Các ngân hàng có vốn nhà nước tiếp tục 'kêu' thiếu vốn
'Việc khai thông về pháp lý thời gian qua đã được Chính phủ tiến hành rất quyết liệt. Còn lộ trình tăng vốn cụ thể từng năm, NHNN sẽ làm việc với Bộ Tài chính để trình Thủ tướng', Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Lê Minh Hưng cho biết.
Song song với việc đánh giá cao công cuộc điều hành chính sách tiền tệ của NHNN, ông Phan Đức Tú, Chủ tịch HĐQT BIDV - tổ chức tín dụng đầu tiên phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2020 đã kiến nghị: "Tăng vốn là một trong những điều kiện tiên quyết đối với các TCTD để đáp ứng được các chỉ số an toàn cũng như gia tăng nguồn lực phục vụ đầu tư phát triển kinh tế. Ngoài việc sớm xem xét cấp vốn Điều lệ (thông qua trực tiếp, trả cổ tức bằng cổ phiếu), cấp có thẩm quyền cần giảm thiểu thủ tục hành chính trong xét duyệt phương án bán chiến lược của các TCTD, phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho cổ đông hiện hữu, phát hành cổ phiếu cho cán bộ nhân viên (ESOP)…"
Ngay sau kiến nghị này, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho hay, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP. Sau khi sửa Nghị định, Chính phủ sẽ sớm giải quyết vấn đề tăng vốn cho ba ngân hàng Vietcombank, BIDV và VietinBank. Riêng việc tăng vốn cho Agribank sẽ được trình Quốc hội năm 2020.
Mặc dù vậy, khi lên trình bày bài phát biểu, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank vẫn tiếp tục đề nghị được chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn.
"Tại Nghị quyết 01 vừa ban hành ngày 01/01/2020 của Thủ tướng trong đó có nội dung đảm bảo đủ vốn điều lệ đáp ứng nhu cầu an toàn vốn tối thiểu cho các ngân hàng thương mại nhà nước, Vietcombank xin đề xuất được giữ lại lợi nhuận và chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ tối thiểu là 70% trong giai đoạn 3 năm 2018-2020", ông Thành kiến nghị.
Tương tự, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành nhanh chóng hoàn tất việc sửa đổi Nghị định 91/2015/NĐ-CP về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp để các NHTM nhà nước và VietinBank tăng vốn, đáp ứng chuẩn mực Basel II về tỷ lệ an toàn vốn, phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội đất nước.
Về phía Agribank, ông Tiết Văn Thành, Tổng giám đốc cho biết, Agribank thực hiện song trùng hai mục tiêu, vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về “tam nông”, vừa phải tạo ra lợi nhuận đóng góp cho ngân sách nhà nước, chăm lo đời sống cho người lao động và thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Hàng năm, tăng trưởng tín dụng của Agribank từ 120 đến 130 ngàn tỷ đồng nhưng vốn điều lệ tăng không đáng kể và đến nay chỉ đạt hơn 30 nghìn tỷ đồng, thấp nhất trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước trong khi quy mô tín dụng đứng đầu thị trường.
“Năm 2020, Agribank sẽ tập trung tối đa mọi nguồn lực để cổ phần hóa và hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu; thực hiện tốt Thông tư 13, Thông tư 22, Thông tư 41 và 03 trụ cột theo tiêu chuẩn Basel II. Trường hợp không được tăng vốn điều lệ hoặc áp dụng cơ chế đặc thù, Agribank sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế”, ông Thành nhấn mạnh.