Các nghệ sĩ Bangladesh dựng vở 'Huyền thoại tuổi thanh xuân' của đạo diễn Lê Quý Dương

Xúc động và khâm phục về một thế hệ trẻ Việt Nam đã hy sinh quên mình vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước, lãnh đạo Khoa Sân khấu và Nghệ thuật biểu diễn Đại học quốc gia Dhaka (Bangladesh) đã quyết định dàn dựng vở 'Huyền thoại tuổi thanh xuân' của tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương để giới thiệu đến công chúng nước bạn.

Một cảnh trong vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" được dựng tại Bangladesh.

Một cảnh trong vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" được dựng tại Bangladesh.

Vở “Huyền thoại tuổi thanh xuân” vừa được tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương phối hợp Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam dàn dựng và công diễn vào Ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10.

Vở diễn tái hiện trên sân khấu câu chuyện về sự hy sinh của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ thanh niên xung phong đã hy sinh năm 1968 tại Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh), một vùng trọng điểm đánh phá của địch nhằm ngăn chặn con đường tiếp tế cho chiến trường miền nam trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước.

Ê-kíp dàn dựng vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" của Khoa Sân khấu và Nghệ thuật biểu diễn Đại học quốc gia Dhaka.

Ê-kíp dàn dựng vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" của Khoa Sân khấu và Nghệ thuật biểu diễn Đại học quốc gia Dhaka.

Vở diễn đã nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn, thu hút sự quan tâm của công chúng, nhất là thế hệ trẻ hôm nay, giúp họ hiểu hơn về những cống hiến, hy sinh quên mình của tuổi trẻ Việt Nam trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt vì sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.

Đây cũng là vở diễn có nhiều thử nghiệm mới trong dàn dựng, thiết kế sân khấu, gần gũi với xu hướng phát triển của sân khấu thế giới khi khán giả được tương tác, hòa nhập vào không gian một thời chiến tranh được tái hiện trên sân khấu.

Các nghệ sĩ, diễn viên Bangladesh tại buổi dựng thử vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Các nghệ sĩ, diễn viên Bangladesh tại buổi dựng thử vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Theo Giáo sư Istafael Shaheen, Chủ nhiệm Khoa Sân khấu và Nghệ thuật biểu diễn Đại học quốc gia Dhaka của Bangladesh, ông rất xúc động khi đọc kịch bản vở “Huyền thoại tuổi thanh xuân” (Đỗ Minh Thu chuyển ngữ sang tiếng Anh).

Istafael Shaheen cho biết, không chỉ có ông và các đồng nghiệp mà ngay cả các nghệ sĩ, diễn viên cũng dâng trào cảm xúc khi đọc kịch bản của Lê Quý Dương, thêm hiểu về thế hệ trẻ Việt Nam thời chiến tranh, thêm hiểu vì sao Việt Nam đã đi đến ngày toàn thắng, thống nhất đất nước.

Cảnh diễn thử trong vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" của các nghệ sĩ Bangladesh.

Cảnh diễn thử trong vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" của các nghệ sĩ Bangladesh.

Cũng từ những cảm xúc và ấn tượng về vở kịch, Giáo sư Istafael Shaheen đã liên hệ với tác giả Lê Quý Dương và mời anh trực tiếp đạo diễn dàn dựng vở “Huyền thoại tuổi thanh xuân” để giới thiệu đến công chúng Bangladesh. Đó là cách ông mong muốn chia sẻ thông điệp “Hãy sống một cuộc đời đáng sống” cùng khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và những giá trị nhân văn mà vở kịch chuyển tải đến thế hệ trẻ Bangladesh.

Ông Istafael Shaheen cho biết: Trong bối cảnh thế giới nhiều biến động với những xung đột, chiến tranh, câu chuyện 10 thanh nữ hy sinh ở Ngã ba Đồng Lộc, giúp thế hệ hôm nay hiểu hơn về hòa bình và những giá trị nhân văn, mang đến những trải nghiệm sâu sắc và các suy ngẫm về khía cạnh đạo đức con người, kêu gọi chấm dứt mọi cuộc chiến tranh và xung đột trên toàn cầu. Điều đáng nói hơn, gọi là huyền thoại, nhưng đây là những câu chuyện có thật, những con người có thật của Việt Nam. Họ đã tình nguyện chiến đấu vì Tổ quốc, vì hòa bình cho đất nước họ, qua đó giúp khán giả Bangladesh có thể khám phá về con người và cuộc sống ở Việt Nam, hiểu được tại sao họ lại chiến thắng trước một thế lực xâm lược hùng mạnh như người Mỹ.

Các nghệ sĩ Bangladesh nghiên cứu thiết kế sân khấu vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Các nghệ sĩ Bangladesh nghiên cứu thiết kế sân khấu vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Vở “Huyền thoại tuổi thanh xuân” đồng thời là bài học cho các nhà viết kịch, đạo diễn, nghệ sĩ Bangladesh về phương pháp tạo dựng nhân vật, phát triển cốt truyện, giải quyết các chủ đề liên quan và lối dàn dựng mới, hiện đại của sân khấu Việt Nam và thế giới.

Vở diễn cũng khuyến khích việc sáng tạo, tìm tòi thử nghiệm với những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật và tính tư tưởng cao, thúc đẩy đối thoại về các vấn đề cấp bách như chiến tranh trong thế giới đương đại.

Sân khấu thực cảnh ngoài trời vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Sân khấu thực cảnh ngoài trời vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân".

Để chuẩn bị cho việc dàn dựng, đơn vị thực hiện của nước bạn đã tổ chức tuyển chọn diễn viên, đọc phân tích kịch bản và dự kiến sẽ dựng trên một thực cảnh lớn, tái hiện bối cảnh chiến tranh khốc liệt từ kinh nghiệm mà “Huyền thoại tuổi thanh xuân” được dựng tại Việt Nam.

Theo đó, mỗi nghệ sĩ, diễn viên khi được chọn sẽ tự mình đọc, tìm hiểu tư liệu về chiến tranh kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Việt Nam và câu chuyện hy sinh của 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, cảm nhận về từng nhân vật mình thấy phù hợp, rồi viết thành bài luận cá nhân để báo cáo đạo diễn xin chọn vai.

Tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương nhận hoa chúc mừng của khán giả tại lễ công diễn vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Tác giả-đạo diễn Lê Quý Dương nhận hoa chúc mừng của khán giả tại lễ công diễn vở "Huyền thoại tuổi thanh xuân" ở Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam.

Đạo diễn Lê Quý Dương đã hướng dẫn để đơn vị dựng vở tiến hành dựng thử trên thực cảnh ngoài trời để tìm hiểu khả năng lan tỏa và hiệu ứng từ khán giả trước khi bắt tay vào dàn dựng chính thức vào đầu năm 2024. Tại buổi dựng thử, các nghệ sĩ, diễn viên đã tập luyện và biểu diễn trên thực cảnh ngoài trời vào buổi tối để thử nghiệm cảm xúc chiến trường trong đêm. Buổi diễn đã thành công tốt đẹp, tạo ấn tượng mạnh với giới chuyên môn và người xem.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/cac-nghe-si-bangladesh-dung-vo-huyen-thoai-tuoi-thanh-xuan-cua-dao-dien-le-quy-duong-post782237.html