Các ngân hàng niêm yết hé lộ cơ hội cải thiện lợi nhuận

Lợi nhuận nhiều ngân hàng đang giảm kể từ đỉnh năm 2022, đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu đang tăng mạnh và có thể bào mòn tăng trưởng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia kỳ vọng biên lãi thuần (NIM) của các ngân hàng niêm yết sẽ cải thiện từ quý IV/2023 và năm 2024. Nguyên nhân là do lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay; đồng thời, nhu cầu tín dụng cũng sẽ dần hồi phục và thúc đẩy lợi nhuận các ngân hàng.

Lợi nhuận có tín hiệu phục hồi

Theo số liệu từ VIS Rating, tỷ suất lợi nhuận trên tổng tài sản bình quân (ROAA) ngành ngân hàng trong 3 quý năm 2023 đã giảm xuống 1,5% từ mức đỉnh 5 năm là 1,7% tại năm 2022. Nguyên nhân khiến lợi nhuận của các ngân hàng giảm là do tăng trưởng tín dụng suy yếu và chi phí huy động tăng mạnh sau các đợt tăng lãi suất liên tiếp từ quý IV/2022.

Tuy nhiên, ông Phan Duy Hưng - Giám đốc, Chuyên gia phân tích cao cấp VIS Rating kỳ vọng rằng, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng cải thiện từ quý IV/2023 và sẽ dần phục hồi trong năm 2024, nhờ biên lãi thuần (NIM) được cải thiện khi lãi suất tiền gửi sẽ điều chỉnh về vùng lãi suất thấp nhanh hơn so với lãi suất các khoản cho vay và nhu cầu tín dụng tăng lên trong bối cảnh nền kinh tế phục hồi.

Theo phân tích của chuyên gia này, khi các khoản tiền gửi có lãi suất cao huy động trong quý IV/2022 dần đáo hạn, lãi suất tiền gửi tại các ngân hàng sẽ giảm đáng kể. Trong quý III/2023, lãi suất tiền gửi 12 tháng của nhóm ngân hàng quốc doanh và ngân hàng tư nhân đã lần lượt giảm về mức 5,45% và 5,7%.

Ngoài ra, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) bắt đầu phục hồi do môi trường lãi suất thấp. Do đó, “chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn của các ngân hàng sẽ điều chỉnh giảm đáng kể về mức thấp hơn. Thêm vào đó, nhu cầu tín dụng tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục sẽ góp phần làm tăng lợi suất cho vay” - ông Hưng cho hay.

Ông Vũ Mạnh Hùng - Chuyên gia Khối Phân tích Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, trong quý IV/2023, chi phí vốn có thể sẽ giảm hơn nữa nhờ tiền gửi chi phí thấp chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu nguồn vốn của các ngân hàng do lãi suất tiền gửi giảm mạnh. “Tuy nhiên, NIM có thể sẽ không cải thiện ngay lập tức trong bối cảnh nhu cầu tín dụng còn yếu như hiện tại.

Trong năm 2024, chúng tôi tin rằng NIM sẽ có khả năng phục hồi nhờ nhu cầu tín dụng quay trở lại cùng với sự tăng trưởng kinh tế” - Chuyên gia của VNDIRECT cho hay.

Chất lượng tài sản vẫn cần chú ý

Theo số liệu từ VIS Rating, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành tăng lên 2,2% từ mức 1,6% cuối năm 2022, chủ yếu đến từ các khoản cho vay khách hàng cá nhân cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu giảm xuống 93% từ mức 123% của năm 2022, trong khi an toàn vốn của ngành ngân hàng vẫn ở mức thấp.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, các ngân hàng đã có bộ đệm dự phòng tốt hơn trong những năm qua. Bên cạnh đó, một tín hiệu tích cực là tổng % nợ nhóm 2 giảm đã xuống còn 2,3% vào cuối quý III/2023 so với 2,5% vào cuối quý II/2023, cho thấy sự hình thành nợ xấu đang chậm lại. "Trong bối cảnh hoạt động kinh tế còn đang khó khăn, chúng tôi tin rằng, chi phí dự phòng sẽ tiếp tục bào mòn lợi nhuận của các ngân hàng trong những quý tới. Do đó, chúng tôi ưa thích các ngân hàng có bộ đệm dự phòng cao, vì những ngân hàng này sẽ chịu ít áp lực hơn về trích lập dự phòng so với các ngân hàng khác” - ông Vũ Mạnh Hùng cho hay.

Theo ông Phan Duy Hưng, bên cạnh chất lượng tài sản ngành ngân hàng suy giảm trong 9 tháng năm 2023 với tỷ lệ NPL tăng 0,6%, thì nợ tái cơ cấu tăng mạnh kể từ khi Thông tư 02/2023/TT-NHNN được ban hành vào tháng 4/2023. Mặt khác, quy mô nợ tái cơ cấu chiếm khoảng 1% tổng cho vay toàn ngành tính đến cuối tháng 8/2023 và đang không được phân loại là nợ xấu.

Các ngân hàng bán lẻ và SME có NPL tăng đột biến thêm 1,2 - 8,4% đến từ các khoản cho vay tiêu dùng (vay mua nhà và mua ô tô) cũng như cho vay doanh nghiệp liên quan đến lĩnh vực bất động sản (chủ đầu tư bất động sản và xây dựng). “Chúng tôi cho rằng, khả năng trả nợ suy yếu chủ yếu đến từ khách hàng cá nhân và SME có tỷ lệ đòn bẩy cao” - ông Hưng cho hay.

Theo đó, các ngân hàng hoạt động mạnh trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng ghi nhận nợ quá hạn gia tăng đáng kể, do nền kinh tế tăng trưởng chậm lại ảnh hưởng tới thu nhập và khả năng trả nợ của nhóm khách hàng có rủi ro cao này. Nhiều ngân hàng trong số này đã không tăng trích lập dự phòng khi nợ xấu gia tăng. Chi phí tín dụng trên tổng cho vay khách hàng giảm xuống còn 0,8% - 5% trong 9 tháng 2023 từ mức 1- 6% của năm 2022, khiến cho tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu suy yếu - đây là tín hiệu tiêu cực.

Nhiều ngân hàng khó hoàn thành kế hoạch lợi nhuận

Theo VIS Rating, 17/27 ngân hàng niêm yết sẽ gặp khó khăn trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023. Một số ngân hàng tư nhân sẽ khó có thể đạt được mục tiêu lợi nhuận vượt trội như kế hoạch đã đề ra. Các ngân hàng tư nhân quy mô vừa và lớn cũng sẽ gặp nhiều khó khăn dưới tác động của chi phí tín dụng tăng cao.

Duy Thái

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cac-ngan-hang-niem-yet-he-lo-co-hoi-cai-thien-loi-nhuan-139726-139726.html