Các nạn nhân trong vụ rơi trực thăng Bell 505 được chi trả bảo hiểm như thế nào?
Hiện Công ty Bảo Việt Đà Nẵng đã chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm 200 triệu đồng cho thân nhân của 2 nạn nhân trong vụ rơi trực thăng Bell 505. Đây mới chỉ là số tiền bồi thường bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt An Gia mà vợ chồng nạn nhân vụ rơi trực thăng Bell 505 đã tham gia của Bảo Việt Đà Nẵng.
Ngày 15/4, ông Nguyễn Phước Định Trường, Phó Giám đốc Công ty Bảo Việt Đà Nẵng cho biết công ty đã chi trả số tiền bồi thường bảo hiểm 200 triệu đồng cho thân nhân của 2 nạn nhân trong vụ rơi trực thăng Bell 505 là vợ chồng ông Hồ Tá Lực và bà Nguyễn Thị Hội (cùng trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng).
Đây là số tiền bồi thường bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm sức khỏe Bảo Việt An Gia mà vợ chồng ông Hồ Tá Lực đã tham gia từ ngày 28/10/2022 của Bảo Việt Đà Nẵng - đơn vị thành viên thuộc hệ thống Bảo hiểm Bảo Việt.
Được biết, trước đó, Tổng công ty Cổ phần Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) đã tạm ứng chi trả bồi thường cho gia đình phi công lái trực thăng Bell 505 với số tiền là 50.000 USD (tương đương 1,18 tỉ đồng).
Xung quanh vấn đề sau khi trực thăng Bell 505 gặp nạn, những hành khách tử vong sẽ được chi trả bảo hiểm như thế nào đang được dư luận hết sức quan tâm.
Ngày 15/4, Luật sư phạm Ngọc Hải - đoàn Luật sư Đà Nẵng cho biết, với hành khách, loại bảo hiểm mà Tổng công ty trực thăng Việt Nam (VNH) mua có sự khác biệt với bảo hiểm tai nạn cho phi công, được gọi là bảo hiểm trách nhiệm pháp lý của hãng trực thăng với khách hàng. Có nghĩa là, hãng bảo hiểm là đơn vị gián tiếp bồi thường cho hành khách. Công ty trực thăng VNH có trách nhiệm pháp lý với hành khách theo quy định của Luật hàng không.
Theo quy định tại Điều 160 Luật hàng không dân dụng 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì người vận chuyển (tức tổ chức cung cấp dịch vụ vận chuyển thương mại bằng đường hàng không) có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hành khách tử vong hoặc bị thương do tai nạn xảy ra trong tàu bay, trong thời gian người vận chuyển đưa hành khách lên tàu bay hoặc rời tàu bay.
Mức giới hạn trách nhiệm bồi thường đối với vận chuyển hành khách được quy định tại Điều 166 Luật Hàng không dân dụng và Điều 3, Nghị định 97/2020/NĐ-CP. Cụ thể, đối với vận chuyển hành khách, mức giới hạn trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe của hành khách là một trăm hai mươi tám nghìn tám trăm hai mươi mốt (128.821) đơn vị tính toán cho mỗi hành khách. Đơn vị tính toán là đơn vị tiền tệ do Quỹ tiền tệ quốc tế xác định và được quy ước là Quyền rút vốn đặc biệt. Đơn vị tính toán được chuyển đổi sang Đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm thanh toán.
Cần căn cứ trên Hợp đồng bảo hiểm đối với Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm để xác định phạm vi bảo hiểm, giá trị bảo hiểm, các điều khoản loại trừ, các trường hợp miễn trách nhiệm bảo hiểm. Từ đó, mới đủ căn cứ xác định trách nhiệm bảo hiểm của Doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Cần lưu ý và làm rõ rằng, tùy trường hợp quy định trong Hợp đồng bảo hiểm mà mức bồi thường sẽ khác nhau. Nếu hợp đồng bảo hiểm quy định giá trị bảo hiểm hành khách lên tới 30.000.000 USD (Ba mươi triệu đô la Mỹ) thì điều này thể hiện trách nhiệm tối đa của Doanh nghiệp bảo hiểm, không có nghĩa rằng hành khách sẽ luôn luôn được bồi thường với mức này.
Mức bồi thường thiệt hại thực tế về tính mạng của hành khách sẽ được thỏa thuận giữa các bên, nếu không thỏa thuận được sẽ xem xét các điều khoản đã được quy định theo Hợp đồng vận chuyển, Hợp đồng bảo hiểm ký kết giữa các bên. Ngoài ra, mức bồi thường thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm sẽ được xác định theo quy định pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do tính mạng bị xâm phạm theo Điều 591 Bộ luật dân sự 2015, Điều 8 Nghị Quyết 02/2022/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, bao gồm: Chi phí hợp lý cho việc mai táng: mua quan tài; chi phí hỏa táng, chôn cất... và các khoản chi khác phục vụ cho việc chôn cất hoặc hỏa táng nạn nhân theo phong tục, tập quán địa phương.
Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng, mức cấp dưỡng căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng, nhưng không thấp hơn 1 tháng lương tối thiểu vùng tại nơi người được cấp dưỡng đang cư trú cho mỗi tháng.
Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, không quá 100 tháng lương cơ sở (1.490.000 x 100 = 149.900.000 đồng).