Các ngân hàng phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Do ảnh hưởng dịch Covid-19, khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp chững lại thì cho vay cá nhân đang dần chiếm ưu thế trong đầu tư tín dụng của ngân hàng, nhất là các ngân hàng thương mại. Đẩy mạnh hướng đi này, các ngân hàng đã mở rộng mạng lưới hoạt động, triển khai nhiều giải pháp phát triển khách hàng cá nhân.

Từ một ngân hàng chủ yếu cho vay doanh nghiệp lớn, những năm gần đây Vietinbank Tuyên Quang chuyển mạnh sang cho vay cá thể với chiến lược đồng bộ từ thay đổi mô hình tín dụng đến thiết kế gói sản phẩm linh hoạt, hấp dẫn dành cho tín dụng cá nhân. Ông Phạm Đức Thuận, Giám đốc Vietinbank Tuyên Quang cho biết, Chi nhánh luôn chú trọng phát triển các dịch vụ bán lẻ với hệ thống mạng lưới gồm 8 phòng giao dịch tại trung tâm thành phố và các huyện. Đến nay, Chi nhánh đã tạo dựng niềm tin và có hơn 86.000 khách hàng. Trong đó có 48.000 khách hàng mở tài khoản ATM, hơn 85.000 khách hàng tiền gửi, hơn 6.500 khách hàng tiền vay, 4.200 khách hàng thẻ, là đơn vị có số lượng thẻ phát hành nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Các sản phẩm, dịch vụ của ngân hàng ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

Nhân viên Ngân hàng LienVietPostBank Tuyên Quang tư vấn các sản phẩm, dịch vụ mới của ngân hàng đến khách hàng.

Nhân viên Ngân hàng LienVietPostBank Tuyên Quang tư vấn các sản phẩm, dịch vụ mới của ngân hàng đến khách hàng.

Ngân hàng BIDV Tuyên Quang cũng liên tục có sự điều chỉnh về nhân lực và các giải pháp để khai thác thị trường tín dụng bán lẻ. Theo ông Đỗ Trần Hậu, Phó Giám đốc BIDV Tuyên Quang, cho vay bán lẻ với món vay nhỏ, đối tượng khách hàng có thu nhập khá ổn định nên bảo đảm sự tăng tưởng tín dụng an toàn, bền vững. Cùng với đó, đơn vị đã tập trung nhiều giải pháp hiệu quả giúp tín dụng bán lẻ có bước phát triển nhanh. Nếu 10 năm trước dư nợ cho vay khách hàng cá nhân chỉ từ vài chục tỷ đồng thì đến nay đã cán mốc 1.000 tỷ đồng. Các gói sản phẩm cũng được thiết kế theo các gói ngành nghề như nông nghiệp nông thôn, tiêu dùng…

Bên cạnh các ngân hàng đã hoạt động lâu năm trên địa bàn tỉnh như BIDV, VietinBank và Agribank thì các ngân hàng mới đi vào hoạt động như VietcomBank, SHB, MB… cũng bắt tay ngay vào khai thác thị trường bán lẻ, tung ra thị trường nhiều gói tín dụng dành cho khách hàng cá nhân với lãi suất ưu đãi. Các ngân hàng thương mại đã có những cải thiện đáng kể về năng lực tài chính, công nghệ, quản trị điều hành, cơ cấu tổ chức và mạng lưới kênh phân phối, hệ thống sản phẩm dịch vụ. Nhiều loại hình dịch vụ đã được triển khai thực hiện như dịch vụ tài khoản, séc, thẻ, quản lý tài sản, tín dụng, cầm cố.

Dịch vụ ngân hàng bán lẻ đang được các ngân hàng trên địa bàn tỉnh tập trung khai thác mang lại lợi ích "kép" cho cả khách hàng và các ngân hàng. Với xu thế hội nhập và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ hiện nay, dịch vụ bán lẻ sẽ có tác dụng đẩy nhanh quá trình luân chuyển tiền tệ, tận dụng tiềm năng to lớn về vốn của mọi thành phần kinh tế để cho vay cải thiện đời sống dân cư, hạn chế thanh toán tiền mặt, tiết kiệm chi phí và thời gian cho cả ngân hàng và khách hàng.

Bài, ảnh: Hải Hương

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/tai-chinh-thuong-mai/cac-ngan-hang-phat-trien-dich-vu-ngan-hang-ban-le-134731.html