Các ngân hàng đồng loạt giảm lãi suất huy động
Lãi suất huy động của các ngân hàng tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm. Có nơi giảm gần 1 điểm %. Hiện, lãi suất huy động niêm yết cao nhất khoảng 9,45%/năm.
Theo khảo sát của phóng viên Báo Công Thương, trong biểu lãi suất huy động mới nhất, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) đã điều chỉnh giảm mạnh mức lãi suất tiền gửi tiết kiệm tối đa với nhóm khách hàng cá nhân từ 9,5%/năm xuống 9%/năm. Cụ thể, mức lãi suất tối đa này được ngân hàng áp dụng với các khoản tiền gửi có kỳ hạn 6-36 tháng, giá trị gửi 3 tỷ đồng trở lên, và chỉ áp dụng với nhóm khách hàng Private/VIP 1.
Với 2 nhóm khách hàng Priority và Inspire, ngân hàng này đưa ra mức lãi suất cao nhất cho các khoản tiền gửi tương tự lần lượt ở 8,9%/năm và 8,8%/năm. Với khách hàng thường, mức lãi suất được hưởng sẽ là 8,7%/năm.
So với tháng 1, các mức lãi suất tiết kiệm tối đa cho các nhóm khách hàng kể trên của Techcombank đều đã giảm 0,5 điểm %.
Không chỉ giảm lãi suất ở các khoản tiền gửi trên 3 tỷ đồng, lãi suất áp dụng với các khoản tiền gửi giá trị dưới 1 tỷ và 1-3 tỷ đồng tại ngân hàng này đều đã giảm sâu so với tháng trước. Với khách hàng thường, lãi suất phổ biến Techcombank đưa ra hiện nay là 6%/năm với kỳ hạn gửi 1-5 tháng và 8,5-8,7%/năm với kỳ hạn gửi 6 tháng trở lên, áp dụng song song với cả kênh quầy và online.
Tương tự, lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 1-5 tháng của nhóm khách hàng Private/VIP 1 cũng là 6%/năm, kịch trần Ngân hàng Nhà nước cho phép, trong khi lãi các kỳ hạn dài hạn dao động trong khoảng 8,8-9%/năm.
Không riêng Techcombank, trong biểu lãi suất áp dụng từ trung tuần tháng 2, Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) đã giảm mạnh lãi suất tiết kiệm của khách hàng cá nhân, đặc biệt với các khoản tiền gửi online.
NCB hiện vẫn đưa ra mức lãi 6%/năm với tiền gửi kỳ hạn 1-5 tháng của khách hàng cá nhân, không thay đổi so với tháng 1. Tuy nhiên, từ kỳ hạn 6 tháng, biểu lãi suất mới của ngân hàng đã giảm 0,2-0,8 điểm % so với tháng trước.
Cụ thể, lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6-11 tháng tại nhà băng này hiện dao động quanh mức 9,3-9,4%/năm, trong khi tháng trước là 9,5-9,7%/năm; kỳ hạn 12-30 tháng hiện hưởng lãi suất 9,45%/năm, trong khi tháng trước là 9,7-9,9%/năm.
Đặc biệt, với hai kỳ hạn 36 và 60 tháng, nếu gửi tiền trong tháng 1, khách hàng NCB sẽ nhận được mức lãi 9,9%/năm, nhưng đến nay chỉ được hưởng mức 9,2%/năm và 9,1%/năm. Tương tự, với các sản phẩm tiết kiệm tích lũy, ngân hàng này cũng giảm lãi suất kỳ hạn 5 năm từ 9,7%/năm xuống 8,95%/năm và kỳ hạn 1 năm giảm từ 9,5%/năm xuống 9,3%/năm.
Tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), biểu lãi suất tiền gửi tiết kiệm dành cho khách hàng cá nhân áp dụng từ ngày 14/2 cũng đã không còn mức lãi suất 9%/năm như tháng trước (với cả kênh quầy và online). Theo đó, lãi suất tiền gửi tại quầy của Sacombank hiện phổ biến ở mức 5,5-6%/năm với kỳ hạn 1-5 tháng; 8-8,3%/năm với kỳ hạn 6-11 tháng và 8,4-8,65%/năm với kỳ hạn 12-36 tháng. So với tháng 1, các mốc lãi suất kỳ hạn 6 tháng trở lên đều đã giảm 0,3-0,5 điểm %.
