Các nền kinh tế châu Á trước thách thức tái thiết khi bão chồng bão
Bão Yagi, bắt nguồn từ một cơn bão nhiệt đới ở phía Tây Biển Philippines vào ngày 1/9, đã trở thành cơn bão mạnh nhất đổ bộ vào châu Á trong năm nay, đồng thời là cơn bão mạnh thứ hai thế giới tính tới hiện tại sau siêu bão Beryl.
Mặc dù siêu bão này đã đi qua, nhưng tác động của nó đối với những quốc gia nằm trong tầm ảnh hưởng như Philippines, Trung Quốc, Việt Nam, Lào, Myanmar, Thái Lan,... vẫn vô cùng nặng nề. Trong bối cảnh đó chính phủ các nước đã nhanh chóng đưa ra các biện pháp, chính sách để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sau bão.
Theo thống kê sơ bộ, trước khi bão Yagi đổ bộ, toàn tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) có khoảng 2.860 dự án đang triển khai, song do ảnh hưởng của bão đã phải tạm dừng thi công. Sau khi bão tan, tỉnh Hải Nam đã triển khai nhiều biện pháp cũng như chính sách hỗ trợ hiệu quả, đến nay đã có gần 2.000 dự án đã hoạt động trở lại với tỷ lệ đạt gần 70%.
Trong thời gian tới, tỉnh Hải Nam sẽ triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhanh chóng khôi phục sản xuất; phấn đấu đến trước ngày 25/9, tỷ lệ khôi phục sản xuất của các doanh nghiệp tại các khu công nghiệp trọng điểm trên địa bàn tỉnh đạt trên 95%, tỷ lệ hoạt động trở lại của các dự án lớn đạt 100%. Cùng với chính quyền, các ngân hàng trên địa bàn tỉnh cũng triển khai nhiểu giải pháp để hỗ trợ các doanh nghiệp cũng như người dân sớm khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống.
Ngay sau khi siêu bão Yagi đổ bộ và gây thiệt hại nghiêm trọng, Ngân hàng Phát triển Nông nghiệp Trung Quốc chi nhánh Hải Nam đã tận dụng tối đa các chính sách hiện có tập trung hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp nhằm khôi phục sản xuất và người dân xây dựng lại nhà cửa…, nỗ lực hết sức để giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp bị thiên tai.
Trước mắt ngân hàng tập trung hỗ trợ đầy đủ cho việc sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng quan trọng như giao thông nông thôn, cộng đồng dân cư nông thôn, các dự án thủy lợi, nạo vét song ngòi, công trình lưới điện, cơ sở cung cấp khí đốt và sưởi ấm cũng như môi trường sống nông thôn sau thiên tai.
Ngoài ra, ngân hàng tiếp tục tối ưu hóa các biện pháp dịch vụ tài chính, kéo dài thời hạn hoặc điều chỉnh kế hoạch trả nợ đối với các doanh nghiệp tạm thời không thể tiếp tục sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai phù hợp với quy định hiện hành; tối ưu hóa phương thức thế chấp bảo lãnh và tăng cường cho vay bảo lãnh tín dụng đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai và thiếu tài sản thế chấp.
Trước đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia Trung Quốc đã thông báo phân bổ 200 triệu NDT (khoảng 28 triệu USD) từ ngân sách trung ương để hỗ trợ các nỗ lực khắc phục hậu quả siêu bão Yagi. Khoản tiền này sẽ được sử dụng để khẩn trương sửa chữa cơ sở hạ tầng bị hư hại, đồng thời tạo điều kiện khôi phục nhanh chóng điều kiện sống và làm việc bình thường của người dân.
Trong khi đó, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra đã chỉ đạo các cơ quan đẩy mạnh các biện pháp cứu trợ nạn nhân lũ lụt ở các tỉnh bị nước lũ tàn phá phía Bắc, đặc biệt là hai tỉnh Chiang Rai và Chiang Mai, nơi hứng chịu lũ lụt nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây.
Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng và Bộ Y tế được chỉ đạo chăm sóc người dân tại các trung tâm sơ tán và cung cấp vật tư y tế, trong khi Bộ Nông nghiệp và Hợp tác xã phải đảm bảo đủ nguồn cung cấp thực phẩm cho vật nuôi. Thủ tướng Thái Lan cũng cho biết Chính phủ sẽ cấp vốn từ quỹ khẩn cấp của ngân sách trung ương để hỗ trợ nạn nhân lũ lụt. Bên cạnh đó, bất kỳ ai muốn quyên góp ủng hộ các nỗ lực cứu trợ đều có thể thực hiện thông qua Văn phòng Quỹ cứu trợ thiên tai của Thủ tướng.
Tại Việt Nam ngày 15/9, tại Hội nghị Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (bão Yagi), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu rà soát, thống kê thiệt hại các cơ sở sản xuất kinh doanh để khôi phục trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ, đặc biệt là chính sách về tín dụng, hỗ trợ giống cây con, phân bón cho nông nghiệp, hỗ trợ khôi phục các loại hình dịch vụ, khôi phục sản xuất công nghiệp, không để đứt gãy chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất, có phương án tăng cường các loại hình giao thông, giảm giá cước vận tải, khôi phục các kho bãi tập kết hàng hóa; điều hòa các công trình thủy điện, thủy lợi trong xả lũ và tích nước. Ngay sau đó nhiều ngân hàng giảm 0,5-2% lãi suất cho cá nhân và hộ kinh doanh vay vốn chịu thiệt hại vì bão Yagi.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau bão Yagi. VCCI đề nghị miễn tiền thuê mặt nước, miễn các loại phí và lệ phí... cho các ngành, lĩnh vực, địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất từ bão Yagi.
Liên đoàn này cho biết: "Việc khôi phục sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp hiện nay gặp rất khó khăn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tăng trưởng kinh tế và sinh kế của nhiều người dân, người lao động. Đây là thời điểm rất cần những chính sách kinh tế phù hợp để doanh nghiệp các tỉnh miền Bắc nhanh chóng tái thiết, khôi phục sản xuất kinh doanh, góp phần giảm thiệt hại về lâu dài của cơn bão, bảo đảm sinh kế cho người dân".
Khi những tàn dư của bão Yagi còn chưa được khắc phục hoàn toàn châu Á lại phải hứng chịu thêm một cơn bão khác. Sáng 16/9, bão Bebinca đã đổ bộ vào Thượng Hải (Trung Quốc) với cường độ bão cấp 1. Đây là là cơn bão nhiệt đới mạnh nhất tấn công trực tiếp vào trung tâm tài chính của Trung Quốc trong hơn 7 thập kỷ.
Trước đó, chính quyền thành phố Thượng Hải ngày 15/9 cũng đã quyết định hủy hàng trăm chuyến bay tại 2 sân bay chính, gồm sân bay Phổ Đông và sân bay Hồng Kiều. Ga tàu Thượng Hải cũng đã tạm dừng một số dịch vụ đường sắt, trong khi đó một số dịch vụ phà cũng đã phải dừng hoạt động.
Nhiều khu nghỉ dưỡng ở Thượng Hải, trong đó có Khu nghỉ dưỡng Disney, công viên giải trí Jinjiang và công viên động vật hoang dã Thượng Hải, cũng tạm ngừng đón khách. Bloomberg Intelligence ước tính thiệt hại kinh tế từ cơn bão Bebinca có thể lên tới 10 tỷ NDT (hơn 1,4 tỷ USD).