Các ngân hàng đang tái cơ cấu ra sao?

Trong hành trình tái cơ cấu, có ngân hàng đã tiến gần tới giai đoạn hoàn tất, nhưng cũng có những nhà băng chỉ vừa bắt đầu

Mới đây, tại Lễ kỷ niệm 33 năm thành lập, ông Dương Công Minh – Chủ tịch Sacombank cho biết: Sau 7 năm thực hiện đề án tái cơ cấu trong lộ trình 10 năm, Sacombank đã xử lý gần hết các vấn đề tồn đọng và cơ bản hoàn thành các mục tiêu trọng yếu.

"Sacombank tiếp tục duy trì được vị thế cao và nằm trong top các ngân hàng lớn nhất với tổng tài sản gần 717.000 tỉ đồng. Có thể nói, Sacombank đã trở thành hình mẫu điển hình cho mô hình tái cơ cấu tự thân hiệu quả”, ông Minh nói.

Đến nay, Sacombank đã thu hồi, xử lý hơn 80% nợ xấu và tài sản tồn đọng, trích lập đầy đủ dự phòng theo đúng quy định, trong đó trích 100% dự phòng cho các khoản nợ bán VAMC chưa xử lý. Lợi nhuận tăng gấp 62 lần, từ 156 tỉ đồng vào năm 2016 lên 9.595 tỉ đồng vào năm 2023 và dự kiến đạt trên 12.000 tỉ đồng trong năm 2024.

Sacombank đã đạt được một số tiến triển đáng kể trong quá trình tái cơ cấu hệ thống, nhưng vẫn còn những thách thức cần giải quyết để hoàn thành mục tiêu này.

Chủ tịch Sacombank cũng cho hay, nút thắt cuối cùng của lộ trình tái cơ cấu là Sacombank vẫn đang chờ Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phê duyệt đề án để xử lý lô cổ phiếu STB của nhóm cổ đông liên quan ông Trầm Bê (32,5% cổ phần STB đang được VAMC quản lý).

 Tập trung phát triển công nghệ số giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí, nhất là với các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu. Ảnh: T.L

Tập trung phát triển công nghệ số giúp cải thiện hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa chi phí, nhất là với các ngân hàng đang trong quá trình tái cơ cấu. Ảnh: T.L

Liên quan đến đề án tái cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém, giữa tháng 10 vừa qua, NHNN đã công bố quyết định chuyển giao bắt buộc ngân hàng CBBank cho ngân hàng Vietcombank và OceanBank cho ngân hàng Quân đội. Vào năm 2015, NHNN đã mua lại bắt buộc 3 ngân hàng (CB, OceanBank và GPBank) với giá 0 đồng.

Được biết, sau khi được chuyển giao bắt buộc, CB và OceanBank sẽ là các ngân hàng thương mại TNHH một thành viên do Vietcombank và MB sở hữu 100% vốn điều lệ.

Ngày 18-12 vừa qua, OceanBank được đổi tên thành Ngân hàng TNHH MTV Việt Nam Hiện Đại (MBV). Việc đổi tên được thực hiện theo Quyết định số 741/2024 của Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN), sửa đổi nội dung "Tên ngân hàng" trên Giấy phép thành lập và hoạt động của Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương (OceanBank).

Ngân hàng MBV nằm trong hệ sinh thái MB Group, bao gồm 3 ngân hàng (MB, MBCambodia, MBV) và 6 công ty thành viên (MBS, MBCapital, MIC, MB Ageas, MBAMC, Mcredit).

Ông Lưu Trung Thái, Chủ tịch MB cho biết: Kể từ ngày 17-10 (thời điểm nhận chuyển giao bắt buộc OceanBank) đến ngày 13-12, tăng trưởng huy động vốn của OceanBank đạt 1.229 tỉ đồng, tăng trưởng tín dụng thêm 555 tỉ đồng. Đồng thời, MB và OceanBank đã triển khai các khoản bán nợ quy mô gần 6.000 tỉ đồng.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/cac-ngan-hang-dang-tai-co-cau-ra-sao-post826260.html