Các ngân hàng Trung Quốc bán USD để đẩy giá đồng Nhân dân tệ
Trong các giao dịch sớm ở châu Á vào 20/7, các ngân hàng quốc doanh lớn nhất của Trung Quốc đã bán USD để mua Nhân dân tệ trên thị trường giao ngay nước ngoài.
Một trong những nguồn tin cho biết động thái bán USD (Mỹ) của ngân hàng như vậy nhằm làm chậm tốc độ giảm giá của đồng Nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, Ngân hàng trung ương Trung Quốc cũng tuyên bố nới lỏng quy tắc tài chính xuyên biên giới, giúp các công ty trong nước dễ dàng huy động vốn từ thị trường nước ngoài và giảm bớt áp lực mất giá đối với đồng nội tệ.
Trong phiên giao dịch vào thứ Năm, đồng Nhân dân tệ ở nước ngoài của Trung Quốc đã tăng hơn 0,7% lên mức cao 7,1812 đổi một đôla trước khi giao dịch lần cuối ở mức 7,1890/USD.
Tại thị trường nội địa, đồng Nhân dân tệ cũng có xu hướng tăng tương tự, nhưng vẫn giảm khoảng 4% so với đồng đôla từ đầu năm đến nay, khiến nó trở thành một trong những đồng tiền châu Á hoạt động kém nhất vào năm 2023.
Theo số liệu từ tờ Bloomberg, trong tháng 2 và tháng 3-2023, đồng Nhân dân tệ đã chính thức vượt mặt đô la Mỹ để trở thành đồng tiền được giao dịch chính tại Nga, trong bối cảnh 1 năm chiến sự tại Ukraine, và Nga đang phải đối diện với nhiều lệnh trừng phạt từ phía Mỹ và phương Tây.
Đồng thời SCMP đưa tin các lãnh đạo Trung Quốc đang tích cực "vận động hành lang" để đưa Nhân dân tệ thành đơn vị tiền tệ trong giao dịch dầu thô với các nước Trung Đông, trực tiếp thách thức khái niệm petrodollar - hệ thống thanh toán trao đổi dầu lấy đô la Mỹ giữa các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước nhập khẩu loại hàng hóa này.
Bắc Kinh cũng đang thúc đẩy việc sử dụng đồng Nhân dân tệ trong trao đổi ngoại tệ và giao dịch tài chính giữa các nước thành viên trong Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) - khu vực là đối tác thương mại lớn nhất hiện nay của Trung Quốc.
Tỉ lệ sử dụng đồng Nhân dân tệ trên toàn cầu hiện nay vẫn còn ở mức khiêm tốn. Đồng tiền này chỉ chiếm 2,19% trong tổng các thanh toán toàn cầu; 3,5% trong các giao dịch ngoại hối; 2,69% dự trữ trong các ngân hàng trung ương, và 12,28% trong rổ tiền tệ có quyền rút vốn đặc biệt của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).
Khánh Vy (Theo Reuters)