Các ngành vào cuộc để chấn chỉnh, nâng cao chất lượng phương tiện đưa rước công nhân

Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 350 xe hợp đồng đưa rước công nhân (từ 29 đến 47 chỗ), trong đó, khoảng 270 xe do Sở Giao thông vận tải (GTVT) cấp phù hiệu; số xe còn lại do Sở GTVT các tỉnh, thành phố khác cấp.

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ xe đưa rước công nhân, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho công nhân. Ảnh minh họa

Cần có giải pháp nâng cao chất lượng dịch vụ xe đưa rước công nhân, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho công nhân. Ảnh minh họa

Đa số các xe đưa rước công nhân đã qua sử dụng nhiều năm (xe có năm sản xuất 2005 - 2008 chiếm tỷ lệ 90%), chất lượng dịch vụ thấp (xe cũ, không máy lạnh…). Việc lựa chọn và sử dụng loại phương tiện này theo thỏa thuận hợp đồng thuê giữa công ty, xí nghiệp trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (bên thuê) và đơn vị kinh doanh vận tải (bên cho thuê).

Qua tìm hiểu được biết, Sở GTVT thẩm định cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu phương tiện; thanh tra, kiểm tra điều kiện kinh doanh vận tải tại các đơn vị kinh doanh vận tải (từ năm 2023 đến nay đã thanh tra, kiểm tra 30 đơn vị, xử phạt 77 triệu đồng và nhắc nhở, yêu cầu khắc phục nhiều vi phạm khác).

Bên cạnh đó, hàng tháng, qua trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình của Cục Đường bộ Việt Nam đối với từng phương tiện, đơn vị ra quyết định thu hồi phù hiệu các phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần trở lên/1.000km/tháng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm tốc độ qua dữ liệu thiết bị giám sát hành trình chỉ ghi nhận được vi phạm tốc độ trên 80km/h của những loại xe trên 16 chỗ ngồi (thiết bị chưa nhận biết được khu vực đông dân cư hoặc có biển báo hạn chế tốc độ tối đa cho phép đối với đoạn đường, tuyến đường cụ thể).

Riêng lực lượng Cảnh sát giao thông, tuần tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm khi tham gia giao thông trên đường, như: quá tốc độ theo báo hiệu đường bộ, đi không đúng làn đường, dừng, đậu sai quy định; giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, giấy phép lái xe; không có phù hiệu hoặc phù hiệu hết hạn…

Trước thực trạng xe đưa đón công nhân xuống cấp, cũ kỹ, lưu thông trên đường còn vi phạm các quy định về an toàn giao thông, Sở GTVT cho biết, thời gian tới, đơn vị sẽ chủ trì, phối hợp lực lượng cảnh sát giao thông, đăng kiểm và các đơn vị có liên quan xây dựng kế hoạch phối hợp liên ngành kiểm tra chuyên đề về hoạt động xe đưa rước công nhân trên địa bàn tỉnh, dự kiến thực hiện trong quý III.2024; bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức thẩm định và cấp giấy phép kinh doanh vận tải, phù hiệu xe đúng quy định; thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô của các đơn vị kinh doanh vận tải; theo dõi, trích suất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình và ra quyết định thu hồi phù hiệu các xe vi phạm tốc độ theo quy định.

Theo dõi, chỉ đạo các đơn vị đăng kiểm thực hiện nghiêm, đầy đủ, đúng quy trình, quy định của Chính phủ, Bộ GTVT về đăng kiểm xe cơ giới; yêu cầu đăng kiểm tham gia cùng các lực lượng chức năng (cảnh sát giao thông, thanh tra GTVT) khi có kế hoạch chuyên đề thực hiện đánh giá, hậu kiểm đối với các xe khách đưa rước công nhân sau khi đã cấp chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo chu kỳ.

Lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tăng cường công tác tuần tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm của phương tiện, người lái khi tham gia giao thông trên đường, nhất là các hành vi vi phạm về tốc độ, đi không đúng làn đường, dừng đỗ không đúng quy định; xử lý nghiêm phương tiện hết hạn đăng kiểm, quá niên hạn sử dụng (nếu có)…

Các đơn vị quản lý đường bộ (Sở GTVT, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố; doanh nghiệp đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp) tổ chức kiểm tra, rà soát hệ thống báo hiệu đường bộ trên hệ thống đường được giao quản lý, nhất là các báo hiệu quy định tốc độ, nơi dừng xe, đỗ xe… để điều chỉnh, bổ sung phù hợp.

Các doanh nghiệp, xí nghiệp có hợp đồng thuê xe đưa rước công nhân cần lựa chọn các đơn vị vận tải đảm bảo đủ điều kiện kinh doanh, chọn phương tiện có chất lượng tốt, có năm sản xuất cao để đưa rước công nhân; thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở nhà xe, lái xe chấp hành quy định của pháp luật về vận tải đường bộ, đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường…

Đơn vị kinh doanh vận tải (cho thuê xe hợp đồng đưa rước công nhân) cần chấn chỉnh hoạt động của bộ phận an toàn giao thông, tăng cường quản lý lái xe, tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho lái xe; niêm yết công khai trên xe nội quy về vệ sinh môi trường, trang bị dụng cụ chứa rác thải trên xe; thường xuyên theo dõi khai thác dữ liệu thiết bị giám sát hành trình, camera để kịp thời có biện pháp nhắc nhở, xử lý đối với lái xe vi phạm; ưu tiên đầu tư, thay thế những phương tiện sắp hết hạn sử dụng bằng phương tiện có chất lượng tốt, năm sản xuất cao để đưa vào phục vụ hợp đồng đưa rước công nhân.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp, xí nghiệp có hoạt động xe đưa rước công nhân tăng cường công tác tuyên truyền, nhắc nhở các lái xe chấp hành nghiêm quy định về đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giữ vệ sinh môi trường trên xe và quá trình vận hành của phương tiện trong các khu công nghiệp.

Liên đoàn Lao động tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền cho đội ngũ lái xe, công nhân tại các khu công nghiệp về những quy định của pháp luật có liên quan đến trật tự an toàn giao thông và vệ sinh môi trường.

Thiên Tâm

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/cac-nganh-vao-cuoc-de-chan-chinh-nang-cao-chat-luong-phuong-tien-dua-ruoc-cong-nhan-a175359.html