Tương tự, với kênh online, lãi suất tối đa Sacombank đưa ra trong tháng 1 là 9,2%/năm áp dụng với tiền gửi trên 15 tháng. Đến nay, lãi suất đã giảm còn 8,7-8,85%/năm. Các khoản tiền gửi 6-11 tháng trước đó được chi trả mức lãi 8,5-9%/năm, nay đã giảm xuống 8,2-8,5%/năm; kỳ hạn 12 tháng giảm từ 9,1%/năm xuống 8,6%/năm.
Cũng từ trung tuần tháng 2 này, lãi suất tiền gửi tiết kiệm tại Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đã giảm 0,3-0,7 điểm % ở hầu hết kỳ hạn. Trong đó, lãi suất cao nhất ngân hàng này áp dụng với các khoản tiền gửi cá nhân đã giảm từ 9,5%/năm (kỳ hạn 12-18 tháng) xuống còn 9%/năm.
Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) cũng giảm lãi suất huy động 0,2-0,4%/năm tại một số kỳ hạn. Với kênh online, lãi suất tại kỳ hạn 15-36 tháng giảm 0,4%/năm xuống 9%/năm. Với các kỳ hạn ngắn hơn, tại kỳ hạn 12 tháng, lãi suất huy động cũng giảm 0,4%/năm xuống 8,9%/năm, còn tại kỳ hạn 6-11 tháng, mức lãi suất giảm xuống còn 8,8%/năm.
Không riêng nhóm ngân hàng thương mại kể trên, nhóm ngân hàng quốc doanh (Agribank, BIDV, VietinBank, Vietcombank) cũng đang rục rịch giảm lãi suất huy động. Cụ thể, lãi suất huy động online của Vietcombank và Agribank giảm về bằng mức niêm yết tại quầy, thay vì cao hơn như trước đó.
Lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng,12 tháng của Agribank lần lượt là 6,1%/năm và 7,4%/năm. Vietcombank mới điều chỉnh lãi suất huy động online ở kỳ hạn 12 tháng, hiện là 7,4%/năm. Ở các kỳ hạn ngắn hơn, lãi suất vẫn có chênh lệch giữa hình thức trực tiếp và online. Mức chênh lệch ở các kỳ hạn 1 tháng là 1,1% (4,9%-6%); kỳ hạn 3 tháng 0,6%; kỳ hạn 9 tháng 0,5%.
Trong khi đó, 2 ngân hàng còn lại trong nhóm Big4 chưa ghi nhận điều chỉnh. Lãi suất tiết kiệm online của 2 ngân hàng này chênh lệch tới 0,8% so với gửi tại quầy (kỳ hạn 12 tháng).
Theo báo cáo của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất huy động gần như đi ngang trong tháng 1, có dấu hiệu giảm nhiệt từ cuối tháng. Với áp lực hỗ trợ tỷ giá giảm bớt, BVSC cho rằng áp lực tăng lãi suất không còn trong năm 2023. Thay vào đó, chính sách tiền tệ năm nay nhiều khả năng sẽ chuyển sang hướng hỗ trợ cho tăng trưởng.
BVSC kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trở lại trong năm 2023 này, với các dấu hiệu rõ nét hơn từ quý 2, khi Fed ngừng việc tăng lãi suất và lạm phát của Việt Nam hạ nhiệt.
Trong khi đó, các chuyên gia phân tích tại Công ty Chứng khoán SSI cho biết mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn trên 6 tháng đã có xu hướng giảm tại một số ngân hàng thời gian qua. Dù vậy, mức độ giảm chỉ dao động quanh mức 0,5 điểm %.
Hiện tại, lãi suất huy động các ngân hàng vẫn phổ biến ở mức 8-9,5% với tiền gửi thông thường, nhưng lãi suất cho vay không có nhiều thay đổi, vẫn ở mức trung bình 12-16%/năm.
Tuy vậy, với việc các ngân hàng thương mại đã họp bàn và thống nhất giảm lãi suất huy động 12 tháng tối đa từ 9,5%/năm về 8,7%/năm, các chuyên gia dự báo, thời gian tới sẽ có thêm nhiều ngân hàng công bố giảm lãi suất.
Ở chiều cho vay cũng đã có nhà băng hạ lãi suất. Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) áp dụng giảm 1% lãi suất vay dành cho khách hàng doanh nghiệp có doanh thu dưới 100 tỷ đồng.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/cac-ngan-hang-dong-loat-giam-lai-suat-huy-dong-242448.html