Các nền kinh tế thành viên APEC định hướng giải quyết khủng hoảng hậu Covid-19
Theo hãng AP, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tham dự cuộc họp trực tuyến trong tuần này nhằm tìm hướng phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng sau dịch bệnh.
Tuần lễ cấp cao Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra từ ngày 5-12/11 dưới sự chủ trì của Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern theo hình thức trực tuyến. Diễn đàn sẽ tập trung vào việc đề ra phương hướng cho các nỗ lực phục hồi sau đại dịch Covid-19 thông qua việc đưa ra tầm nhìn chiến lược và chỉ thị cho sự hợp tác trong tương lai giữa các nền kinh tế thành viên APEC. Hội nghị cấp cao APEC 2021 là sự kiện cuối cùng trong Tuần lễ Cấp cao APEC 2021 do New Zealand đăng cai tổ chức hoàn toàn theo hình thức trực tuyến do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo hãng AP, như thường lệ, 21 thành viên APEC sẽ tăng cường hợp tác nhằm nới lỏng các rào cản đối với thương mại và tăng trưởng kinh tế, thay vì giải quyết các căng thẳng lâu dài. Trong tuyên bố, Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern sẽ chủ trì cuộc họp các lãnh đạo thành viên APEC, tập trung vào nỗ lực "tìm kiếm giải pháp phục hồi sau khủng hoảng kéo dài trong một thập kỷ".
Các nền kinh tế thành viên APEC chiếm khoảng ba tỷ người, một nửa thương mại toàn cầu, 60% trong tổng GDP của thế giới.
Các quan chức khẳng định kết quả đạt được sau khoảng 340 cuộc họp sẽ đưa ra các giải pháp tiến bộ đáng kể trong nỗ lực hồi phục kinh tế hậu Covid-19. Vangelis Vitalis, Chủ tịch Hội nghị các quan chức cấp cao nhấn mạnh, các thành viên APEC đã đồng ý giảm hoặc loại bỏ các mức thuế quan áp dụng với các mặt hàng là vaccine, khẩu trang và các sản phẩm y tế quan trọng khác.
Stephen Hoadley, Phó Giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đai học Auckland nhận định, thông qua diễn đàn này, có thể Tổng thống Biden sẽ tìm cách đảo ngược chính sách kinh tế Mỹ từ nhiệm kỳ lãnh đạo tiền nhiệm là cựu Tổng thống Donald Trump, từng quán triệt phương châm "Nước Mỹ trên hết". Kể từ khi ông Biden lên nắm chính quyền, Washington đã trở lại cách tiếp cận tự do hóa thương mại, tăng cường hỗ trợ toàn cầu và khu vực theo định hướng tuân thủ quy định của Tổ chức Thương mại thế giới. Mặt khác, Tổng thống Biden vẫn tiếp tục duy trì một số hạn chế nhất định về thương mại, công nghệ và đầu tư từng áp dụng đối với các công ty và lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc dưới thời cựu Tổng thống Trump.
Điển hình, thỏa thuận quốc phòng mới gần đầy giữa Australia, Anh và Mỹ đã khiến thế giới bất ngờ bởi không hề có sự tham gia của New Zealand hay các đồng minh khác của Mỹ. Quá trình phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân là một phần quan trọng cho hợp tác quốc phòng giữa 3 quốc gia. Trong khi đó, New Zealand vẫn duy trì thời gian dài với chính sách phi hạt nhân.
Theo ông Hoadley, Trung Quốc và Mỹ đang gia tăng cạnh tranh ở khu vực, cụ thể là châu Á – Thái Bình Dương. Ngoài những căng thẳng địa chính trị dai dẳng, đại dịch còn làm gia tăng thêm sự bất ổn ở khu vực mà từ lâu được xem là động cơ quan trọng thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu.
Thông điệp của APEC
Nhiều nền kinh tế hiện vẫn đang vật lộn để thoát khỏi cuộc suy thoái đang ảnh hưởng nặng nề đến khu vực vào năm 2020, khiến hoạt động du lịch và nhiều hoạt động liên quan khác bị đình trệ. Các làn sóng bùng phát kéo dài, quá trình tiêm chủng chậm chạp và các gián đoạn nối tiếp nhau liên quan đến quá trình sản xuất và vận chuyển đã gây thêm bất ổn, kéo theo hàng triệu người dễ bị tổn thương nhất trong khu vực rơi vào cảnh nghèo đói.
"Chúng ta hãy cùng nhau tiếp tục duy trì chuỗi cung ứng hoạt động và hỗ trợ giao thương các vật tư y tế quan trọng - bao gồm bộ xét nghiệm, thiết bị bảo hộ cá nhân (PPE) và hiện nay là vaccine" - Thủ tướng New Zealand - Ardern nói.
Thứ trưởng Bộ Thương mại New Zealand - Damien O'Connor cho biết, nền kinh tế thành viên APEC sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ đến với thế giới trước thềm cuộc họp Tổ chức Thương mại thế giới.
"Chúng ta đang phải đối mặt với cú sốc kinh tế lớn nhất trong 75 qua. Chúng ta đều biết thương mại sẽ là động lực mạnh mẽ cho sự phục hồi kinh tế. Chúng ta hoàn toàn không thể chuyển sự chú ý của mình khỏi thể chế đã tạo nên nền tảng cho hoạt động của APEC kể từ khi thành lập", ông Damien O'Connor nhấn mạnh.
Trước thềm cuộc họp lãnh đạo các nền kinh tế chính, APEC sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh dành cho giới trẻ và hội nghị thượng đỉnh CEO thông thường với các bài phát biểu từ lãnh đạo các nền kinh tế APEC.
Dự kiến, Thủ tướng New Zealand - Jacinda Ardern và Thủ tướng Đức Angela Merkel sẽ tổ chức đối thoại về tình hình đại dịch và diễn biến thế giới đã thay đổi ra sao kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dự kiến sẽ tham dự Hội nghị các Nhà Lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 (12/11), Đối thoại giữa Lãnh đạo các nền kinh tế APEC với Hội đồng tư vấn kinh doanh APEC (ngày 11/11) và phát biểu ghi hình trước tại Hội nghị Thượng đỉnh doanh nghiệp APEC (ngày 11 - 12/11). Đoàn Chính thức tháp tùng Thủ tướng Chính phủ gồm đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, các Bộ Ngoại giao, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Y Tế và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị, chia sẻ về tình hình thế giới, khu vực và xu hướng thúc đẩy hợp tác APEC trong thời gian tới.