Các ngân hàng có tăng vốn kịp vào cuối năm nay?
Càng về cuối năm, các ngân hàng càng trở nên gấp rút trong việc tăng vốn để kịp đạt kế hoạch đặt ra trong năm nay. Trong tình hình kinh doanh vẫn phụ thuộc vào vốn tự có, cũng như những quy định an toàn vốn mới, mục tiêu tăng vốn luôn là thách thức không nhỏ của các nhà băng.
Cuối năm, “chạy nước rút”
Ngày 19/9/2019 vừa qua là ngày đăng ký cuối cùng cho cổ đông Ngân hàng TMCP Quân đội - MB (HOSE: MBB) chốt quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu, theo đó ngân hàng (NH) này sẽ phát hành 169 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương đương tỷ lệ 8%, để tăng vốn điều lệ thêm 1.691 tỷ đồng. Với kế hoạch tăng vốn 4.200 tỷ đồng trong năm 2019, trong tháng 10, MBB dự kiến sẽ phát hành 43,2 triệu cổ phiếu ESOP.
Cũng trong quý IV, MB sẽ chào bán riêng lẻ 258,4 triệu cổ phần, tương ứng với 10% vốn điều lệ, từ việc phát hành riêng lẻ mới 211,35 triệu cổ phần và bán lại 47 triệu cổ phiếu quỹ do MB nắm giữ. Trước đó, Ban lãnh đạo MB đã chia sẻ về khả năng phát hành 7,5% vốn cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài.
Vào cuối tháng 8/2019, SeaBank công bố nghị quyết triển khai chào bán 168,1 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, với giá phát hành 10.000 đồng/CP, nhằm tăng vốn điều lệ thêm 1.681 tỷ đồng lên mức 9.369 tỷ đồng như kế hoạch đã đề ra đầu năm nay. Thời hạn chót nhận đăng ký mua và nộp tiền mua cổ phần là vào ngày 26/9/2019.
NH Nam Á mới đây đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ từ hơn 3.353 tỷ đồng lên hơn 3.890 tỷ đồng. Tuy nhiên, với mục tiêu tăng vốn lên mức 5.000 tỷ đồng trong năm nay, Nam Á cần phải huy động thêm 1.110 tỷ đồng nữa mới kịp về đích.
Trong diễn biến mới nhất, Chủ tịch HĐQT BIDV là ông Phan Đức Tú cho biết, BIDV sẽ hoàn thành tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho KEB Hana Bank và dự kiến sẽ nhận tiền về ngay tháng 10/2019. Như vậy, chỉ sau khi ba tháng kể từ khi HĐQT BIDV đã thông qua chào bán riêng lẻ 603,3 triệu cổ phiếu, tương đương 15% vốn điều lệ cho đối tác KEB Hana Bank với giá 33.640 đồng/CP vào tháng 7/2019, thì vốn điều lệ của BIDV ước tăng thêm gần 20.300 tỷ đồng.
Có thể thấy càng về cuối năm, các NH càng gấp rút tăng vốn để hoàn thành kế hoạch đề ra. Thống kê cho thấy có đến 20 NH có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2019, tuy nhiên báo cáo tài chính bán niên cho thấy, chỉ mới có 5 NH tăng được vốn. Đề có thêm nhiều lựa chọn tăng vốn, một số NH đã lên sàn để có thêm nhiều lựa chọn gọi vốn mới, như Vietbank, Bản Việt và sắp tới có thể là Hàng Hải.
Ngoài tăng vốn điều lệ, các NH còn tăng vốn cấp 2 khi không ngừng phát hành trái phiếu để gia tăng vốn tự có, như ACB, Vietinbank, VPBank, HDBank. Số liệu thống kê 8 tháng đầu năm 2019 cho thấy, các NH thương mại là chủ thể phát hành nhiều trái phiếu nhất với tổng giá trị phát hành lên tới 56.060 tỷ đồng, chiếm 47,9% tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành thành công.
Áp lực từ “bộ đệm rủi ro”
Nếu như những NH lớn kinh doanh hiệu quả có thể tăng thêm vốn với nhiều lựa chọn, từ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành thêm cổ phiếu để chia cổ tức hoặc phát hành riêng lẻ, thì nhóm NH có quy mô nhỏ hoặc chưa lên sàn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tăng vốn.
Cụ thể, nhóm NH có vốn điều lệ từ 5.000 tỷ đồng trở xuống vẫn gặp rất nhiều thách thức khi liên tiếp bỏ lỡ các kế hoạch tăng vốn đã đề ra trong nhiều năm qua. Trong khi đó, hiện nay có khá nhiều chỉ tiêu phát triển kinh doanh dựa trên quy mô vốn tự có, như tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) 9%, giới hạn mức cấp tín dụng cho một khách hàng không được vượt quá 15% vốn tự có và một nhóm khách hàng có liên quan không quá 25% vốn tự có, giới hạn tỷ lệ góp vốn mua cổ phần không được vượt quá 40% vốn điều lệ và quỹ dự trữ của NH.
Nếu như những NH lớn kinh doanh hiệu quả có thể tăng thêm vốn với nhiều lựa chọn, từ bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành thêm cổ phiếu để chia cổ tức hoặc phát hành riêng lẻ, thì nhóm NH có quy mô nhỏ hoặc chưa lên sàn gặp khá nhiều khó khăn trong việc tăng vốn.
Theo Thông tư 21/2013/TT-NHNN thì số lượng chi nhánh được thành lập phải đi theo vốn điều lệ của NH, cụ thể với chi nhánh tại TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội quy định vốn điều lệ tối thiểu phải 300 tỷ đồng/CN, còn các chi nhánh mở tại các tỉnh thành khác là 50 tỷ đồng/CN. Như vậy, một NH với 3.000 tỷ đồng vốn điều lệ thì chỉ có tối đa 10 chi nhánh nếu mở tại TP. Hồ Chí Minh hay Hà Nội.
Do đó, mục tiêu tăng thêm vốn điều lệ không chỉ giúp tăng cường “bộ đệm rủi ro” về vốn tự có cho các kế hoạch tăng trưởng, mà còn giúp các NH có điều kiện mở thêm chi nhánh để mở rộng hoạt động tại các địa bàn khác, thay vì tập trung ở những thành phố lớn.
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi trở lại, việc các NH còn lại cấp tập lên sàn để có điều kiện gọi thêm vốn, trong khi những NH đã niêm yết tích cực tăng vốn qua bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, phát hành riêng lẻ thêm cho cổ đông hiện hữu dường như là lựa chọn hợp lý.
Từ đầu năm 2020, Thông tư 41/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước sẽ có hiệu lực thi hành, theo đó việc tăng vốn càng trở nên cấp thiết để đáp ứng các tiêu chí an toàn vốn theo chuẩn Basel 2. Như trường hợp của BIDV mới đây, dù là một trong 10 NH thí điểm triển khai Basel 2, nhưng chỉ mới gần đây, sau khi bán vốn thành công cho nhà đầu tư nước ngoài thì BIDV mới có khả năng đáp ứng được Basel 2.