Các nghệ sỹ đương đại kể chuyện di sản Việt bằng ngôn ngữ tạo hình
Với ngôn ngữ tạo hình của sơn dầu, sơn mài, gốm, lụa, trúc chỉ…, các nghệ sỹ sẽ kể câu chuyện về những trầm tích của di sản Việt, những giá trị văn hóa ẩn tàng trong đời sống đương đại.
Triển lãm tranh-tượng “Ngày xửa ngày xưa” của 16 nghệ sỹ nhóm Heritage and Art (Di sản và Nghệ thuật) sẽ khai mạc vào 17h ngày 23/8 tại Hà Nội, giới thiệu 39 tác phẩm hội họa, đồ họa và điêu khắc với chất liệu đa dạng gồm kim loại, sơn dầu, lụa, trúc chỉ, gốm, sơn mài...
Là người khởi xướng và thành lập nhóm, họa sỹ Nguyễn Minh (Minh Phố) cho hay “Ngày xửa ngày xưa” không chỉ là lời mở đầu cho muôn vàn câu chuyện cổ tích, mà ở đây, là mở đầu cho câu chuyện di sản mà mỗi nghệ sỹ với một phong cách nghệ thuật khác nhau, mong muốn “kể” cho người xem bằng ngôn ngữ hội họa.
Trong câu chuyện ấy, không chỉ có các hình ảnh là họa tiết và hoa văn mỹ thuật cổ, không chỉ có các nhân vật của nghệ thuật múa rối nước, các hình ảnh của chạm khắc đình làng, tranh dân gian… mà còn là tầng tầng lớp lớp bề dày lịch sử, những giá trị di sản văn hóa Việt được kể qua góc nhìn mang hơi thở nghệ thuật đương đại.
“Kết hợp ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình để tôn vinh những giá trị di sản cha ông để lại, mảng đề tài rất thú vị nhưng cũng vô cùng hóc búa này sẽ là con đường dài mà chúng tôi quyết tâm theo đuổi, với đam mê và những cá tính nghệ thuật vốn đã định hình bấy lâu,” họa sỹ Minh Phố bộc bạch.
Để có thể theo đuổi dự án, các nghệ sỹ trong nhóm sẽ tổ chức những chuyến đi điền dã lấy tư liệu, những chuyến đi trực họa, những cuộc gặp gỡ các nhân vật để tìm hiểu sâu rộng hơn về giá trị của di sản văn hóa Việt.
“Sau triển lãm ‘Ngày xửa ngày xưa’, nhóm sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động đưa nghệ thuật và di sản vào cuộc sống với các nhánh chủ đề như: Sáng tạo nghệ thuật cùng nghệ sỹ; di sản qua ánh mắt trẻ thơ đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo nghệ thuật thông qua di sản văn hóa ở các vùng miền,” họa sỹ Minh Phố cho biết.
Phó Giáo sư-Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đánh giá cao sáng kiến thành lập nhóm và “trình làng” triển lãm này.
Ông cho rằng kết nối di sản và hội họa là một chủ đề hay, được thực hiện bởi các nghệ sỹ đã thành danh, có đam mê, tâm huyết nên càng nhân lên nhiều ý nghĩa và cần được ủng hộ, khuyến khích.
“Ngôn ngữ hội họa khai thác, kể câu chuyện di sản là cách góp phần để công chúng hiểu nhiều hơn, yêu nhiều hơn những giá trị ngàn xưa để lại của cha ông. Mỗi tác phẩm được khai thác từ chủ đề này không chỉ giúp các nghệ sỹ tiếp tục định hình phong cách, quảng bá tên tuổi mà còn phát huy giá trị di sản, theo con đường riêng để đến với công chúng một cách rộng rãi, ấn tượng,” ông Sơn nhận định.
Nhóm Heritage and Art (H&A) gồm 16 nghệ sỹ thuộc các thế hệ từ 7X đến 9X, có phong cách sáng tác riêng biệt và vị trí nhất định trong làng mỹ thuật đương đại Việt Nam: Chu Cường, Lê Thế Anh, Trần Cường, Nguyễn Tiến Dũng, Khổng Đỗ Duy, Nguyễn Thế Hùng, Hồ Hưng, Vương Lê Mỹ Học, Vũ Đức Hiếu (Hiếu Mường), Hoàng Phương Liên, Vũ Thùy Mai, Nguyễn Long, Cao Phương Thảo, Lê Đức Tùng, Trần Thược, Nguyễn Minh (Minh Phố).
Triển lãm kéo dài đến ngày 27/8 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội./.
Một số tác phẩm trong triển lãm: