Các ngân hàng Nhật Bản chuẩn bị cho đợt sát hạch quốc tế về chống rửa tiền
Các biện pháp chống rửa tiền của các ngân hàng Nhật Bản sẽ phải đối mặt với đợt sát hạch mới của quốc tế vào tháng 8/2028, sau khi bị đánh trượt trong lần sàng lọc trước đó.
Theo Văn phòng Liên hợp quốc về chống ma túy và tội phạm, ước tính có khoảng 800 tỷ USD - 2.000 tỷ USD được rửa trên toàn thế giới mỗi năm. Hành động của các tổ chức tài chính được coi là quan trọng để chống lại tội phạm.
Cuộc đánh giá năm 2028 sẽ được Lực lượng đặc nhiệm hành động tài chính (FATF), bao gồm 40 quốc gia và khu vực thành viên trong đó có Nhật Bản, Mỹ và Liên minh châu Âu, thực hiện. Cơ quan này đặt ra các tiêu chuẩn cho các biện pháp chống rửa tiền và xem xét nỗ lực của mỗi quốc gia.
Đây sẽ là đợt đánh giá FATF thứ năm của Nhật Bản và là lần đầu tiên kể từ năm 2019. Sau khi xem xét tài liệu sơ bộ, đánh giá tại mỗi quốc gia sẽ diễn ra vào tháng 8/2028, kéo dài từ hai tuần đến một tháng. Kết quả dự kiến sẽ được thông qua tại cuộc họp FATF vào tháng 2/2029.
Nhật Bản bị đánh giá là quốc gia cần theo dõi trong đánh giá gần đây nhất năm 2019, về cơ bản có nghĩa là nước này không vượt qua bài kiểm tra về chống rửa tiền. Vòng tiếp theo sẽ tập trung vào việc liệu Nhật Bản có thể chứng minh tính hiệu quả của các biện pháp của mình dựa trên luật pháp và hướng dẫn mà nước này đã phát triển kể từ đó hay không. Nếu tiếp tục thất bại trong đợt đánh giá năm 2028, Nhật Bản sẽ phải chịu sự sàng lọc chặt chẽ hơn vào lần tới. Nếu các biện pháp của nước này bị coi là lỏng lẻo, quốc gia này có thể bị lợi dụng như một lỗ hổng trong mạng lưới tài chính toàn cầu.
Các đánh giá của FATF được thực hiện từ hai góc độ chính: tình trạng phát triển của hệ thống pháp luật và tính hiệu quả của các biện pháp chống rửa tiền. Trong cuộc đánh giá năm 2028, điểm nhấn sẽ được đặt vào phần sau. Trong lần đánh giá trước đó, Nhật Bản chỉ có thể vượt qua 3 trong số 11 tiêu chí hiệu quả. FATF cho biết họ sẽ tập trung vào các lĩnh vực rủi ro cụ thể đối với mỗi quốc gia trong vòng đánh giá tiếp theo.
Một thách thức lớn đối với các ngân hàng Nhật Bản là phải thường xuyên xác nhận các thông tin như nghề nghiệp của khách hàng, mục đích giao dịch và chi tiết kinh doanh. Việc cập nhật thông tin thu được tại thời điểm mở tài khoản sẽ giúp xác định được tội phạm tìm cách giao dịch dưới danh nghĩa khách hàng thường xuyên. Việc kiểm tra như vậy cần phải được hoàn thành đối với tất cả các tài khoản ngân hàng.
Theo Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ), có 879 triệu tài khoản ngân hàng và tín dụng do các doanh nghiệp và cá nhân nắm giữ, khiến việc sàng lọc như vậy trở thành nhiệm vụ khổng lồ. Mặc dù các tổ chức tài chính cố gắng xác nhận những chi tiết này qua thư nhưng tỷ lệ phản hồi vẫn thấp, nhiều tổ chức tài chính chỉ nhận được phản hồi khoảng 30%. Một số khách hàng phàn nàn về việc cung cấp thông tin cá nhân cho ngân hàng.
Kể từ năm 2021, Cơ quan Dịch vụ Tài chính Nhật Bản đã yêu cầu các tổ chức tài chính thiết lập các cơ chế nội bộ để kiểm tra tính hiệu quả của các biện pháp chống rửa tiền. Các ngân hàng lớn đã hoàn thành bước này được chuyển sang đánh giá nội bộ các biện pháp của riêng họ trước khi bước vào quy trình đánh giá của FATF. Kết quả của những cuộc thăm dò nội bộ đó sẽ được FSA thẩm định.