Các nền tảng blockchain bị tấn công, gây thiệt hại 2,17 tỷ USD
Trong bối cảnh tài sản số và hệ sinh thái chuỗi khối (blockchain) ngày càng mở rộng, các mối đe dọa an ninh mạng cũng gia tăng, đòi hỏi một cách tiếp cận chủ động, bền vững để bảo vệ tính toàn vẹn và niềm tin vào công nghệ.
Tuần lễ blockchain lớn nhất Đông Nam Á
Hướng tới Ngày An ninh mạng Việt Nam 6/8/2025, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (NCA) phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức sự kiện GM Blockchain Security Forum diễn ra ngày 1/8/2025 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Sự kiện nằm trong khuôn khổ GM Việt Nam - tuần lễ blockchain lớn nhất Đông Nam Á.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia (Ảnh: NCA)
Theo Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia, mục đích của hội thảo là tạo không gian kết nối nơi các cơ quan quản lý, chuyên gia hàng đầu về an ninh mạng và blockchain có thể trao đổi, chia sẻ các bài học kinh nghiệm từ những vụ tấn công điển hình. Từ đó, nâng cao nhận thức về các rủi ro an ninh, đề xuất giải pháp công nghệ mới và đặc biệt là định hình khung pháp lý bảo vệ người dùng và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực blockchain.
Thống kê từ Chainalysis, chỉ tính riêng từ năm 2020 đến tháng 2/2025, thế giới đã ghi nhận 657 vụ tấn công vào hệ thống blockchain, gây thiệt hại lên tới 12,8 tỷ USD. Riêng 6 tháng đầu năm 2025 đã chứng kiến mức thiệt hại 2,17 tỷ USD, vượt qua cả năm 2024. Vụ tấn công Bybit (1,5 tỷ USD) trở thành vụ hack lớn nhất lịch sử blockchain, trong khi các vụ tấn công ví cá nhân chiếm tới 23,35% tổng thiệt hại - con số báo động cho cả người dùng và doanh nghiệp.
Một vụ tấn công nổi bật liên quan đến các nền tảng có nguồn gốc từ Việt Nam như Sky Mavis (Ronin) năm 2022 gây thiệt hại hơn 600 triệu USD hay KyberSwap năm 2023 ước tính thiệt hại lên tới khoảng 50 triệu USD là lời cảnh báo rõ ràng về tính cấp thiết của việc đảm bảo an ninh cho các nền tảng blockchain trong nước.
Nền kinh tế số đang ngày càng phụ thuộc vào blockchain
Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia nhận định: “Nền kinh tế số đang ngày càng phụ thuộc vào blockchain để lưu trữ và giao dịch tài sản. Việc đảm bảo an ninh cho blockchain chính là đảm bảo an toàn cho tài sản số quốc gia. Chúng ta cần một chiến lược mang tính tổng thể, gắn kết giữa công nghệ, pháp lý và tăng cường nhận thức cộng đồng”.
Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang từng bước hoàn thiện hành lang pháp lý cho tài sản số và nghiên cứu thí điểm các mô hình sàn giao dịch tài sản số ứng dụng công nghệ blockchain. Việc có định hướng đúng, đảm bảo an toàn bảo mật ngay từ giai đoạn đầu sẽ đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng một hệ sinh thái chuỗi khối minh bạch, bền vững.
Tuy blockchain được sinh ra để đảm bảo an toàn và minh bạch, nhưng các ứng dụng chạy trên blockchain vẫn tiềm ẩn nguy cơ bị tấn công như các hệ thống công nghệ thông tin phổ biến khác. Các nguyên nhân chính khiến hệ thống blockchain bị tấn công đến từ các lỗ hổng trong mã nguồn, hợp đồng thông minh, thiết kế hệ thống chưa đảm bảo hoặc quy trình vận hành, quản lý chưa tốt.
Bên cạnh đó là các yếu tố phi kỹ thuật như tấn công vào điểm yếu của người dùng, lừa đảo, giả mạo. Trong thực tế, chính những lỗ hổng này mới là mục tiêu chính của tin tặc, bất kỳ sai sót nào cũng có thể dẫn tới thiệt hại nghiêm trọng hàng tỷ USD.

Ông Lê Bảo Nguyên, đại diện Ban Tổ chức (Ảnh: NCA)
“Dù là công nghệ tiên tiến nhưng vấn đề an ninh mạng cho blockchain vẫn phụ thuộc rất lớn vào yếu tố con người: Từ sai sót trong lập trình, cấu hình bảo mật kém, vận hành không đúng quy trình, cho đến việc thiếu giám sát và đánh giá độc lập”, ông Vũ Ngọc Sơn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Lê Thành, Đại diện Verichains bày tỏ: “Bảo mật blockchain không còn là lựa chọn mà là điều kiện tiên quyết để xây dựng niềm tin số. Chúng tôi kỳ vọng sự kiện này sẽ là bước khởi đầu cho nhiều sáng kiến hợp tác, giúp Việt Nam chủ động hơn trên mặt trận an ninh blockchain khu vực và toàn cầu”.
Với chủ đề “Resilience & Trust in the Digital Future”, GM Blockchain Security Forum là hội thảo chuyên sâu quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong nước và quốc tế. Nội dung xoay quanh phân tích các vụ hack trị giá hàng tỷ USD, tấn công ví MPC, rủi ro từ mã độc, an ninh chuỗi cung ứng blockchain, tuân thủ AML/CFT và khung pháp lý bảo vệ dữ liệu quốc gia. Trọng tâm của hội thảo sẽ là tọa đàm: “Việt Nam trên bản đồ an ninh blockchain toàn cầu - Cơ hội và thách thức” với sự tham gia của đại diện cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và chuyên gia độc lập.
Theo các nhà tổ chức, mục tiêu của sự kiện là xây dựng một không gian trao đổi học thuật, chia sẻ kiến thức chuyên sâu và kết nối giữa các cơ quan quản lý, các tổ chức công nghệ - tài chính trong và ngoài nước, xoay quanh các chủ đề trọng điểm: Công nghệ blockchain và ứng dụng thực tiễn; Trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; Tài sản số và khung pháp lý quản lý; Hệ sinh thái Web3 và bảo mật hạ tầng số; Chuyển đổi số trong tài khoản và chính phủ.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1236/QĐ/TTg về Chiến lược Blockchain Quốc gia vào ngày 22/10/2024, với mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dẫn đầu khu vực về blockchain và có vị thế quốc tế. Cùng với đó, blockchain cũng được xác định là một trong 11 công nghệ chiến lược trong Quyết định số 1131/QĐ-TTg ngày 12/6/2025, giúp tạo động lực thúc đẩy nền kinh tế số. Đặc biệt, Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua vào tháng 6/2025 chính thức công nhận tài sản số là một loại tài sản hợp pháp được pháp luật bảo vệ. Điều này đã mở ra không gian phát triển mới, tạo nền tảng cho sự bứt phá của nền kinh tế số tại Việt Nam.