Các ngân hàng trung ương châu Á 'gồng mình' chống lại sức ép tỷ giá

Thời gian qua, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á đã ra sức bảo vệ đồng nội tệ thông qua can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng giá...

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg.

Động thái cắt giảm lãi suất bất ngờ của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) và những tín hiệu cho thấy Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đang nới lỏng sự kiểm soát đối với tỷ giá đồng rupee. Tất cả đều cho thấy nỗ lực phòng thủ của các ngân hàng trung ương ở khu vực châu Á trước xu hướng tăng giá của đồng USD đang bắt đầu rạn nứt - theo hãng tin Bloomberg.

Thời gian qua, nhiều ngân hàng trung ương ở châu Á đã ra sức bảo vệ đồng nội tệ thông qua can thiệp vào thị trường ngoại hối, trong bối cảnh đồng USD liên tục tăng giá. Một nguyên nhân quan trọng “tiếp lửa” cho xu hướng tăng của USD là việc giới đầu tư tin rằng các chủ trương của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump - gồm giảm thuế trong nước, áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu và trục xuất người nhập cư trái phép - đều có thể khiến lạm phát ở Mỹ tăng lên.

MỐI LO DỰ TRỮ NGOẠI HỐI

Tuy nhiên, việc can thiệp để giữ tỷ giá đồng nội tệ đang khiến dự trữ ngoại hối của một số quốc gia sụt nhanh trong khi tăng trưởng kinh tế ì ạch. Tình trạng này đã buộc một số ngân hàng trung ương ưu tiên việc hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thay vì quản lý tỷ giá.

“Tôi nhận thấy các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ sớm từ bỏ việc bảo vệ tỷ giá quyết liệt nếu ông Trump triển khai việc áp thuế quan trong bối cảnh đồng USD tăng giá mạnh. Các ngân hàng trung ương ở châu Á có thể sẽ chú ý nhiều hơn tới sự suy giảm của dự trữ ngoại hối, và nếu thương mại toàn cầu bắt đầu chậm lại, việc tăng dự trữ ngoại hối sẽ trở nên khó khăn hơn”, chiến lược gia vĩ mô Alex Loo của công ty TD Securities nhận định với Bloomberg.

Dự trữ ngoại hối lớn của nhiều ngân hàng trung ương châu Á giữ vai trò quan trọng trong việc bảo vệ tỷ giá của các đồng tiền trong khu vực. Tuy nhiên, dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm 70 tỷ USD kể từ khi lập kỷ lục 705 tỷ USD vào cuối tháng 9/2024. Dự trữ ngoại hối của Hàn Quốc giảm hơn 50 tỷ USD trong vòng hơn 2 năm trở lại đây.

Trong khi đó, đồng USD tiếp tục vững giá và những bấp bênh xung quanh chính sách của ông Trump trước ngày nhậm chức vào thứ Hai tuần tới đang gia tăng sức ép đối với các nhà giao dịch tiền tệ ở châu Á bởi khiến cho việc dự báo lãi suất trở nên khó khăn hơn.

Ngày thứ Năm tuần này, Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) giữ nguyên lãi suất, thay vì có đợt giảm lãi suất thứ ba liên tiếp như dự báo của thị trường. BOK nói rằng rất khó để bảo vệ tỷ giá đồng won vốn đang chịu áp lực giảm lớn từ biến động chính trị trong nước.

Trong khi đó, BI bất ngờ hạ lãi suất vào hôm thứ Tư tuần này - một động thái để hỗ trợ nền kinh tế dù dẫn tới sức ép mất giá lên đồng rupiah.

“Các quyết định lãi suất nằm ngoài dự báo phản ánh sự bấp bênh gia tăng xung quanh triển vọng lãi suất và tỷ giá tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Á”, chiến lược gia Ken Cheung của ngân hàng Mizuho Bank nhận định. “Có vẻ như các ngân hàng trung ương ở châu Á đang gặp khó khăn trong việc cùng lúc đạt mục tiêu ổn định tỷ giá và hỗ trợ tỷ giá trước những lời đe dọa thuế quan từ Mỹ”.

CHÂU Á SẼ PHẢI CHẤP NHẬN SỰ MẤT GIÁ ĐỒNG TIỀN?

Hầu hết các đồng tiền ở khu vực châu Á đã mất giá so với USD trong tháng 1 này, trong đó đồng rupiah của Indonesia mất giá nhiều nhất. Các nhà giao dịch tiền tệ cũng đang dành sự quan tâm lớn đến chính sách của Trung Quốc và Ấn Độ - hai nền kinh tế lớn nhất châu Á - để đánh giá về tác động đến khu vực.

Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) hiện đang duy trì sự kiểm soát tỷ giá chặt chẽ thông qua việc thiết lập tỷ giá tham chiếu hàng ngày và chỉ cho phép tỷ giá nhân dân tệ so với USD tại thị trường đại lục được dao động trong phạm vi 2% xung quanh tỷ giá tham chiếu. PBOC cũng phát hành tín phiếu tại thị trường Hồng Kông để hút bớt thanh khoản nhân dân tệ nhằm hãm đà mất giá của đồng nội tệ. Nhưng các nhà phân tích cho rằng Trung Quốc rốt cục có thể phải để nhân dân tệ mất giá để bù lại ảnh hưởng của rủi ro thuế quan đối với lĩnh vực xuất khẩu của nước này và tạo dư địa nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Về Ấn Độ, một số nhà phân tích dự báo RBI sẽ trì hoãn việc cắt giảm lãi suất tới tháng 4 do đồng rupee đang đương đầu áp lực mất giá lớn. Trong khi một số cho rằng khả năng RBI hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách tiền tệ tiếp theo vào tháng 2 là 50-50. Nguồn thạo tin tiết lộ rằng tân Thống đốc RBI Sanjay Malhotra sẵn sàng cho phép đồng rupee biến động tự do theo các đồng tiền khác ở khu vực châu Á. Quan điểm này cho thấy sự thay đổi so với cách tiếp cận của người tiền nhiệm của ông Malhotra là giữ sự kiểm soát chặt chẽ đối với tỷ giá đồng nội tệ.

Ngoài lãi suất, giới phân tích dự báo các ngân hàng trung ương ở châu Á sẽ triển khai nhiều công cụ khác để quản lý tỷ giá. Dịch vụ Lương hưu Quốc gia Hàn Quốc (NPS) sẽ sớm kích hoạt cơ chế phòng hộ tỷ giá. Đối với Indonesia, quy định yếu cầu các nhà xuất khẩu giữ ngoại tệ trong nước có thể sớm được điều chỉnh để mở rộng thời gian và độ bao phủ.

Tuy nhiên, hiện chưa ai dám chắc các biện pháp bảo vệ tỷ giá nội tệ trước xu hướng tăng giá của đồng USD mà các ngân hàng trung ương châu Á đang triển khai sẽ mang lại hiệu quả tới mức nào.

“Phản ứng chính sách trong khu vực thiếu sự đồng nhất, vì các ngân hàng trung ương phải cân nhắc giữa các ưu tiên trong nước với sự biến động tỷ giá nội tệ và thị trường trái phiếu do các yếu tố bên ngoài. Nhà chức trách có thể sẽ vào cuộc để hạn chế những biến động lớn, nhưng sẽ không đảo ngược được xu hướng”, nhà kinh tế cấp cao Radhika Rao của ngân hàng DBS Bank ở Singapore nhận định.

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/cac-ngan-hang-trung-uong-chau-a-gong-minh-chong-lai-suc-ep-ty-gia.htm