Các ngân hàng đã linh hoạt hơn với người vay vốn khởi nghiệp
Sáng 25/7/2019, Trung tâm Chuyển giao Tri thức và Hỗ trợ Khởi nghiệp thuộc ĐHQG Hà Nội (VNU-CSK) và Ban Thời sự Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) đã tổ chức chương trình giao lưu 'Kết nối ươm mầm khởi nghiệp' với sự tham gia của đông đảo các nhóm khởi nghiệp và các chuyên gia tư vấn trong lĩnh vực này.
Phát biểu khai mạc, ông Vương Quốc Thắng - giám đốc VNU-CSK cho biết, chương trình hợp tác với VOV đã được triển khai từ tháng 9/2018 và cho đến nay đã có 40 nhóm khởi nghiệp được hỗ trợ giới thiệu trên sóng VOV1. Còn ông Đồng Mạnh Hùng - Trưởng ban Thời sự của VOV nói rằng từ ngày 12/9/2018, mỗi tuần VOV đã có một chương trình về khởi nghiệp được đưa lên sóng VOV1 vào trưa Chủ Nhật và sau đó phát lại vào tối Thứ Tư.
Thông qua các chương trình được VOV phát sóng, các nhóm khởi nghiệp có cơ hội giới thiệu về mình với cộng đồng và nhiều bạn trẻ khởi nghiệp khác qua đó cũng có thể liên lạc, kết nối, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm. VOV đã bám sát các dự án khởi nghiệp và ông Hùng cho biết thêm, vào dịp kỷ niệm 1 năm của chương trình này, VOV và VNU-CSK sẽ chính thức sơ kết lại các hoạt động để tiến tới thực hiện tốt hơn chương trình hợp tác trong thời gian tiếp theo.
Là một cố vấn trong hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp do VNU-CSK tổ chức, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Doanh nhân APEC cho biết, khởi nghiệp không chỉ cần vốn và công nghệ mà các bạn trẻ rất cần đến năng lực quản trị và thuyết trình cho dự án của mình. Qua các hoạt động hỗ trợ, ông cho biết một thực tế là không ít bạn trẻ còn rất yếu về kỹ năng viết và thuyết trình bảo vệ dự án. Trong khi đó, đây lại điểm chính yếu để các nhà đầu tư có thể quan tâm và rót vốn.
Phần giao lưu của các chuyên gia tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp
Còn theo anh Nguyễn Huy Du - Giám đốc Công ty Smart Light, bước vào sân chơi khởi nghiệp thì thực chất các bạn trẻ đã dấn thân vào sự nghiệp kinh doanh. Và kinh doanh là một việc không hề dễ một chút nào bởi tỷ lệ thành công của khởi nghiệp là rất thấp. Vì thế, các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp phải tập trung cho công việc của mình và niềm hạnh phúc phải là bán được sản phẩm ra thị trường hoặc cho các đối tác có nhu cầu. Nói một cách khác, đã bước vào khởi nghiệp thì chúng ta phải yêu việc kinh doanh hơn mọi thứ khác.
Ông Hoàng Văn Dũng - đại diện Ngân hàng SHB thì cho biết, nhiều năm nay với người kinh doanh thì việc vay vốn ngân hàng là phải có tài sản thế chấp. Tuy nhiên, ngày nay các ngân hàng đã có sự linh hoạt hơn với yêu cầu đặt ra cho người vay là phải có hồ sơ khả thi về dự án của mình. Như vậy, vốn cũng không còn là bài toán khó với khởi nghiệp và chính các ngân hàng cùng các quỹ đầu tư cũng phải quan tâm đến khởi nghiệp cho những đồng vốn của mình.
Bà Trần Phượng - một chuyên gia tư vấn về khởi nghiệp lại đề cập là hiện nay ở Việt Nam hiện đang có rất nhiều cơ quan, tổ chức đang tham gia hoạt động này. Tuy nhiên, sự gắn kết chung của các hoạt động hỗ trợ này lại dường như chưa mấy gắn kết. Chính vì thế, nên chăng cần có những sự hợp tác để chia sẻ cơ sở dữ liệu chung và những kinh nghiệm cho hoạt động khởi nghiệp để có được những kết quả tốt hơn. Nói đến khởi nghiệp ngày nay dù là khởi nghiệp kinh doanh hay khởi nghiệp sáng tạo thì CNTT là một thành tố không thể thiếu. Vì thế, việc kết nối liên thông giữa các cơ quan, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp hoàn toàn có thể thực hiện được và điều này cần sự chủ động của các đơn vị tham gia hoạt động này.