Các nền tảng xã hội nỗ lực ngăn chặn một video chứa đầy tin giả về Covid-19

Facebook, YouTube và các mạng xã hội khác đang đấu tranh để loại bỏ một video lan truyền đến chóng mặt, trong đó chứa đựng các thuyết âm mưu khác nhau về đại dịch Covid-19.

Hàng triệu lượt xem một video chứa đầy Fakenews

Video lần đầu tiên được đăng lên Vimeo và YouTube vào ngày 4-5. Từ các trang web đó, nó đã lan truyền sang Facebook, Instagram và Twitter, nơi video này được lưu hành rộng rãi hơn, thu hút hàng triệu lượt xem.

Đoạn video dài gần 26 phút là một phần của một loạt các clip được phát hành trước một bộ phim tài liệu có tên Plandemia mà các nhà làm phim nói rằng "sẽ vạch trần kẻ lừa đảo là giới tinh hoa khoa học, chính trị, và hệ thống y tế toàn cầu". Thuyết âm mưu này cho rằng những người giàu có cố tình truyền virus để tăng tỷ lệ tiêm chủng và việc đeo khẩu trang là có hại.

Bà Judy Mikovits với thuyết âm mưu đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: YouTube.

Bà Judy Mikovits với thuyết âm mưu đang lan truyền trên mạng xã hội. Ảnh: YouTube.

Tác giả của thuyết âm mưu này là bà Judy Mikovits, một nhà nghiên cứu y học gây tranh cãi. Ý kiến của Mikovits mâu thuẫn với lời khuyên từ Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ, trong đó cho rằng mọi người nên đeo khẩu trang che mặt để bảo vệ người khác trong trường hợp bạn bị nhiễm virus gây ra Covid-19.

Bà Mikovits cũng cho rằng virus đã được nuôi cấy, không phải là "sự xuất hiện tự nhiên". Trong khi đó, các nhà khoa học tin rằng virus corona chủng mới đã nhảy từ động vật sang người. Cộng đồng Tình báo Mỹ cũng nói họ tin rằng virus này không phải là "nhân tạo hay biến đổi gen".

Video còn cáo buộc rằng, báo cáo về các ca tử vong do virus corona cao hơn mức có thật bởi vì các bác sĩ đang được khuyến khích nói bệnh nhân của họ đã chết vì virus để lấy tiền từ chương trình bảo hiểm y tế quốc gia.

Trên thực tế, không có bằng chứng nào cho thấy số trường hợp tử vong vì Covid-19 đang bị thổi phồng.

Facebook, Twitter và YouTube cùng vào cuộc

Facebook, Twitter và YouTube thuộc sở hữu của Google đang thực hiện các bước để xóa video hoặc giảm mức độ lan truyền của nó. Nhưng bất chấp những nỗ lực này, video Plandemia vẫn tiếp tục nổi lên. Một số người dùng Facebook đã chia sẻ video trong các nhóm công khai nhưng liên kết đến các trang web khác không nổi tiếng để tránh bị ngăn chặn.

"Đề xuất rằng đeo khẩu trang khiến bạn bị bệnh có thể dẫn đến tác hại khó lường, vì vậy chúng tôi sẽ xóa video", một phát ngôn viên của Facebook cho biết trong một tuyên bố.

Theo BuzzSumo, một công cụ truyền thông xã hội, một phát ngôn viên của YouTube cho biết công ty sẽ xóa các video bao gồm "lời khuyên không có căn cứ về mặt y tế cho Covid-19". Video của Plandemia đạt được 4,7 triệu lượt xem trên YouTube trong hai ngày 4 và 5-5.

Twitter cũng cho biết họ đã chặn các hashtag #PlagueOfCorruption và #Plandemicmovie khỏi phần xu hướng. Bà Mikovits đã tweet một video riêng trong đó kêu gọi Tổng thống Mỹ Donald Trump chấm dứt phong tỏa và ngừng yêu cầu mọi người đeo khẩu trang, bà gọi việc che mặt là "nguy hiểm".

Twitter cho biết tweet của bà Mikovits không vi phạm các quy tắc chống lại thông tin sai lệch có hại nhưng cho biết liên kết đến video được đánh dấu là không an toàn nhằm hạn chế sự lan truyền của nó.

Các mạng xã hội cũng cố gắng chống lại thông tin sai lệch bằng cách hướng người dùng đến các nguồn đáng tin cậy hơn của CDC và Tổ chức Y tế Thế giới.

HẢI PHONG

Theo Cnet, Techcrunch

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/thong-tin-so/item/44404902-cac-nen-tang-xa-hoi-no-luc-ngan-chan-mot-video-chua-day-tin-gia-ve-covid-19.html