoắn cực đại 750 Nm.
Các phiên bản cao cấp hơn như Zonda Cinque hay Zonda Tricolore vẫn sử dụng khối động cơ V12 dung tích 7.3L từ Mercedes-AMG, công suất tối đa lần lượt là 678 mã lực, 670 mã lực và lên đến 800 mã lực trên phiên bản Zonda HP Barchetta.
Mercedes-AMG tiếp tục hợp tác cùng Pagani để sản xuất động cơ cho dòng xe Huayra kể từ năm 2012. Đa số các mẫu Huayra đều được trang bị động cơ V12 twin-turbo lắp ráp thủ công với mã nội bộ M158. Khối động cơ V12 này có cách bố trí 2 dãy xy-lanh theo một góc 60 độ và sử dụng kết cấu cacte khô. Đồng thời M158 cũng sử dụng cơ cấu tăng áp với kích thước nhỏ hơn, giúp tăng độ phản hồi chân ga cũng như giảm hiện tượng trễ turbo.
Tương tự với Zonda, khối động cơ M158 trên các phiên bản Huayra cũng có sự khác nhau về thông số vận hành. Phiên bản Huayra Coupé tiêu chuẩn có công suất tối đa 730 mã lực, trong khi con số này trên phiên bản mui trần Roadster là 764 mã lực.
Trong khi đó, biến thể dành cho trường đua Huayra BC có công suất tối đa 755 mã lực, và BC Roadster có công suất lên đến 800 mã lực. Một số phiên bản đặc biệt như Huayra Imola hay Huayra Tricolore có công suất lên đến 840 mã lực và mô-men xoắn cực đại 1.100 Nm.
Aston Martin: Hãng xe đến từ Anh Aston Martin cũng chia sẻ nhiều công nghệ với Mercedes-Benz và Mercedes-AMG. Hiện nay, các mẫu xe như DB11, DB11 Volante phiên bản V8 và Vantage, Vantage Roadster đều đang sử dụng khối động cơ lắp ráp thủ công M177, vốn cũng đang được trang bị trên các dòng xe hiệu suất cao AMG C 63 hay AMG E 63…
Các biến thể của Aston Martin DB11 hay Vantage đều có công suất tối đa 510 mã lực và đây cũng là các mẫu xe hiếm hoi có sự kết hợp giữa khối động cơ đến từ AMG và hộp số sàn theo tùy chọn của khách hàng. Phiên bản dành cho trường đua Aston Matin Vantage GTE đạt chuẩn FIA cũng sử dụng khối động cơ V8 M177 này.
Tương tự, mẫu xe SUV đầu tiên của hãng là Aston Martin DBX cũng được trang bị khối động cơ V8 twin turbo M177, tuy nhiên công suất được tinh chỉnh lên mức tối đa 550 mã lực cùng mô-men xoắn cực đại 700 Nm. Đặc biệt hơn, DBX không sử dụng hộp số 8 cấp do ZF gia công mà sử dụng hộp số 9 cấp 9G-TRONIC do Daimler – công ty mẹ của Mercedes-Benz, chế tạo.
Chrysler: Từ năm 1998 đến 2007, 2 tập đoàn ôtô Daimler và Chrysler quyết định kết hợp với nhau với tên gọi DaimlerChrysler. Ra đời trong thời gian trên, mẫu xe Chrysler Crossfire SRT-6 đời 2005 cũng chia sẻ nhiều công nghệ với mẫu xe đồng cấp SLK-Class đến từ Đức.
Mặc dù mang thương hiệu nổi tiếng SRT - Street & Racing Technology, Chrysler Crossfire SRT-6 không sử dụng khối động cơ V8 HEMI nổi tiếng mà thay vào đó là khối động cơ M112 dung tích 3.2L siêu nạp của AMG. Khối động cơ này cũng được trang bị trên các mẫu SLK 32 AMG và C 32 AMG lúc bấy giờ. Chrysler Crossfire SRT-6 có công suất tối đa 335 mã lực và mô-men xoắn cực đại 420 Nm.
Mitsubishi: Đặc biệt hơn, một mẫu xe đến từ Nhật Bản cũng nằm trong danh sách trên. Trước khi trở thành một bộ phận chuyên sản xuất những mẫu xe hiệu suất cao của Mercedes-Benz vào năm 1999, AMG là một hãng độ độc lập và chiếc Mitsubishi AMG Galant là một trong những tuyệt phẩm đến từ các kỹ sư Đức.
Phiên bản độ với số lượng giới hạn được dựa trên nền tảng của chiếc Galant GTi-16v đời 1989. Các kỹ sư đã tinh chỉnh nhẹ khối động cơ I4 dung tích 2.0L để đạt công suất tối đa 170 mã lực mà không sử dụng công nghệ tăng áp turbo. Ngoài ra, Mitsubishi AMG Galant còn được trang bị thêm bộ bodykit đặc biệt, mâm đúc và nội thất bọc da thật.
N.A Tuấn